Báo Đồng Nai điện tử
En

Những việc làm ý nghĩa

11:07, 21/07/2017

Với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây", những năm qua, Đảng, nhà nước và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực để chăm lo, giúp đỡ gia đình chính sách.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua Đảng, nhà nước và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nói chung đã có nhiều việc làm thiết thực để chăm lo, giúp đỡ cho những người có công, gia đình chính sách có cuộc sống đủ đầy, thoải mái hơn.

Ông Nguyễn Văn Phương (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) sắp xếp lại những tài liệu, hồ sơ liên quan đến các đối tượng người có công, gia đình chính sách. Ảnh: H.DUNG
Ông Nguyễn Văn Phương (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) sắp xếp lại những tài liệu, hồ sơ liên quan đến các đối tượng người có công, gia đình chính sách. Ảnh: H.DUNG

Đặc biệt, những cán bộ phụ trách lĩnh vực người có công ở các xã, phường là những người gần gũi, sâu sát và có nhiều đề xuất, kiến nghị, việc làm tốt giúp các đối tượng người có công trong cuộc sống.

* Thực hiện mong ước của Mẹ

Ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ: “Quan điểm của tôi khi thực hiện các chế độ chính sách là phải giải quyết nhanh, chính xác, kịp thời. Sau khi rà soát hồ sơ, tôi sẽ tự mang lên huyện rồi lên sở luôn để không bị chậm trễ và để người có công, gia đình chính sách không phải đi lại nhiều lần. Có một điều còn làm tôi day dứt đó là việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn chưa được như mong đợi. Tôi sẽ cố gắng cùng với mọi người nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt điều này, giúp các chú, các bác, các anh an nghỉ, giúp gia đình liệt sĩ được yên lòng”.

Phụ trách mảng lao động - thương binh và xã hội ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) được 12 năm, ông Nguyễn Văn Phương không nhớ hết mình đã đến thăm hỏi các bà mẹ Việt Nam anh hùng trong xã bao nhiêu lần, làm những việc gì để giúp đỡ các gia đình chính sách.

Xuất thân từ gia đình có cha mẹ đều tham gia hoạt động cách mạng, riêng cha là liệt sĩ, ông Phương hiểu hơn ai hết nỗi khó khăn, vất vả của những gia đình có hoàn cảnh tương tự.

Ông Phương kể, không bao giờ ông quên hình ảnh và câu chuyện của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Phương (mẹ sống một mình ở ấp Đất Mới, có 2 con là liệt sĩ).

Vào một chiều mưa năm 2010, ông Phương đến thăm mẹ Phương xem mẹ có cần giúp đỡ gì không. Mẹ Phương vào trong nhà thắp cây đèn dầu mang ra để trò chuyện với khách. “Lúc đó, tôi thấy đau lòng và day dứt quá, bởi đã bao nhiêu năm nay mà nhà mẹ vẫn chưa có điện. Khi tôi hỏi mẹ có cần con giúp gì không, mẹ nói mẹ già rồi, giờ chỉ mong có ánh sáng của điện nhưng mẹ đã đi xin nhiều lần không được vì nhà mẹ cách trụ điện xa quá" - ông Phương nhớ lại.

Ông Phương kể tiếp: "Đêm về tôi trằn trọc, thao thức mãi không ngủ được, chỉ mong nhanh đến sáng để tới Điện lực Long Thành làm hồ sơ xin kéo điện cho mẹ. Sau khi khảo sát địa hình, do nhà mẹ cách một con sông nên việc kéo điện không thuận lợi, anh nhân viên điện lực từ chối vì từ cây cột điện vào nhà mẹ dài 132m, vượt quá quy định. Lúc nghe tôi nói đó là gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh nhân viên nói tôi đưa vào nhà mẹ. Thấy mẹ tóc bạc trắng, sống thui thủi một mình, anh nói chiều nay làm hồ sơ để sáng mai kéo điện luôn cho mẹ. Anh nói giờ một ngàn mét cũng phải mắc điện cho mẹ. Ngày hôm sau có điện, mẹ mừng lắm. Còn tôi thì không còn điều gì tả được niềm vui”.

* Giúp người có công có nhà ở

Bà Nguyễn Thị Phương Linh (nguyên cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội của xã Tam An, huyện Long Thành) những năm qua đã có nhiều đề xuất, kêu gọi các mạnh thường quân trên địa bàn ủng hộ, đóng góp để giúp đỡ những gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn.

Thương binh hạng 4/4 Hồ Văn Dô (49 tuổi, ấp 4, xã Tam An, con của bà mẹ Việt Nam anh hùng) không giấu nổi niềm vui và xúc động khi được trao tặng căn nhà tình nghĩa vào tháng 7-2015. Vợ chồng ông Dô có 8 người con.

Để có thể nuôi, lo cho các con ăn học, trưởng thành, vợ chồng ông Dô đã nỗ lực làm ruộng, ngoài ra ai thuê gì làm nấy. Dành dụm được bao nhiêu tiền, vợ chồng ông đều để lo cho các con nên đến năm 2014, gia đình ông vẫn chưa có căn nhà đàng hoàng để ở.

Mặc dù là gia đình chính sách, lại ở gần UBND xã nhưng chưa có khi nào ông Dô có ý nghĩ đòi hỏi, yêu cầu chính quyền phải hỗ trợ gia đình mình. Trong một lần đi khảo sát các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở trên địa bàn xã, bà Linh đã đề xuất và vận động Lữ đoàn 96 - Binh chủng Pháo binh (Bộ Quốc phòng) ủng hộ 70 triệu đồng phụ giúp gia đình ông Dô xây nhà mới.

Vào dịp 27-7-2015, gia đình ông Dô vô cùng phấn khởi, vui mừng khi được ở trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp rộng gần 100m2. “Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền và Lữ đoàn 96 thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có căn nhà này để ở. Gia đình tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng” - ông Dô chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương Linh cho biết không chỉ gia đình ông Dô mà ở xã Tam An có gia đình nào khó khăn về nhà ở, bà Linh và anh em trong xã đều xuống tận nơi tìm hiểu, khảo sát để vận động mạnh thường quân giúp đỡ xây nhà, sửa nhà. Bởi vậy, người cán bộ phụ trách lĩnh vực biết hết tất cả các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn xã có mức sống, điều kiện sinh hoạt ra sao.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều