Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy hiểm của bệnh hẹp động mạch chi dưới

10:06, 12/06/2017

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân bị hẹp động mạch chi dưới vào điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với tình trạng chân thiếu máu nặng. Ngón chân, bàn chân đã bị loét, hoại tử. Do tới bệnh viện quá muộn, các bác sĩ đã phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ chân bị hoại tử do thiếu máu trong thời gian lâu.

Hoại tử ngón chân do hẹp động mạch chi dưới nặng
Hoại tử ngón chân do hẹp động mạch chi dưới nặng

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân bị hẹp động mạch chi dưới vào điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với tình trạng chân thiếu máu nặng. Ngón chân, bàn chân đã bị loét, hoại tử. Do tới bệnh viện quá muộn, các bác sĩ đã phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ chân bị hoại tử do thiếu máu trong thời gian lâu.

Hẹp động mạch chi dưới là tình trạng bệnh của các động mạch cung cấp máu tới chân bao gồm động mạch chủ bụng, động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch khoeo và động mạch chày - mác. Lòng động mạch bị hẹp gây giảm tưới máu cho cơ, xương và các bộ phận liên quan (da, thần kinh) của chân. Nếu không được điều trị tái thông mạch thì mô thiếu máu sẽ hình thành những vết loét không lành hoặc hoại tử một phần hay toàn bộ bàn chân, cẳng chân.

Nguyên nhân của bệnh

Nguyên nhân chính là xơ vữa động mạch. Người hút thuốc lá có nguy cơ bị hẹp động mạch chi dưới cao hơn 2-6 lần so với người không hút thuốc. Ngoài ra, những người bị đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp là những đối tượng dễ bị hẹp động mạch chi dưới. Các nghiên cứu ở nước ngoài cũng như trong nước ghi nhận tỷ lệ hẹp động mạch chi dưới tăng từ 10-20% ở người có các yếu tố nguy cơ này so với những người không có yếu tố nguy cơ.

Các biểu hiện của bệnh

Biểu hiện đầu tiên mà người bệnh có thể ghi nhận là đau bắp chân khi đi được một khoảng cách nhất định. Hiện tượng này thể hiện tình trạng thiếu máu khi gắng sức của chân bị hẹp động mạch. Nặng hơn nữa là người bệnh cảm giác đau ngay khi vừa bước đi hay đau liên tục khi nghỉ, kèm theo xuất hiện các biểu hiện của thiếu máu mạn tính ở cẳng và bàn chân, như: da khô, teo cơ, chân lạnh hay có thể tím, loét…

Chẩn đoán như thế nào?

Việc chẩn đoán được thực hiện với thăm khám lâm sàng và làm các chẩn đoán hình ảnh, như: siêu âm doppler mạch máu; chụp cắt lớp vi tính (CTA); chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) hay chụp động mạch cản quang (DSA). Thực hiện thăm khám, thầy thuốc sẽ bắt mạch, đo huyết áp chân và tay cả 2 bên để phát hiện vị trí mạch yếu hơn và có huyết áp ở chân thấp hơn so với tay lớn hơn 20mmHg.

Siêu âm doppler là kỹ thuật không xâm lấn, cho kết quả chẩn đoán xác định tốt. Chụp CTA hay MRA là những kỹ thuật cao, ít xâm lấn, mang lại hình ảnh rõ ràng giúp chẩn đoán chính xác bệnh, vị trí và hình thái tổn thương để các bác sĩ có thể định hướng kỹ thuật điều trị. Các kỹ thuật hình ảnh này hiện tại đã trở thành phổ biến ở những trung tâm chuyên điều trị bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp bệnh mà các bác sĩ cho chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nào để vừa có được kết quả chính xác và tránh không phải sử dụng các chất cản quang nếu chụp CTA hay cản từ nếu chụp MRA. Chụp động mạch cản quang là kỹ thuật xâm lấn, được chỉ định cho các trường hợp có định hướng điều trị bằng can thiệp nội mạch: nong chỗ hẹp bằng bóng hay đặt giá đỡ (stent).

Các phương pháp điều trị hẹp động mạch chi dưới

Cũng giống như các bệnh tim mạch khác, việc điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ gây bệnh là cần thiết. Người bệnh cần phải bỏ thuốc lá. Điều trị và theo dõi nghiêm ngặt các bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, đái tháo đường để bệnh hẹp động mạch chi dưới không hình thành và phát triển.

Khi tình trạng hẹp nặng, gây ra các triệu chứng  của thiếu máu như đau, loét khó lành là cần phải áp dụng điều trị tái thông mạch máu. Các kỹ thuật tái thông mạch máu bao gồm: can thiệp nội mạch qua da nong bằng bóng hay đặt stent; phẫu thuật bắc cầu nối qua chỗ động mạch bị hẹp. Tùy theo vị trí, hình thái tổn thương và tình trạng toàn thân của người bệnh mà các bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật can thiệp nội mạch qua da hay phẫu thuật… Nếu được điều trị tái thông mạch kịp thời sẽ mang lại kết quả tốt, giảm nguy cơ hoại tử rất cao.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng

Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tim mạch, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai

Tin xem nhiều