Báo Đồng Nai điện tử
En

Vào mùa bệnh sốt xuất huyết

11:06, 19/06/2017

Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,6 ngàn ca sốt xuất huyết, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, đã có 1 ca tử vong. Tuy nhiên, hiện bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng cao.

Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,6 ngàn ca sốt xuất huyết, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, đã có 1 ca tử vong. Tuy nhiên, hiện bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng cao.

Cộng tác viên y tế xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) phun hóa chất diệt muỗi ở khu nhà trọ trong xã. Ảnh: A.An
Cộng tác viên y tế xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) phun hóa chất diệt muỗi ở khu nhà trọ trong xã. Ảnh: A.An

Cụ thể tháng 6, toàn tỉnh ghi nhận 276 ca, tăng 43% so với tháng 5. Nguyên nhân là do thời tiết đang vào mùa mưa, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Đây là nguồn lây chính của bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika. Tại các bệnh viện trong tỉnh cũng gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận một số ca sốt xuất huyết nặng, phải thở máy.

 Đặc biệt, tại huyện Nhơn Trạch, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến, từ đầu năm 2017 đến nay có gần 500 ca, chiếm hơn 30% tổng số ca mắc toàn tỉnh. Đáng chú ý, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100 ngàn dân tại huyện Nhơn Trạch là 227 ca, cao gấp 4,4 lần so với tỷ lệ chung toàn tỉnh. Nguyên nhân được xác định là do các khu dân cư, khu nhà trọ gần khu công nghiệp còn nhiều vật phế thải chứa nước, hệ thống thoát nước sinh hoạt chưa có nên tạo môi trường ẩm thấp cho muỗi vằn sinh sản . 

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, cách phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế, để phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika hiệu quả, cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình.

Cụ thể, cần thường xuyên lau rửa, đậy nắp kín các lu, khạp, bể chứa nước, thả cá bảy màu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các bình bông, lọ hoa, thả muối vào bát nước kê chân chạn; đồng thời loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng đến để không cho muỗi đẻ trứng…

Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, công ty, xí nghiệp hãy dành 10-15 phút mỗi tuần để tự làm sạch nơi mình làm việc, nơi sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng để phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika và các bệnh lây truyền qua muỗi.

“Diệt lăng quăng là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika; không có lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika” - bác sĩ Huỳnh Cao Hải nhấn mạnh.               

An An

Tin xem nhiều