Báo Đồng Nai điện tử
En

Xứng đáng với phần thưởng cao quý

11:05, 17/05/2017

Những tập thể, cá nhân xuất sắc trong tỉnh sẽ được nhận các phần thưởng cao quý cấp nhà nước đợt 1-2017 vào ngày 18-5, nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những tập thể, cá nhân xuất sắc trong tỉnh sẽ được nhận các phần thưởng cao quý cấp nhà nước đợt 1-2017 vào ngày 18-5, nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thầy Hoàng Văn Tâm (Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học môn Lịch sử.
Thầy Hoàng Văn Tâm (Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học môn Lịch sử.

Phó trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Vy Vũ Hồng Thảo cho biết: “Dù công tác ở ngành nghề, lĩnh vực nào hay giữ chức vụ gì, các tập thể, cá nhân được khen thưởng lần này đều có điểm chung là dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự phát triển chung của tỉnh”.

* Những bông hoa đẹp

Tại lễ trao các phần thưởng cao quý cấp nhà nước đợt 1-2017 tổ chức vào ngày 18-5 tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, Đồng Nai có 30 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 2 cá nhân nhận Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; 2 tập thể, 7 cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng nhì; 1 tập thể, 2 cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng ba; 1 tập thể nhận cờ thi đua của Chính phủ; 3 tập thể và 33 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Với vai trò là người đứng đầu, ông Nguyễn Văn Nải, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND TX.Long Khánh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020.

Việc TX.Long Khánh là một trong 2 địa phương của tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất nước, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III, có một phần nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sáng tạo của Bí thư Thị ủy Nguyễn Văn Nải.

Điều quan trọng nhất sau những kết quả trên là đời sống của nhân dân thị xã ngày càng được nâng cao. Các nhu cầu về học hành, chăm sóc sức khỏe, phương tiện thông tin liên lạc, dịch vụ, hưởng thụ văn hóa tinh thần của cán bộ, nhân dân địa phương ngày một tiến bộ.

Nhà giáo nhân dân Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (trái), trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ cho học viên.
Nhà giáo nhân dân Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (trái), trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ cho học viên.

Cũng với vai trò lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai) đã nỗ lực điều hành sản xuất kinh doanh đưa tổng công ty trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn nhà nước kinh doanh hiệu quả nhất tỉnh.

Giai đoạn 2011-2015, dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng tổng công ty luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do UBND tỉnh giao về doanh thu, nộp ngân sách, tỷ suất lợi nhuận...; công tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá của công ty mẹ được chú trọng thông qua việc hỗ trợ các nông hộ về giống, vốn, phân bón, kỹ thuật trồng trọt đến sơ chế, thu mua sản phẩm.

Điều này đã giúp tổng công ty ổn định vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân.

Trong khi đó, đến xã Phú Sơn (huyện Tân Phú), ai cũng biết và cảm phục ông Trương Thanh Khoan (61 tuổi, ấp Phú Lâm 3), bởi sau 11 năm nghiên cứu và nhiều lần thất bại nặng nề, ông đã thành công với phương pháp tạo trầm hương nhân tạo từ cây dó bầu. Dùng hỗn hợp mật mía, mật ong, cám bắp, tinh dầu dừa để kích thích quá trình tạo trầm và với phương pháp vi sinh lên men, ông Khoan đã rút ngắn được thời gian tạo trầm và nâng cao chất lượng trầm.

Năm 2014, ông Khoan được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế “Phương pháp kích thích cây dó để tạo trầm”. Ông Khoan bộc bạch: “Người có nhu cầu học cách tạo trầm khi tìm đến nhà, tôi đều sẵn sàng chia sẻ. Tôi hy vọng với cách làm của mình có thể giúp được nhiều người vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hiện gia đình tôi có khoảng 7 hécta với 3 ngàn cây dó bầu đang trong tuổi thu hoạch. Tôi đã tạo được việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng”.

Anh Dương Thanh Trí, cháu của Mẹ Bùi Thị Nghê (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết: “Gia đình chúng tôi rất vui, vinh dự và tự hào khi bà cố nội của tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà cố nội của tôi có 2 con trai là liệt sĩ, hiện được cha mẹ tôi thờ cúng. Chúng tôi cảm ơn sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những hy sinh, mất mát của cố nội tôi”.

* Không ngừng phấn đấu

Trường đại học Lạc Hồng vừa lần thứ 7 đăng quang vô địch cuộc thi sáng tạo robocon Việt Nam và chuẩn bị đến Tokyo (Nhật Bản) để tham gia cuộc thi sáng tạo robocon châu Á - Thái Bình Dương.

Phó hiệu trưởng nhà trường, TS.Lâm Thành Hiển cho hay nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp là 2 trong những thành tích nổi bật của tập thể Trường đại học Lạc Hồng. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt trên 80%. Những sinh viên xuất sắc có cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài. Riêng sinh viên khối ngành kỹ thuật và ngôn ngữ có tỷ lệ việc làm rất cao.

“Nhà trường đã ký 683 thỏa thuận hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Hiện trường đang đào tạo bậc tiến sĩ ở ngành quản trị kinh doanh và khoa học máy tính. Là tập thể duy nhất được nhận cờ thi đua của Chính phủ dịp này, nhà trường rất vinh dự, tự hào và sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh để gặt hái nhiều kết quả tốt hơn nữa” - TS.Lâm Thành Hiển nhấn mạnh.

Cá nhân nhà giáo nhân dân Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cũng vinh dự là cá nhân duy nhất trong tỉnh được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc trong đợt này.

Cũng đau đáu với sự nghiệp trồng người, thầy Hoàng Văn Tâm (giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Biên Hòa) đã dành trọn thời gian của mình cho việc đọc sách, nghiên cứu và đổi mới phương pháp dạy học. Với đặc thù môn học nhiều sự kiện, dữ liệu, thầy Tâm đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng sơ đồ tư duy để cuốn hút học trò.

Học sinh Đinh Văn Nam, lớp 11A4, tâm sự: “Trước đây em rất sợ môn Sử vì vừa khô vừa khổ. Nhưng từ khi học với thầy Tâm, em thấy môn Lịch sử trở nên gần gũi, sống động. Học với thầy rất dễ hiểu, lớp học lúc nào cũng sôi động”.

Không chỉ dạy học trên lớp, thầy Tâm còn đề xuất và đưa học sinh đi tham quan, học ngoại khóa ở Văn miếu Trấn Biên, Bảo tàng Đồng Nai, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Dinh Thống Nhất, Thảo Cầm Viên. Thầy Tâm chia sẻ: “Điều quan trọng là phải tạo được sự thoải mái cho học sinh trong mỗi giờ học, không nên dạy kiểu giáo điều, nhồi sọ mà phải kích thích được tính tò mò, ham học hỏi của học sinh. Có như thế, các em mới cảm nhận được những sự kiện lịch sử, nhớ lâu và có kết quả học tập tốt”.

Nhờ phương pháp dạy sáng tạo của thầy Tâm mà tỷ lệ học sinh đạt thành tích cao môn Lịch sử trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia của trường và của tỉnh ngày càng tăng.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều