Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình như tết quê hương

09:01, 20/01/2017

Xuân Đinh Dậu 2017, toàn tỉnh có trên 5 ngàn kiều bào trong số trên 32 ngàn kiều bào của tỉnh Đồng Nai đang sinh sống khắp nơi trên thế giới về đón tết.

Xuân Đinh Dậu 2017, toàn tỉnh có trên 5 ngàn kiều bào trong số trên 32 ngàn kiều bào của tỉnh Đồng Nai đang sinh sống khắp nơi trên thế giới về đón tết.

Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh thăm hỏi kiều bào trong buổi họp mặt Xuân quê hương.
Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh thăm hỏi kiều bào trong buổi họp mặt Xuân quê hương.

Với nhiều Việt kiều, đón tết truyền thống ngay trên mảnh đất được sinh ra luôn là điều thiêng liêng, đặc biệt nhất.

Ở Tây mà nhớ tết ta

Chị Võ Thị Thanh Thảo sinh ra tại xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), năm 2010 theo chồng sang định cư tại TP.Toronto (Canada), tết này mới có dịp trở lại quê hương. Với chị Thảo, 6 năm xa nhà là 6 năm không có được dư vị tết một cách trọn vẹn nhất.

Chị Thảo chia sẻ, sống ở Canada nhưng chị là người yêu truyền thống Việt, tết là một phần ký ức không thể quên. Những năm đón tết Việt ở Canada, chị vẫn dành thời gian để đi siêu thị của người Việt mua bánh tét, bánh chưng, nấu khổ qua nhồi thịt, thịt kho trứng để cúng tổ tiên, ông bà, sau đó cùng cha mẹ và chồng con thưởng thức cho đỡ nhớ nhà. Chị xúc động kể: “Tết Nguyên đán 2010 là năm đầu tiên tôi đón tết xa nhà. Ngày 30 tết, rồi mùng 1 tết tôi gọi điện về Việt Nam. Nghe qua điện thoại tiếng mọi người sum họp mà trong lòng da diết lắm. Tết này đã có mặt ở quê nhà, sẽ không còn phải buồn nữa, đó là điều tôi mong nhất trong những năm qua”.

Trong khi đó, ông Bùi Thanh Minh, Việt kiều sống ở thành phố Perth, thành phố lớn nhất của bang Tây Úc (Úc). Với ông Minh, chỉ về Việt Nam mới được đón một cái tết cổ truyền ấm áp, vui vẻ một cách trọn vẹn nhất. Vì tết không chỉ có vật chất, mà quan trọng hơn là tình cảm của người thân, anh em, bạn bè lâu ngày mới được gặp lại. Ông Minh chia sẻ: “Đã 5 năm nay, năm nào tôi cũng về cùng với người thân tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) để đón tết. Tết cổ truyền là một phần không thể thiếu được với tôi”. Ông Minh chia sẻ thêm: “Không chỉ có năm nay, năm sau và những năm sau nữa, có điều kiện là tôi sẽ chỉ đón tết tại Việt Nam mà thôi”.

Còn Sinthavixay Saiyasith là lưu học sinh tỉnh Champasak, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đang học tập ngành công nghệ thông tin Trường đại học công nghệ Đồng Nai. Sinthavixay Saiyasith cho biết mỗi năm anh được đón 2 cái tết cổ truyền, một của người Lào và một của người Việt. Với anh, tết Việt hay tết Lào đều đặc biệt như nhau vì anh là người được mang trong mình 2 dòng máu Việt - Lào. Anh Sinthavixay Saiyasith chia sẻ: “Tôi sắp đón cái tết Việt lần thứ 3 liên tiếp ở Đồng Nai, và đó đều là những cái tết rất vui, rất tình cảm và ý nghĩa. Ngày giáp tết, tôi cùng với bạn bè ở lại ký túc xá đi sắm tết, đi thăm thầy cô, bạn bè và du lịch một số nơi”.

Đưa Đồng Nai ra biển lớn

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam, là một Việt kiều Đức có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Ông đã kêu gọi Tập đoàn Bosch - tập đoàn công nghệ hàng đầu của Đức và thế giới đầu tư tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác tại Việt Nam. Nhà máy của Bosch tại Khu công nghiệp Long Thành đã có vốn đầu tư lên tới 250 triệu euro, tạo ra việc làm cho 1.500 công nhân và doanh thu hơn 1 tỷ USD trong 9 năm qua. Ông Huệ còn là người giúp Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành) phát triển đào tạo nghề công nghệ cao theo tiêu chuẩn Đức. Ông Huệ cho biết: “Tại nhà máy của chúng tôi đã và đang đón rất nhiều kỹ sư, thạc sĩ, sinh viên là thế hệ Việt kiều thứ 2, thứ 3 học tập ở nhiều quốc gia phát triển về làm việc”.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, Đồng Nai hiện có 15 doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài góp vốn về đầu tư kinh doanh. Có 5 doanh nghiệp do Việt kiều đăng ký thành viên với số vốn trên 300 tỷ đồng. Nhiều Việt kiều đã sớm nhìn thấy lợi thế và tiềm năng và đã trở về Đồng Nai để đầu tư trong các lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, bất động sản. Nhiều doanh nhân Việt kiều đã và đang tận dụng thị trường Đồng Nai để xuất đi nhiều mặt hàng được coi là thế mạnh, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, sản phẩm nông sản… Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Lan, Giám đốc Sở Ngoại vụ, cho biết: “Việt kiều sinh sống ở nước ngoài đã trở thành nhịp cầu nối quan trọng để tỉnh tổ chức các cuộc xúc tiến kêu gọi đầu tư ở nước ngoài…”.

Ông Võ Huy Cường, Việt kiều Mỹ, chia sẻ: “Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là chính sách mở cửa đầu tư ngày càng thông thoáng, giao thông ngày càng thuận tiện, trình độ sản xuất ngày càng hiện đại hơn... Đây chính là những điều kiện hết sức thuận lợi để chúng tôi có thể mạnh dạn trở về nước đầu tư, tìm kiếm những mặt hàng là lợi thế của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hay những nước thứ hai, thứ ba... Chúng tôi rất mong muốn tỉnh sẽ có nhiều chính sách tốt hơn nữa để có thể kết nối, kêu gọi kịp thời tới đông đảo bà con Việt kiều đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, trí thức Việt kiều hướng về tỉnh, mang theo kinh nghiệm, tri thức, công nghệ, vốn, đặc biệt là niềm tự hào Việt Nam để xây dựng tỉnh Đồng Nai ngày càng giàu mạnh.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều