Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện sớm bệnh Parkinson

11:04, 24/04/2017

Bệnh Parkinson (còn gọi là bệnh liệt run) không nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức, nhưng lại gây trở ngại lớn trong sinh hoạt và công việc hàng ngày của người bệnh nếu không được phát hiện sớm.

Bệnh Parkinson (còn gọi là bệnh liệt run) không nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức, nhưng lại gây trở ngại lớn trong sinh hoạt và công việc hàng ngày của người bệnh nếu không được phát hiện sớm.

Bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, kiểm tra chức năng vận động của một bệnh nhân bị bệnh Parkinson. Ảnh: T.Anh
Bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, kiểm tra chức năng vận động của một bệnh nhân bị bệnh Parkinson. Ảnh: T.Anh

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh Parkinson ngày càng cao. Hiện trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh Parkinson, còn ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê về bệnh này. Điều đáng nói, có những bệnh nhân phát hiện bệnh quá trễ, điều trị rất khó khăn.

* Diễn tiến nhanh

Trường hợp ông Nguyễn Văn S. (55 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã có biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh Parkinson cách đây 3 năm nhưng chủ quan, không đi khám bệnh sớm. Ban đầu tay ông chỉ hơi run, tay phải cứ líu ríu lại, viết chữ rất khó, chữ viết nhỏ khó xem. Đến khi bệnh diễn tiến nặng, như: nói chậm, mặc áo quần hay cầm nắm rất khó khăn… Lúc này, ông đi khám, điều trị đã trễ, diễn tiến bệnh càng nặng hơn. Đến đầu năm 2017, khi mọi vấn đề sinh hoạt và vận động trở nên khó khăn và phụ thuộc vào người thân, ông S. phải nghỉ việc hẳn để đi chữa bệnh.

Điều đáng nói, một số trường hợp chủ quan không đi khám bệnh sớm do nghĩ biểu hiện run tay là do tuổi già sức yếu, đi lại khó khăn mà không hay biết đó dấu hiệu mắc bệnh Parkinson. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Sáng (71 tuổi, ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa) mắc bệnh này 3 năm nay, nhưng ông và gia đình cứ nghĩ là bệnh người già. Cho đến khoảng giữa tháng 4-2017, thấy ông đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt đều không thể tự làm được do tay run nhiều nên người thân mới đưa ông đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám. Các bác sĩ cho biết ông Sáng mắc bệnh Parkinson ở giai đoạn nặng phải nhập viện điều trị.

* Cần được phát hiện sớm

Bác sĩ Nguyễn Đình Quang cho biết bệnh Parkinson do sự thoái hóa của các tế bào thần kinh, khiến các tế bào não không còn kiểm soát được vận động của cơ bắp. Người bệnh sẽ đi đứng khó khăn, cử động chậm chạp, tay chân run cứng. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân trên 60 tuổi và gặp nhiều hơn ở nam giới. Do vậy, đây còn được coi là bệnh của người già. Tuy nhiên, thời gian qua tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng ghi nhận có những bệnh nhân tuổi mới ngoài 40 cũng bị bệnh Parkinson, chiếm 5-10% số bệnh nhân đến khám bệnh Parkinson. Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân gặp khó khăn trong vận động. Khi nặng hơn, bệnh nhân có thể bị ảo giác, mất trí nhớ, không đi đứng được, khó nói, khó nuốt.

Cũng theo bác sĩ Quang, bệnh Parkinson rất khó phát hiện trên các xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh mà chủ yếu bằng cách khám lâm sàng qua các triệu chứng của bệnh nhân, như: tay tự nhiên đau, hơi cứng, viết khó, thậm chí không đau… Do đó, bệnh sẽ rất dễ bị bỏ qua hoặc ít được phát hiện sớm nếu bệnh nhân không được khám tại các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh.

Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính, cho đến nay y học hiện đại chưa có cách nào để phòng ngừa và chữa khỏi hẳn được bệnh này. Nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị bằng thuốc và kết hợp với tập vật lý trị liệu có thể kiểm soát được triệu chứng của bệnh, chất lượng cuộc sống kéo dài và giúp bệnh nhân có được cuộc sống dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu bệnh phát hiện muộn, diến tiến bệnh nhanh, sa sút trí tuệ, điều trị khó khăn và thậm chí phải ngồi xe lăn, bị phụ thuộc… Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm hạn chế tiến triển của bệnh.

Thảo Anh

Tin xem nhiều