Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viêm não mô cầu lại xuất hiện

10:02, 27/02/2017

Ngày 15-2, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh xác nhận trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong nghi do mắc bệnh viêm màng não do virus não mô cầu tấn công.

Ngày 15-2, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh xác nhận trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong nghi do mắc bệnh viêm màng não do virus não mô cầu tấn công.

Trẻ được tiêm ngừa bệnh viêm não mô cầu tại Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai. Ảnh: An An
Trẻ được tiêm ngừa bệnh viêm não mô cầu tại Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai. Ảnh: An An

Mặc dù được nhập viện chữa trị, nhưng do phát hiện trễ nên cháu bé đã tử vong sau 6 giờ điều trị. Đây là trường hợp mắc bệnh và tử vong do bệnh viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2017 trên cả nước.

* Bệnh ít gặp nhưng rất nguy hiểm

ThS.BS Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, cho biết bệnh viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn neisseria meningitidis gây nên. Hiện nay tại Đồng Nai chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm não mô cầu. Tuy nhiên, thời tiết mùa đông-xuân là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh viêm não mô cầu phát triển và lây lan nên việc chủ động phòng ngừa rất quan trọng.

Theo ThS.BS Trần Minh Hòa,  Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A, B, C và D, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhóm sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi chiếm 2/3 số ca mắc do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện và trẻ thường hay đưa đồ vật vào miệng. Nhóm thiếu niên tới dưới 25 tuổi có nguy cơ mắc thấp hơn nhưng dễ bùng phát thành dịch lớn do môi trường sinh hoạt đông đúc (nhà trường, khu công nghiệp, ký túc xá...).

Điều đáng lưu ý, bệnh viêm não mô cầu thường xuất hiện đột ngột với triệu chứng, như: sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Nguy hiểm của bệnh viêm não mô cầu ở chỗ tuy ít ghi nhận ca bệnh, nhưng bệnh lại có tỷ lệ tử vong rất cao. Với những người có cơ địa yếu, khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập cơ thể sẽ gây viêm họng, sau đó vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng... Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có khoảng 70-75% trường hợp mắc bệnh viêm não mô cầu phục hồi hoàn toàn, tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 5-10%, số còn lại có thể gặp biến chứng sau điều trị, như: điếc, hoại tử chi, tâm thần, liệt, động kinh…

* Chủ động phòng ngừa

Bệnh viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng. Phụ huynh cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu cho trẻ (vaccine được tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên); thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc thông thoáng. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh viêm não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, như: theo dõi hoạt động giám sát tại các cơ sở y tế cũng như trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh; chủ động điều tra, giám sát lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; phối hợp với Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe tỉnh tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh tại cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng chuẩn bị nhân lực, cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu để kịp thời chẩn đoán, điều trị, cách ly khi có bệnh nhân nghi nhiễm, mắc bệnh.

An An (ghi)

Tin xem nhiều