Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người lao động hiểu hơn về bình đẳng giới

11:02, 20/02/2017

Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai rộng khắp. Những thông tin, chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được đưa đến người dân bằng nhiều hình thức.

Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai rộng khắp. Những thông tin, chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được đưa đến người dân bằng nhiều hình thức.

Sở Lao động - thương binh và xã hội khảo sát thực trạng nhận thức về bình đẳng giới đối với người lao động tại Công ty cổ phần Đồng Phú Cường (huyện Định Quán).
Sở Lao động - thương binh và xã hội khảo sát thực trạng nhận thức về bình đẳng giới đối với người lao động tại Công ty cổ phần Đồng Phú Cường (huyện Định Quán).

Theo khảo sát mới nhất của Sở Lao động - thương binh và xã hội về thực trạng nhận thức về bình đẳng giới đối với người lao động trên địa bàn tỉnh, trong số 8 ngàn người lao động được khảo sát thì có trên 94% người đã từng nghe và biết đến cụm từ “bình đẳng giới”; gần 74% ý kiến cho rằng bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến việc xây dựng đời sống văn hóa gia đình và xã hội; trên 98% ý kiến tán thành việc phụ nữ tham gia vào các công việc quản lý và hoạt động xã hội.

* Nam và nữ bình đẳng như nhau

Chị Huỳnh Thị Lài và anh Nguyễn Văn Quyền là công nhân ở trọ tại xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch). Căn phòng trọ nhỏ, chật chội nhưng luôn đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng nói chuyện vui vẻ của đôi vợ chồng trẻ.

Chị Lài bộc bạch, chén bát còn có lúc xô nhau, vợ chồng ở với nhau giáp mặt hàng ngày không thể tránh khỏi những lúc giận hờn, cãi vã. Thế nhưng nghĩ lại những giây phúc vợ chồng hạnh phúc, cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, mọi giận hờn đều tan biến hết. Sau mỗi lần vợ chồng to tiếng, nếu như mình có lỗi chị sẽ là người chủ động “làm lành”, bởi trong suy nghĩ của chị, vợ chồng bình đẳng với nhau. Bình đẳng ở đây không chỉ là cùng nhau chia sẻ công việc, cùng nhau bàn bạc và quyết định những vấn đề lớn trong gia đình, mà bình đẳng còn thể hiện ở việc tự chịu trách nhiệm với những việc mình gây ra.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng. Hàng năm, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn công tác truyền thông về bình đẳng giới cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong tỉnh.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, từ các lớp tập huấn, tuyên truyền của Sở Lao động - thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, đã có 1,3 ngàn công nhân lao động được tuyên truyền, tập huấn về bình đẳng giới. Không chỉ công nhân lao động, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đều tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, đồng bào dân tộc, tôn giáo...

Đáng chú ý, nếu như trước đây các lớp tập huấn, tuyên truyền chủ yếu chỉ có phụ nữ tham gia thì nay tình trạng “âm thịnh dương suy” đã được cải thiện rõ nét, một bộ phận nam giới tham gia khá tích cực và có sự chuyển biến về mặt nhận thức.

Công nhân lao động trong giờ làm việc
Công nhân lao động trong giờ làm việc

Mặc dù công việc thu gom rác rất vất vả nhưng được về sớm hơn vợ nên anh Phạm Trường Giang (ở xã Hóa An, TP.Biên Hòa) thường xuyên thay vợ làm việc nhà, đưa đón, chăm sóc con nhỏ. Anh Giang cho rằng vợ chồng đều đi làm kiếm tiền như nhau, công việc của anh vất vả nhưng vợ anh thường xuyên tăng ca nên cũng vất vả không kém. Là trụ cột trong gia đình, anh thấy việc chia sẻ với vợ công việc gia đình và chăm sóc con cái là điều nên làm, vừa tạo ra không khí vui vẻ trong gia đình vừa là cơ hội để thể hiện trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình hạnh phúc.

* Chủ động tìm hiểu về bình đẳng giới

Là người có nhiều năm tuyên truyền về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ... trong công nhân lao động, bà Nguyễn Phước Mạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng mặc dù tỷ lệ người lao động được khảo sát đã từng nghe và biết về cụm từ “bình đẳng giới” khá cao, nhưng thực chất tỷ lệ người lao động hiểu sâu về bình đẳng giới còn khá khiêm tốn.

Cũng theo bà Mạnh, bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình sẽ tạo môi trường lành mạnh để con người được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng; góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước, giải phóng phụ nữ... Vì thế, bên cạnh công tác tuyên truyền sâu hơn về bình đẳng giới của các cấp, các ngành, bản thân mỗi người, nhất là phụ nữ nên tự tìm hiểu sâu các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, vươn lên khẳng định bản thân trong gia đình và ngoài xã hội.

Đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết trên cơ sở chương trình hành động quốc gia và bình đẳng giới của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và kết quả khảo sát, thời gian tới Sở Lao động - thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể đối với công tác bình đẳng giới nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, lồng ghép bình đẳng giới vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch hoạt động của các sở, ban, ngành; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, khu nhà trọ, nơi có nhiều lao động nhập cư về bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới...

Ngoài ra, Sở Lao động - thương binh và xã hội sẽ phối hợp thực hiện công tác nghiên cứu khóa học về bình đẳng giới trên các lĩnh vực; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới phục vụ công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách về bình đẳng giới và có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020; triển khai thực hiện bộ chỉ số giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới.

Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 đã đề ra chỉ tiêu thực hiện của giai đoạn và từng năm. Trong đó, năm 2017 toàn tỉnh phấn đấu:

- Tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đạt 55%;

- Tăng tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp lên 30,5%;

- Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề đạt 34%;

- Tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt 46%;

- Tỷ lệ nữ tiến sĩ đạt 22%;

- 85% các cơ quan báo, đài trong tỉnh có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới;

- 72% nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn, hỗ trợ và 75% người gây baọ lực được phát hiện và tư vấn;

- 85% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung lồng ghép giới;

- 92% thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các cấp được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới (ít nhất 1 lần/năm)...

Nga Sơn

Tin xem nhiều