Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh truyền nhiễm gia tăng

11:04, 24/04/2017

Theo thông tin từ Sở Y tế, từ đầu tháng 4-2017 đến nay trên địa bàn tỉnh có nhiều loại bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng so với tháng 3-2017...

Theo thông tin từ Sở Y tế, từ đầu tháng 4-2017 đến nay trên địa bàn tỉnh có nhiều loại bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng so với tháng 3-2017.

Một bệnh nhân bị thủy đậu đang điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Một bệnh nhân bị thủy đậu đang điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết trong tháng 4 ghi nhận 213 ca, tăng 17 ca so với tháng 3; bệnh thủy đậu có 52 ca, tăng 2,7 lần so với tháng 3, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2016; bệnh quai bị có 48 trường hợp mắc, tăng 3,36 lần so với tháng 3; bệnh tiêu chảy ghi nhận 252 trường hợp, tăng 30% so với tháng 3.

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phòng ngừa muỗi đốt.

Trong đó, diệt lăng quăng là giải pháp bền vững nhất trong phòng chống sốt xuất huyết, chú ý thường xuyên rửa sạch các lu, thùng chứa nước; thay bình bông, bỏ muối vào chén nước ở chân chạn, loại bỏ các vật phế thải xung quanh nhà...

Riêng bệnh thủy đậu và quai bị đều đã có vaccine phòng bệnh. Trong trường hợp mắc bệnh cần đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được khám và tư vấn cách điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng. Theo bác sĩ Ðồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Ðồng Nai, người lớn không nên chủ quan với bệnh thủy đậu, rất nhiều người nhập viện bị biến chứng nhiễm trùng da.

Điều đáng nói, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối bị thủy đậu, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như sinh non, sảy thai. Do đó khi bị thủy đậu bệnh nhân ngoài uống thuốc và bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ, còn phải giữ cho vết mụn nước không bị vỡ, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa mỗi ngày phòng ngừa nhiễm trùng da.

Về bệnh tiêu hóa, bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cũng cho biết thời tiết nắng nóng khiến thức ăn dễ bị ôi thiu do nhiễm vi sinh. Nếu bệnh nhẹ, tiêu chảy 1-2
lần/ngày có thể điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc và uống nước biển khô để bù điện giải.

Trường hợp người bệnh tiêu chảy trên 3 lần/ngày có kèm sốt, nôn ói thì không nên tự mua thuốc uống mà phải đến các cơ sở y tế để được khám và xác định rõ nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp, nhanh chóng cầm được tiêu chảy tránh mất nước kéo dài gây suy thận rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.

Theo bác sĩ Minh, để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, tốt nhất nên ăn uống ở nhà, ăn chín uống sôi; chọn thực phẩm kỹ, có nguồn gốc rõ ràng; hạn chế ăn các đồ ăn vỉa hè, đồ ăn chiên rán, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh.

Chú ý, bảo quản thực phẩm đồ ăn trong tủ lạnh cần được đậy kín, bọc cẩn thận. Sau khi đưa ra ngoài tủ lạnh cần đun nóng để tiêu diệt vi sinh có trong thực phẩm, đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hóa. Điều quan trọng là phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa nhiễm vi sinh.

An An

Tin xem nhiều