Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa dị tật bẩm sinh cho trẻ

10:04, 03/04/2017

Theo bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, mỗi năm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận hàng chục ca bị tật bẩm sinh nặng đến điều trị.

Gần đây, số ca dị tật bẩm sinh đến điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tăng lên so với trước đây.

Theo bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, mỗi năm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận hàng chục ca bị tật bẩm sinh nặng đến điều trị. Các dị tật mà trẻ thường mắc phải, gồm: dị tật về chi, đường tiêu hóa, thần kinh, ngực, tim bẩm sinh…

Một ca bệnh dị tật bẩm sinh được chăm sóc tại Khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức phẫu thuật Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: N.Thư
Một ca bệnh dị tật bẩm sinh được chăm sóc tại Khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức phẫu thuật Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: N.Thư

Cứu sống nhiều ca dị tật bẩm sinh

Vào tháng 2-2017, ê-kíp các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh và Khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức phẫu thuật của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã cứu sống một bé trai sơ sinh có lá gan nằm ngoài ổ bụng. Đó là bé H.M.H. (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai qua với một khối thoát vị to lòi ra ngoài, vị trí trước bụng, có đường kính 10cm, nhìn giống một quả cam, nặng khoảng 300g. Sau khi được hồi sức, bé H. đã được các bác sĩ Khoa  Phẫu thuật - gây mê hồi sức phẫu thuật di dời toàn bộ lá gan vào trong bụng.

Hay như trường hợp bé N.G.H., cũng ngụ tại TP.Biên Hòa bị dị tật vỡ thành dạ dày bẩm sinh, nhập viện trong tình trạng bụng chướng căng, có dấu hiệu sốc nhiễm trùng nặng. Khi chụp X.quang, các bác sĩ  Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai phát hiện có rất nhiều hơi tự do trong bụng của bé, dạ dày vỡ toác khoảng 5cm. Các bác sĩ đã chẩn đoán bé H. bị vỡ tạng rộng dạ dày do thiểu sản lớp cơ dạ dày nên lập tức hồi sức tích cực và tiến hành phẫu thuật cắt bỏ lớp thành dạ dày bị thiểu sản rồi khâu lại, phục hồi chức năng dạ dày cho trẻ.

Nhiều phụ nữ mang thai chọn Trạm y tế xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) để theo dõi thai kỳ.
Nhiều phụ nữ mang thai chọn Trạm y tế xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) để theo dõi thai kỳ.

Điều đáng nói, có một số trường hợp dị tật bẩm sinh khiến trẻ sơ sinh phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật mới có thể chữa khỏi bệnh. Như trường hợp bé N.M.L. (ngụ xã Phước Bình, huyện Long Thành) vừa sinh ra đã phải trải qua ca phẫu thuật cấp cứu để nối lại đoạn ruột bị đứt và hoại tử vào tháng 2-2017 do bị tai biến mạch máu ruột xảy ra trong thai kỳ, làm hoại tử 1 đoạn ruột, phân su tràn ra ổ bụng, gây viêm phúc mạc bào thai. Tuy nhiên, để phục hồi chức năng của ruột như bình thường, bé sẽ phải trải qua 1 - 2 lần phẫu thuật nữa mới khỏi hẳn.

Cần chú ý để thai kỳ khỏe mạnh

Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức phẫu thuật Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển của nhiều chuyên khoa nhi, như: hồi sức tích cực sơ sinh, gây mê nhi chất lượng cao, kỹ thuật thở máy, điều trị các biến chứng phổi, chẩn đoán và phẫu thuật sớm, nuôi ăn tĩnh mạch... đã cải thiện được tỷ lệ sống của các ca dị tật bẩm sinh từ 50% lên 90%. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, trẻ bị dị tật bẩm sinh, ngay cả trẻ bị dị tật bẩm sinh may mắn được cứu sống, vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và cuộc sống sau này, trong khi hiện nay có nhiều phương pháp để phòng ngừa và phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh ngay từ trong bào thai.

Bác sĩ Đinh Văn Sức, Khoa Sản Bệnh viện đại học y dược Shing Mark, cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh, như: do sử dụng thuốc khi mang thai, chế độ dinh dưỡng, môi trường làm việc độc hại, nhiều hóa chất, không tầm soát trước khi sinh, không theo dõi thai kỳ chặt chẽ… Để sinh con khỏe mạnh phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trước hết phụ nữ trước khi mang thai nên đi khám tiền sản để biết được mình có bị các bệnh, như: viêm gan B, giang mai, lậu, HIV, rubella… để biết cách điều trị và đi đến quyết định có nên sinh con hay không, vì các bệnh này phần lớn sẽ dễ lây truyền cho con hoặc gây các dị tật bẩm sinh như mù mắt (đối với bệnh lậu).

Cũng theo bác sĩ Sức, trong quá trình mang thai các sản phụ cần theo dõi thai kỳ hàng tháng hoặc ít nhất là khám thai định kỳ vào những mốc phát triển quan trọng của thai kỳ, như: tuổi thai từ 11 - 13 tuần, từ 14 - 21 tuần, 3 tháng cuối thai kỳ. Trong đó, việc sàng lọc trước sinh cũng rất quan trọng (vào tuần thứ 12 và tuần thứ 21 của thai kỳ) để biết trẻ sinh ra có bị các dị tật bẩm sinh hay không để từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời, thậm chí có thể dừng thai kỳ vì sinh con ra sẽ không được khỏe mạnh. Việc sàng lọc trước sinh sẽ giúp sớm phát hiện các hội chứng Down gây chậm phát triển tâm thần; hội chứng Edward gây chậm phát triển tâm thần nặng và dị tật bẩm sinh, như: tim mạch, tay, trán, mắt…; hội chứng Patau: sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, thận, nhiều ngón…; dị tật ống thần kinh khiến não và cột sống phát triển không bình thường…

Dinh dưỡng rất quan trọng trong thai kỳ

Theo bác sĩ Đinh Văn Sức Khoa Sản Bệnh viện  đại học y dược Shing Mark, chế độ dinh dưỡng góp phần quan trọng cho một thai kỳ khỏe mạnh. Ngoài bổ sung đủ nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất béo, chất đạm, còn phải bổ sung các vi chất, như: sắt, axit folic, canxi…; cần chú ý ăn uống hợp vệ sinh, lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn. Hơn nữa, cần tránh làm việc trong môi trường độc hại, nhiều hóa chất; tránh xa khói thuốc lá, rượu bia. Chú ý giữ gìn sức khỏe không để mắc các bệnh cảm cúm, sởi, rubella… làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bào thai.

Ngọc Thư - Thảo Anh

 

Tin xem nhiều