Báo Đồng Nai điện tử
En

Hút thuốc lá: Đối diện với nhiều bệnh tật

11:05, 29/05/2017

Hiện nay, không ít bệnh nhân là người hút thuốc lá đang đối diện với nhiều loại bệnh tật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động cũng như tốn kém tiền bạc.

Hiện nay, không ít bệnh nhân là người hút thuốc lá đang đối diện với nhiều loại bệnh tật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động cũng như tốn kém tiền bạc.

Điều dưỡng Bệnh viện phổi Đồng Nai phát thuốc cho một bệnh nhân lao. Ảnh: Đ.Ngọc
Điều dưỡng Bệnh viện phổi Đồng Nai phát thuốc cho một bệnh nhân lao. Ảnh: Đ.Ngọc

Điều đáng nói, hầu hết các bệnh nhân này đều hiểu hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng họ vẫn không dừng lại sớm, dẫn đến những hậu quả rất nặng nề. Cụ thể, như trong hàng trăm ca nhồi máu cơ tim cấp được cấp cứu thành công tại Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, có phần lớn nguyên nhân do hút thuốc lá lâu năm.

Kẻ thù của tim mạch

Đơn cử, như trường hợp ông N.V.T. (76 tuổi, ở TP.Biên Hòa) có hơn 20 năm hút thuốc lá, bị các bệnh, như: xơ vữa mạch máu toàn thân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Ông đã phải trải qua 3 lần can thiệp bằng kỹ thuật cao, như: đặt stent động mạch vành, nong bong động mạch thận, đặt stent động mạch chủ bụng để chữa các bệnh tắc nghẽn động mạch. Chi phí chữa trị lên đến hàng trăm triệu đồng mới có thể cứu ông qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, với căn bệnh xơ vữa mạch máu toàn thân, nguy cơ tắc nghẽn động mạch của ông T. vẫn còn rất cao.

Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết hút thuốc lá làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn và làm cho nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim khiến hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch, bao gồm: bệnh mạch vành, mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Ngoài ra, theo bác sĩ Huy, việc hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã có sẵn bệnh lý tăng huyết áp. Ngoài nicotine, các hóa chất khác có trong khói thuốc như carbon monoxide cũng có hại cho tim. Những chất này dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, gây xơ vữa động mạch, tắc nghẽn những động mạch lớn, như: động mạch thận, động mạch chủ bụng, động mạch tim. Nếu việc tắc nghẽn động mạch không được cấp cứu, can thiệp kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

Nguy cơ cao của bệnh ung thư

Điều nguy hiểm nhất là việc hút thuốc sẽ dẫn nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao, trong đó có ung thư phổi, ung thư các bộ phận thuộc đầu và cổ, ung thư thận và bàng quang, ung thư tuyến tụy, ung thư bộ phận sinh dục, ung thư hậu môn và đại trực tràng…

Bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay ung thư phổi đứng thứ 2 trong những căn bệnh ung thư đối với nam, chỉ sau ung thư gan: đặc biệt, những năm qua tỷ lệ nữ giới mắc ung thư phổi cũng tăng lên. Điều này đặt ra một vấn đề có thể nguyên nhân do ảnh hưởng của hút thuốc lá thụ động.

Ngoài ra, tình hình bệnh lao trên địa bàn vẫn còn phổ biến, đặc biệt số ca lao kháng thuốc được phát hiện và điều trị ngày càng tăng. Hiện nay, toàn tỉnh  có hơn 3,8 ngàn người mắc bệnh, trong đó có hơn 120 ca lao kháng đa thuốc và hơn 85 ca lao trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, cho biết phần lớn những người mắc bệnh lao là nam giới và có tiền sử hút thuốc lá.

Ngoài ra, số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong tỉnh cũng ngày một đông. 5 năm qua, Bệnh viện phổi Đồng Nai mới quản lý được hơn 3 ngàn bệnh nhân bị COPD và hen phế quản. Điều đáng nói, tỷ lệ mắc bệnh COPD trong cộng đồng chiếm đến 10% những người trên 40 tuổi.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh ước tính cũng có cả trăm ngàn người bệnh, mức độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng số người được phát hiện ra rất ít so với thực tế. Việc không được phát hiện và điều trị bệnh COPD sớm sẽ làm tăng gánh nặng viện phí cho người bệnh khi bệnh diễn tiến ngày một nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, hút thuốc là một sự lãng phí rất lớn về sức khỏe, thời gian và tiền bạc, mà lẽ ra có thể dùng vào rất nhiều việc có ý nghĩa khác. Đó là một trong những lý do mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 2017 là “Sử dụng thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”, đề cập tới những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như của từng quốc gia do việc sử dụng thuốc lá gây ra.

Đặng Ngọc

Tầm soát sớm bệnh ung thư phổi

Bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khuyến cáo người có nhiều năm hút thuốc lá nên đi tầm soát bệnh ung thư phổi bằng chụp CT scanner và MRI để phát hiện sớm ung thư phổi thì mới phẫu thuật cắt khối u và xạ trị ngăn ngừa di căn sang các bộ phận khác. Tuy nhiên, việc tầm soát này có chi phí đắt nên nhiều người không chú trọng. Khi đến giai đoạn trễ, phương pháp điều trị chủ yếu là hóa trị để kéo dài thời gian sống. Vào giai đoạn trễ phải phối hợp rất nhiều phương pháp điều trị nên rất tốn kém, trong khi đó đa phần bệnh nhân ung thư phổi có hoàn cảnh rất khó khăn.

Bỏ thuốc lá để có một trái tim khỏe

Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho rằng việc bỏ thuốc lá là một biện pháp rất hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, phải có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, dành mỗi ngày ít nhất 30 phút để tập thể dục. Giảm ăn đồ ăn chứa nhiều mỡ, giảm ăn mặn, ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá… Đồng thời, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần đối với người có nguy cơ cao và 1 năm/lần đối với người bình thường để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch.

 

 

Tin xem nhiều