Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều trị bệnh lý tĩnh mạch

10:05, 01/05/2017

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã thực hiện hàng trăm ca can thiệp động mạch, như: mạch vành, mạch não, mạch thận... cứu sống nhiều bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch.

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã thực hiện hàng trăm ca can thiệp động mạch, như: mạch vành, mạch não, mạch thận... cứu sống nhiều bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch. Mới đây, trung tâm đã tiến sang lĩnh vực mới là can thiệp tĩnh mạch, chữa được những ca bệnh lý tĩnh mạch khó, phức tạp.

Bác sĩ Khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất kiểm tra lại chức năng vận động cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thơm sau khi được can thiệp tĩnh mạch. Ảnh: Đ.Ngọc
Bác sĩ Khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất kiểm tra lại chức năng vận động cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thơm sau khi được can thiệp tĩnh mạch. Ảnh: Đ.Ngọc

Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết bệnh lý tĩnh mạch cũng khó và phức tạp không khác gì bệnh lý động mạch, nhất là khi tĩnh mạch hình thành những cục máu đông, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, cục máu đông di chuyển lên tim, lên phổi gây tắc nghẽn động mạch phổi, bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh.

* Bệnh tĩnh mạch có thể gây thuyên tắc phổi

Cách đây khoảng 2 tháng, bà Nguyễn Thị Thơm (70 tuổi, ngụ xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) bị sưng chân phải, gây đau nhức. Người nhà đưa bà đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất khám bệnh vì nghĩ chân bà bị đau do hậu quả của tai biến mạch máu não, đái tháo đường, cao huyết áp, suy thận mạn. Tuy nhiên, tại đây qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện bà Thơm có nhiều huyết khối trong hệ tĩnh mạch ở chân đã lan tới vùng bẹn bên phải, khả năng huyết khối di chuyển lên tim và lên phổi rất lớn, nguy cơ tử vong cao.

Do đó, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp tĩnh mạch cho bà Thơm bằng kỹ thuật can thiệp tĩnh mạch đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới.

Theo bác sĩ Phạm Quang Huy, bệnh lý tĩnh mạch hiện rất phổ biến, có nhiều nguyên nhân như: bẩm sinh do di truyền ở những người có tình trạng tăng đông;  nghề nghiệp phải đứng nhiều, ngồi nhiều; sinh nở nhiều cũng làm hệ thống tĩnh mạch dần dần bị suy. Trường hợp nhẹ sẽ  gây giãn tĩnh mạch, nhận thấy được dưới da như: nổi vân dưới da, xuất hiện vết bầm như mạng lưới ở da; nặng hơn là nhìn thấy rõ tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da, bắt đầu có sự thành lập huyết khối, hình thành các cục máu đông bên trong tĩnh mạch. Đến giai đoạn nặng nếu không được điều trị tích cực sẽ gây viêm tắc tĩnh mạch làm bệnh nhân rất đau nhức, sưng chân. Sợ nhất là cục máu đông sẽ di chuyển về tim, từ tim cục máu đông sẽ di chuyển đến cơ quan khác, nếu di chuyển đến phổi sẽ làm thuyên tắc động mạch phổi, bệnh nhân tử vong rất nhanh.

* Cứu cánh cho những bệnh nhân lọc thận

Cũng theo bác sĩ Phạm Quang Huy, một kỹ thuật cao trong can thiệp tĩnh mạch vừa được bệnh viện triển khai trong tháng 3-2017 chính là kỹ thuật nong tĩnh mạch để kéo dài tuổi thọ “cầu nối động tĩnh mạch” cho bệnh nhân lọc thận nhân tạo. Vì mỗi lần lọc thận, bệnh nhân phải được đâm 2 kim vào tay, một kim lấy máu ra, một kim trả máu về cho cơ thể.  Để hạn chế đâm kim nhiều lần, các bác sĩ đã  làm thủ thuật tạo cầu nối động tĩnh mạch cho bệnh nhân để nối từ động mạch ở cẳng tay hoặc khuỷu tay vào tĩnh mạch, giúp máu từ động mạch chảy mạnh qua tĩnh mạch làm tĩnh mạch nở to ra, gọi là động mạch hóa tĩnh mạch, giúp mỗi lần lọc thận đâm kim rất dễ dàng hơn, bệnh nhân đỡ đau đớn, cuộc lọc máu thuận tiện cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, “tuổi thọ” của cầu nối động tĩnh mạch chỉ được một vài năm. Sau đó sẽ có nhiều chuyện xảy ra, một là bị tắc do tắc hoàn toàn, thường trước khi tắc sẽ làm tĩnh mạch hẹp lại. Trước đây, mỗi lần hẹp như vậy là phải mổ lại để làm cầu nối ở chỗ khác, nhưng trên cơ thể chỉ được vài chỗ (khoảng 6 chỗ) đặt được cầu nối, mỗi lần mổ lại rất khó khăn vất vả, tỷ lệ mổ thành công chỉ khoảng 80%.

“Theo y văn, có khoảng 60% bệnh nhân lọc thận sau khi được sửa cầu nối động tĩnh mạch sẽ được thông thoáng tĩnh mạch sau 2-3 năm, sau đó phải nong lại. Tỷ lệ tái hẹp phải nong lại khoảng 40% sau 1 năm, nong lại rất đơn giản, nhẹ nhàng. Điều này rất ý nghĩa với gần 700-800 bệnh nhân đang lọc thận ở các bệnh viện trong tỉnh, giúp kéo dài được tuổi thọ cầu nối động tĩnh mạch, giúp bệnh nhân chậm phải mổ lại, không lo sợ sẽ không còn chỗ đặt cầu nối động tĩnh mạch như trước đây” - bác sĩ Huy cho biết.          

Đặng Ngọc

 

Tin xem nhiều