Báo Đồng Nai điện tử
En

Bí vì… khoán

11:08, 02/08/2017

Từ ngày 1-7, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã thực hiện khoán Quỹ Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2017 cho các cơ sở khám chữa bệnh, thay vì được cấp toàn bộ kinh phí hoạt động như những năm trước đây.

Từ ngày 1-7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đồng Nai đã thực hiện khoán Quỹ Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2017 cho các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, thay vì được cấp toàn bộ kinh phí hoạt động như những năm trước đây. Với mức khoán được giao, phần lớn các cơ sở y tế đều cho rằng không đủ kinh phí để hoạt động.

Trong thời gian tới, các bệnh viện sẽ gặp khó khăn trong chi trả lương cho nhân viên y tế. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lấy mẫu máu xét nghiệm cho bệnh nhân. Ảnh: Đ.Ngọc
Trong thời gian tới, các bệnh viện sẽ gặp khó khăn trong chi trả lương cho nhân viên y tế. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lấy mẫu máu xét nghiệm cho bệnh nhân. Ảnh: Đ.Ngọc

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, trong thực tế năm 2016 bệnh viện chi tiêu trên 550 tỷ đồng, nhưng chỉ được khoán Quỹ Khám chữa bệnh BHYT hơn 422 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện đã sử dụng từ khoán quỹ gần 400 tỷ đồng, còn lại 22 tỷ đồng thì từ nay đến cuối năm 2017 “không biết sống bằng cái gì”.

* Không đủ tiền hoạt động

Phải trả thực chi cho các bệnh viện

TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, cho rằng vấn để khoán kinh phí khám chữa bệnh BHYT cần có sự thống nhất ở cấp trung ương, cấp tỉnh không giải quyết được. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phải ngồi lại để thống nhất giải pháp tháo gỡ theo hướng phải làm sao bảo hiểm phải trả thực chi cho các bệnh viện. Các bệnh viện sẽ bí về dòng tiền, trên sổ sách có nhưng thực tế không có. Tiên lượng 2 tháng nữa các bệnh viện sẽ âm về nguồn tiền.

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn cho rằng, mức khoán Quỹ Khám chữa bệnh BHYT là bất hợp lý, vì từ tháng 2-2016 giá viện phí tăng do đưa lương vào giá. Tuy nhiên, vẫn còn có 20-30% bệnh nhân không có BHYT cũng khám tại bệnh viện, giá của các dịch vụ y tế đối với người không có thẻ BHYT lúc đó chưa tăng, thu không đủ bù chi.

Ngoài ra, từ tháng 2-2016 khi tính lương vào giá, ngân sách trả lương của nhà nước cũng rút đi 32 tỷ đồng. Nay lại thực hiện khoán Quỹ Khám chữa bệnh với mức khoán thấp hơn thực tế nên bệnh viện không có nguồn cho quỹ khen thưởng và quỹ phát triển sự nghiệp, cắt giảm quỹ đào tạo, sửa chữa, ngay cả chi trả lương cho nhân viên y tế sẽ bấp bênh.

Tương tự, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng không đủ tiền hoạt động với mức khoán Quỹ Khám chữa bệnh năm 2017 là gần 300 tỷ đồng. TS.BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết trước nhu cầu phát triển năm 2017 bệnh viện cần khoảng 360 tỷ đồng, còn hụt 60 tỷ đồng, dự kiến vướng vào 2 tháng cuối năm.

Hiện, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đang thiếu hụt nguồn tiền để trả lương tăng thêm cho nhân viên y tế. “Nghề y là nghề đặc biệt, nếu không có ưu đãi rất khó giữ chân bác sĩ. Năm 2016 có gần 40 bác sĩ của bệnh viện xin nghỉ việc. Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 4-5 bác sĩ nghỉ và nếu cứ khó khăn như trên sẽ tiếp tục còn có bác sĩ xin nghỉ nữa” - TS.BS Phạm Văn Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh “khổ sở” mà các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện cũng cùng chung khó khăn này. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, bác sĩ Nguyễn Đức Phước bày tỏ lo lắng về nguy cơ thiếu hụt nguồn kinh phí hoạt động: “Năm 2016 trung tâm được thanh toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT hơn 44 tỷ đồng. Nhưng năm 2017 chỉ được giao mức khoán trên 39 tỷ đồng, chưa tính tăng giá viện phí đã hụt khoảng 4,8 tỷ đồng. Thiếu kinh phí hoạt động, cơ sở y tế sẽ không có điều kiện phát triển các kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân”.

* Đâu là nguyên nhân?

Nhiều ý kiến cho rằng với cơ chế khoán kinh phí khám chữa bệnh BHYT vừa mới thực hiện, vô tình tạo thành cơ chế xin - cho. Khi vượt quỹ lại phải chờ bảo hiểm thẩm định, cấp bù kinh phí. Thời gian được cấp bù lại chậm trễ khiến các đơn vị “bí” dòng tiền để hoạt động và phát triển.

Giám đốc BHXH Đồng Nai Phan Văn Mến cho biết, việc khoán Quỹ Khám chữa bệnh BHXH là thực hiện theo sự chỉ đạo của BHXH  Việt Nam và Bộ Y tế nhằm củng cố công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.

Tổng quỹ chi khám chữa bệnh BHYT của tỉnh năm 2017 khoảng 2.300 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.679 tỷ chi cho nội tỉnh. Căn cứ vào đó, BHXH tỉnh giao mức khoán cho các đơn vị, trong đó Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã chiếm xấp xỉ 50% kinh phí được giao.

Mục đích giao khoán Quỹ Khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh nhằm giao quyền tự chủ cho các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh để biết kinh phí trong năm là bao nhiêu từ đó chủ động điều tiết các chi phí; tạo điều kiện cho cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả; tạo cơ chế phối hợp giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT đảm bảo chặt chẽ, tránh các biểu hiện gian lận, trục lợi Quỹ Khám chữa bệnh BHYT.

Giám đốc BHXH Đồng Nai Phan Văn Mến nhấn mạnh, căn cứ vào tình hình thực tế chi khám chữa bệnh vào các năm trước, đặc biệt năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 để giao phân bổ kinh phí khám chữa bệnh cho các cơ sở phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, do đây là cơ chế mới nên khi thực hiện sẽ có khó khăn, vướng mắc.

Về phía BHXH sẽ không để vì giao khoán quỹ mà gây khó khăn cho các bệnh viện. Trong trường hợp các cơ sở khám chữa bệnh thiếu kinh phí mà có các nguyên nhân khách quan, BHXH  tỉnh sẽ phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính báo cáo BHXH  Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND xem xét cân đối kinh phí cấp bù cho các đơn vị.

Đặng Ngọc

 
Tin xem nhiều