Báo Đồng Nai điện tử
En

Lựa chọn và cơ hội

10:04, 12/04/2017

Thời điểm này, học sinh lớp 12 các trường THPT trong cả nước đang hoàn tất việc đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia và nguyện vọng vào đại học, cao đẳng năm 2017. Đây là giai đoạn quan trọng, quyết định tương lai của học sinh sau 12 năm đèn sách.

Thời điểm này, học sinh lớp 12 các trường THPT trong cả nước đang hoàn tất việc đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia và nguyện vọng vào đại học, cao đẳng năm 2017. Đây là giai đoạn quan trọng, quyết định tương lai của học sinh sau 12 năm đèn sách. Chính vì vậy, việc tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về kỳ thi cũng như ngành nghề đăng ký theo học phù hợp sẽ quyết định khả năng ra trường, tìm kiếm cơ hội việc làm của những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nhận định ban đầu của lãnh đạo một số trường THPT cho thấy dù chưa thật đầy đủ, nhưng xu hướng chọn nghề của học sinh năm nay đã khác hơn so với những năm trước, tính toán khá kỹ lưỡng, cẩn trọng. Học sinh không còn chạy đua theo những ngành thời thượng, vượt quá khả năng của mình mà đã biết lượng sức, tìm ngành, nghề phù hợp với năng lực và quan trọng nhất là nhu cầu của xã hội ra sao.

Tạo được bước chuyển biến đáng mừng này có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là định hướng chọn nghề đã được phụ huynh và nhà trường đặc biệt quan tâm, giúp học sinh xác định rõ hơn con đường học hành phía trước. Bên cạnh đó, việc học sinh được tiếp cận dễ dàng với những thông tin tuyển sinh, cũng như khuyến cáo của các chuyên gia đã mở ra nhiều cơ hội lựa chọn dựa trên năng lực bản thân và xu hướng phát triển của xã hội. Điều này rất khác so với cách đây 5-10 năm trở về trước.

Tuy nhiên, để thực sự đào tạo gắn được với yêu cầu sử dụng, vẫn cần một tầm nhìn chiến lược trong hoạch định, dự báo để bài toán “lệch pha” không còn tồn tại. Bởi theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong buổi nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới đây, cũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến những bất cập trong đào tạo ở nước ta. Chính những bất cập này đã tạo ra một nguồn nhân lực có năng suất lao động thấp và rất khó cạnh tranh. Đặc biệt, khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, không còn con đường nào khác là giáo dục phải thay đổi để bắt kịp với xu hướng của thế giới vì nếu không làm được điều này, sẽ khó để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tụt hậu…

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng đã đến lúc Đồng Nai không chần chừ được nữa, mà phải thay đổi tư duy để tồn tại và phát triển được trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi Đồng Nai là địa phương có nền kinh tế phát triển, thu hút đầu tư lớn, tỉnh cần xác định rõ đâu là ngành nghề mũi nhọn sẽ “sống” được trong những năm tới để tập trung đầu tư đón đầu.

Tất nhiên, không phải khi PGS.TS Trần Đình Thiên “nhắc nhở”, Đồng Nai mới chuẩn bị cho mình chiến lược trong GD-ĐT. Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh được thực hiện nhiều năm qua đã xác định rõ mục tiêu đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và sự hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành chủ lực, mũi nhọn của tỉnh nhằm tạo bước đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.

Chương trình này bước đầu đã cho kết quả khả quan và là kênh thông tin khá hữu hiệu để học sinh THPT tham khảo trước khi quyết định ngành nghề sẽ theo học. Tuy nhiên, trong thế giới số hóa như hiện nay, chương trình này cần đẩy nhanh tiến độ với những giải pháp đồng bộ, khả thi để không bị tuột mất những cơ hội phát triển trong nền công nghiệp 4.0.        

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều