Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩa tình sâu nặng!

10:03, 06/03/2017

Cách đây hơn 4 năm, bà Nguyễn Thị Mười (46 tuổi, ngụ xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) đột ngột mắc một căn bệnh lạ được gọi là xơ cứng cột bên teo cơ, gây suy hô hấp nặng, phải lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở.

Cách đây hơn 4 năm, bà Nguyễn Thị Mười (46 tuổi, ngụ xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) đột ngột mắc một căn bệnh lạ được gọi là xơ cứng cột bên teo cơ, gây suy hô hấp nặng, phải lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Cũng chừng ấy năm, bà  lấy Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh “làm nhà”.

Ông Hồ Văn Tuấn tập vật lý trị liệu cho bà Nguyễn Thị Mười. Ảnh: N.Thư
Ông Hồ Văn Tuấn tập vật lý trị liệu cho bà Nguyễn Thị Mười. Ảnh: N.Thư

Dù nằm một chỗ hơn 4 năm qua ở phòng bệnh của Khoa Hồi sức tích cực - chống độc nhưng nhìn bà Mười vẫn hồng hào, sạch sẽ, không có vết lở loét như những người nằm một chỗ lâu năm. Túc trực tại giường bệnh, ông Hồ Văn Tuấn khi thì cho vợ ăn, uống nước, khi thì tập vật lý trị liệu...

Ông nhìn vợ, hỏi một cách hiền từ: “Bà có dễ chịu hơn không?”. Nghe chồng hỏi, bà Mười ú ớ gật đầu vì bà nói chuyện rất khó khăn, không rõ chữ.

* 4 năm nuôi vợ trên giường bệnh

Ông Tuấn kể, trước khi bị bệnh bà Mười khỏe lắm, ai thuê làm gì bà làm đó, từ làm cỏ mướn đến đi rừng trồng cây. Cả 2 vợ chồng cùng cần cù làm thuê để nuôi 3 con ăn học. Đùng một cái, bà Mười lâm bệnh, ông đưa bà đi chữa trị khắp nơi cũng không hết.

Từ một người khỏe mạnh, bà Mười sút chỉ còn 32kg. Ngay cả Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) cũng trả lời không chữa được, chuyển về bệnh viện địa phương để thở máy.

Lúc đó, ông chỉ biết nhìn vợ nghẹn ngào khi tiền vay mượn cho vợ chữa bệnh cũng cạn kiệt dần. Rất may, sau này địa phương đã xác nhận cho gia đình ông bà thuộc hộ nghèo và được cấp thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo, được điều trị miễn phí.

Nhưng chi phí ăn uống cũng không phải là ít. Mỗi bữa cơm, ông chỉ đủ tiền mua một phần cơm, mà phải đạp xe đi tìm quán ở xa bệnh viện mới mua được hộp cơm nhiều hơn một chút cho vợ chồng cùng ăn. Khi vợ ăn xong, ông mới ăn phần còn lại.

Các điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh gội đầu cho bà Nguyễn Thị Mười.
Các điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh gội đầu cho bà Nguyễn Thị Mười.

Từ khi bà Mười bệnh nặng, 3 người con của ông bà cũng lần lượt nghỉ học sớm để đi làm thuê và tự bảo ban, chăm sóc nhau. Còn ông Tuấn lấy bệnh viện làm nhà, hàng ngày ông trực tiếp chăm sóc vệ sinh cho vợ để tránh lở loét.

“Mấy tháng nay, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh chuyển về cơ sở mới. Ngủ ở hành lang còn đỡ gió, đỡ lạnh, chứ hơn 3 năm trước tôi toàn ngủ ngoài ghế đá ở hành lang bệnh viện cũ vừa gió vừa lạnh, vừa bị muỗi cắn nhưng tôi chưa bỏ bà ấy một ngày nào. Dù sao cũng là nghĩa vợ chồng, vợ tôi còn sống thì tôi ráng chăm sóc chu đáo. Hồi xưa tôi nghèo, mồ côi mà bà ấy vẫn thương yêu rồi sinh con đẻ cái cho tôi, đem đến cho chúng tôi một mái nhà. Giờ bà đau bệnh, tôi ráng chịu cực chăm sóc để cho con cái lo làm ăn sinh sống, sau này còn làm gương cho tụi nhỏ. Sống ở đời phải có trước có sau” - ông Tuấn bộc bạch. 

* Những người bạn đồng hành...

Mặc dù nói năng khó khăn, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về sự chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, bà Mười gật đầu, nước mắt chảy dài: “Tốt, tận tình, cảm ơn”.

Những năm tháng khó khăn của vợ chồng bà Mười nếu không có những người cùng đồng hành là tập thể bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên Khoa Hồi sức tích cực - chống độc thì có lẽ bà Mười khó có thể sống được đến ngày hôm nay.

Bác sĩ Vương Bình Tây nhớ lại lúc bà Mười được chuyển về đây với hồ sơ chuyển viện còn ghi rõ: “Chuyển về chăm sóc, chờ tử vong”. Lúc ấy, bệnh nhân suy nhược cơ thể, nhiễm trùng phổi nặng. Trong khi bệnh xơ cứng cột bên teo cơ là một dạng bệnh thần kinh cơ tự miễn không rõ nguyên nhân, không chữa trị được, khiến các cơ của bệnh nhân không vận động được gây liệt cơ tay chân, liệt cơ hô hấp.

Trong tình trạng đó, nếu gia đình có nguyện vọng xin về nhà thì chỉ cần rút dây máy thở là bệnh nhân tử vong. Nhưng thấy tri giác bệnh nhân vẫn tốt, gia đình tha thiết xin được điều trị. Chỉ duy nhất có bà Mười là muốn xin về do không muốn chồng con tiếp tục khổ sở vì mình.

Trước tình cảnh đó, bác sĩ Tây quyết định cho bà Mười ở lại bệnh viện để thở máy, chăm sóc, nuôi dưỡng. Khoa Hồi sức tích cực - chống độc cũng làm các thủ tục xin bệnh viện miễn giảm viện phí và vận động các mạnh thường quân giúp đỡ gia đình bà Mười. Thậm chí, bác sĩ Tây còn vận động địa phương làm thủ tục công nhận hộ nghèo cho bà Mười để bà được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, miễn chi phí điều trị.

Trong Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bà Mười được các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên ở đây coi như người nhà. Việc tắm gội cho bà Mười rất vất vả vì dịch chuyển bà Mười thật khó khăn với cả đám dây nhợ của máy thở kèm theo, nhưng điều dưỡng của khoa vẫn làm mỗi ngày. Chỉ cần bà Mười bập bẹ là bác sĩ, điều dưỡng ở đây biết bà muốn nói gì, cần gì. Tết đến, các điều dưỡng còn cắt tóc, sơn móng tay cho bà Mười đón tết.

“Lúc chuyển sang bệnh viện mới, phải gửi bà Mười qua bệnh viện khác mấy hôm mà trong khoa ai cũng nhớ” - điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Nguyễn Thị Bé chia sẻ.

Ngọc Thư - Hoàng Trường

Tin xem nhiều