Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng: Động lực phát triển bền vững

10:04, 03/04/2017

Trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2017-2020, tỉnh dự kiến đào tạo nguồn nhân lực cho 7 lĩnh vực, coi trọng đào tạo cả trong nước và ngoài nước...

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Trong đó, cần tập trung đào tạo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đủ số lượng và chất lượng.

Việc tư vấn hướng nghiệp các ngành kỹ thuật đang được nhiều trường đại học, cao đẳng chú trọng. Ảnh: C.NGHĨA
Việc tư vấn hướng nghiệp các ngành kỹ thuật đang được nhiều trường đại học, cao đẳng chú trọng. Ảnh: C.NGHĨA

Trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2017-2020, tỉnh dự kiến đào tạo nguồn nhân lực cho 7 lĩnh vực, coi trọng đào tạo cả trong nước và ngoài nước và hướng tới trình độ quốc tế ở nhiều ngành nghề.

* Đảm bảo chất lượng

Theo Sở Nội vụ, có 7 lĩnh vực được tỉnh ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn từ nay tới năm 2020. Trong số đó có đào tạo nghề kỹ thuật cao, nhân lực khoa học - công nghệ có trình độ sau đại học, nhân lực văn hóa nghệ thuật, vận động viên thể thao thành tích cao; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhân lực ngành y tế, phát triển đội ngũ doanh nhân...

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu lao động kỹ thuật có trình độ, đặc biệt là lao động có trình độ quốc tế lại càng khan hiếm. Dự kiến từ nay tới năm 2020, tỉnh tập trung tuyển và đào tạo khoảng trên 90 ngàn lao động có trình độ, trong đó có trên 1 ngàn người đạt trình độ quốc tế. Tỉnh cũng sẽ đầu tư đưa 20 giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài tại các nước có trình độ tiên tiến về dạy nghề.

Sinh viên Trường cao đẳng nghề Lilama 2 trong giờ thực hành với thiết bị hiện đại của châu Âu.
Sinh viên Trường cao đẳng nghề Lilama 2 trong giờ thực hành với thiết bị hiện đại của châu Âu.

Đồng Nai có 2 trường cao đẳng được Chính phủ Đức và Pháp tài trợ đào tạo các nghề đạt trình độ quốc tế, đó là Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành) và Trường cao đẳng nghề cơ giới thủy lợi (huyện Trảng Bom). Các ngành được tập trung đào tạo gồm: hàn điện công nghiệp, cơ khí chế tạo, điện công nghiệp… Tại 2 trường này đều có các chuyên gia đào tạo nghề của Đức và Pháp trực tiếp giảng dạy.

PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết chương trình đào tạo sau đại học do Sở chủ trì sẽ tiếp tục nâng cao các tiêu chí chọn lựa đối tượng được hỗ trợ đào tạo. Dự kiến, có 250 chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Việc đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài sẽ chọn những quốc gia phát triển hiện đại, đảm bảo được chất lượng và phát huy hiệu quả sau khi hoàn thành chương trình đào tạo về nước.

* Hỗ trợ đào tạo nhân lực

Hạn chế lãng phí đào tạo nguồn nhân lực

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, sẽ triển khai cụ thể và hiệu quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, chú trọng số lượng lẫn chất lượng vì điều này tác động không nhỏ tới việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và những năm tiếp theo. Trong quá trình đào tạo phải bám sát vào nhu cầu của tỉnh và doanh nghiệp, liên kết với doanh nghiệp để đào tạo, hạn chế lãng phí trong đào tạo.

Đồng Nai đã đi tiên phong trong cả nước về việc thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đến nay, quy chế hoạt động của quỹ đã được hoàn thành và đang khẩn trương xác định các đối tượng được vay, thời gian vay. Ban đầu, nguồn cho quỹ được lấy từ ngân sách tỉnh nhưng hướng lâu dài sẽ là xã hội hóa, huy động doanh nghiệp và các tổ chức có nhu cầu sử dụng lao động cùng đóng góp để phát triển quỹ. Doanh nghiệp khi tham gia đóng góp vào quỹ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi trong quá trình tuyển dụng lao động có trình độ.

Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội Mao Quốc Trung cho rằng việc ra đời Quỹ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong việc phân luồng học sinh phổ thông chọn học các nghề kỹ thuật mà tỉnh đang thiếu lao động, đồng thời tạo điều kiện cho những người có nhu cầu học tập nâng cao trình độ nhưng lại khó khăn về kinh phí.

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2, cho biết để có thể đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, nhiều ngành đào tạo trình độ quốc tế của trường mà sinh viên theo học đã được miễn học phí. Về nguồn kinh phí chi cho đào tạo, ông Cường cho biết trường và doanh nghiệp bắt tay cùng đào tạo. Trong quá trình thực hành tại doanh nghiệp, sinh viên có thể mang lại giá trị lao động cho doanh nghiệp. Đào tạo xong, doanh nghiệp có thể nhận sinh viên phù hợp với nhu cầu của mình vào làm việc ngay, không cần đào tạo lại.

Đối với chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Phạm Việt Phương cho biết sẽ tăng cường mở các lớp khởi sự doanh nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, cho các địa phương và khởi động mạnh chương trình khởi nghiệp. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nhân trẻ về kiến thức khởi nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân của tỉnh.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều