Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu hiệu bệnh glô-côm ở trẻ nhỏ

10:04, 03/04/2017

Glô-côm (thiên đầu thống) không phải là một bệnh phổ biến ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh này là 1/10.000. Các triệu chứng bệnh khác với người lớn.

Glô-côm (thiên đầu thống) không phải là một bệnh phổ biến ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh này là 1/10.000. Các triệu chứng bệnh khác với người lớn. Không có cách nào phòng ngừa glô-côm bẩm sinh (xuất hiện trong 3 tháng đầu sau sinh) hoặc glô-côm thiếu niên. Nhưng cần biết các triệu chứng sớm của bệnh có thể giúp đưa ra những can thiệp y tế ngay lập tức để phòng ngừa mù lòa.

1. Dấu hiệu nhận biết

Chảy nước mắt: Hay chảy nước mắt là dấu hiệu dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, đây có thể báo hiệu bệnh glô-côm ở trẻ em. Nếu trẻ bị chảy nước mắt liên tục, hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay.

Sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng chói): Sợ ánh sáng hoặc rất nhạy cảm với ánh sáng, thậm chí là ánh sáng mặt trời, trẻ than phiền đèn quá sáng thì phải đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Co giật mí mắt: Trẻ có những cơn co giật mi mắt không tự chủ và bất thường. Mặc dù tình trạng này hiếm khi xảy ra, nhưng co giật các cơ xung quanh mắt thường gây đau. Đây là dấu hiệu đáng báo động và không nên xem thường.

Tăng kích thước giác mạc: Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sự gia tăng áp lực nội nhãn (áp lực bên trong mắt) dẫn tới sưng mắt, tăng kích thước giác mạc. Vì vậy, nếu trẻ bị sưng nặng mắt hoặc nếu có những thay đổi trong mắt cần đi khám bác sĩ sớm.

Củng mạc có màu xanh: Củng mạc có màu xanh có thể là dấu hiệu của bệnh glô-côm. Vì vậy củng mạc có màu trắng chuyển sang màu xanh hoặc hơi xám cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm.

2. Cách phòng bệnh glô-côm  

- Kiểm tra mắt và thử nghiệm tăng nhãn áp ít nhất 5 năm/lần, làm việc này đến khi ngoài 40 tuổi. Nếu chỉ số đo nhãn áp dần dần tăng thì nên kiểm tra mắt thường xuyên hơn. 

- Ngăn ngừa áp lực tăng nơi mắt bằng cách: Hạn chế stress và nên giải tỏa căng thẳng, tập thể dục hàng ngày; hạn chế dùng các chất chứa cafein; tăng cường ăn các loại trái cây, hoa quả; đeo vật bảo vệ mắt trong khi làm việc và chơi thể thao hàng ngày để tránh những tổn thương ở mắt...

- Kiểm soát các loại bệnh nếu có như: tiểu đường, huyết áp cao, huyết áp thấp, cholesterol và bệnh tim.

- Nếu trong gia đình, tiền sử có người mắc bệnh glô-côm thì mọi người nên đi kiểm tra, xét nghiệm để phát hiện sớm hơn.

Phương pháp điều trị bệnh glô-côm

Bệnh glô-côm có thể được điều trị bằng thuốc,  phẫu thuật, hoặc điều trị phối hợp cả 2 phương pháp trên. Mục đích trong điều trị glô-côm là bảo tồn chức năng thị giác cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải là bệnh đã hoàn toàn được chữa khỏi, sau nhiều năm bệnh vẫn tiếp tục gây tổn hại dẫn đến mù lòa, mặc dù đã được phẫu thuật nhiều lần. Do đó, bệnh nhân cần ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này đến khám và theo dõi định kỳ.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Thu

(Khoa Mắt Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai)

 

Tin xem nhiều