Báo Đồng Nai điện tử
En

Viết ước mơ đến trường bằng những cuốc xe ôm

10:12, 11/12/2016

Với nước da đen nhẻm, thân hình gầy gò cùng gương mặt có phần già dặn, khó ai có thể nhận ra trong số những người chạy xe ôm đứng tại ngã tư xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) có một học sinh đang học lớp 12, vừa tan học là tranh thủ ra đây kiếm khách.

Với nước da đen nhẻm, thân hình gầy gò cùng gương mặt có phần già dặn, khó ai có thể nhận ra trong số những người chạy xe ôm đứng tại ngã tư xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) có một học sinh đang học lớp 12, vừa tan học là tranh thủ ra đây kiếm khách.

Sau giờ học cùng với chiếc xe Cup đã cũ, Phạm Hoàng Lai (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) đứng đợi khách đi xe ôm trên một con đường trong xã. Ảnh: V.TRUYÊN
Sau giờ học cùng với chiếc xe Cup đã cũ, Phạm Hoàng Lai (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) đứng đợi khách đi xe ôm trên một con đường trong xã. Ảnh: V.TRUYÊN

Đó là công việc sau giờ học của Phạm Hoàng Lai, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), trong gần 3 năm qua.

Cậu học tròn chạy xem ôm

 “Hàng tháng hay lâu hơn một chút, cha và mẹ em đều gửi tiền ăn uống, sinh hoạt cho em và bà nội, nhưng do cha mẹ còn nhiều mối lo khác nên số tiền cũng ít lắm. May nhờ có cô chú và bà nội mà em có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, được tạo điều kiện để đi học. Thầy cô luôn quan tâm trong việc dạy dỗ, hỗ trợ em đến trường” - Hoàng Lai nói.

Cha mẹ chia tay nhau khi Phạm Hoàng Lai còn rất nhỏ. Từ đó, Hoàng Lai được bà nội và cô chú đón về chăm sóc.

Khi vừa bước chân vào lớp 10, để đỡ đần cho bà nội trong sinh hoạt, có thêm tiền mua sách vở, Hoàng Lai dùng chiếc xe Cup cũ kỹ do cô chú cho mượn đi học hàng ngày để chạy xe ôm. “Ban đầu khi mới ra ngã tư Hiệp Phước hay một vài địa điểm khác, em rất lơ ngơ vì chưa làm việc này bao giờ. Nhưng rồi khi các chú xe ôm hành nghề lâu năm biết hoàn cảnh đã phân tài cho em như những người lái xe ôm khác, nhờ đó mà em có khách để chở. Em cũng được dặn là không chở khách khi đã quá muộn, không đi vào đường vắng để bảo vệ mình” - Hoàng Lai cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thành, một người lái xe ôm tại khu vực ngã tư Hiệp Phước, cho biết: “Thấy Lai là học sinh mà phải chạy xe ôm nên chúng tôi rất thương. Vậy nên dù người đi xe ôm càng ngày càng ít nhưng mọi người cũng gắng nhường cho Lai một vài cuốc”.

Ngày nào “trúng mánh” thì Hoàng Lai có thể kiếm 100 ngàn đồng, còn không thì chẳng có đồng nào. “Năm học lớp 10 và 11 do bài vở còn ít nên cứ sau giờ học là em chạy xe ôm. Còn bây giờ do chương trình lớp 12 rất nặng nên chỉ có cuối tuần hoặc ban đêm khi nào học bài xong em mới chạy thôi. Do đó, số tiền em kiếm được cũng rất ít” - Hoàng Lai nói.

Thương cháu vất vả, lại lo việc học bị ảnh hưởng nên đã nhiều lần cô chú và bà nội của Hoàng Lai khuyên em đừng chạy xe ôm mà chuyên tâm vào việc học. Bà Lê Thị Sắc (72 tuổi, bà nội của Hoàng Lai), cho biết: “Tui và cô chú nó kêu thôi đừng chạy xe ôm nữa, nhưng nó nói với tui là khi nào học bài xong hay cuối tuần không đi học trên trường thì nó mới chạy xe ôm. Nói hoài mà nó cũng không chịu bỏ chuyện chạy xe nên tui chỉ còn biết nhắc cháu nó cố gắng chú tâm học hành. Chắc tại khổ sớm, thiếu tình thương cha mẹ nên nó có tính tự lập, biết lo sớm”.

Tấm gương sáng

Thương cháu nhưng do khó khăn và đã lớn tuổi nên bà Lê Thị Sắc (bà nội của Hoàng Lai), chỉ biết nhắc nhở cháu cố gắng học tập.
Thương cháu nhưng do khó khăn và đã lớn tuổi nên bà Lê Thị Sắc (bà nội của Hoàng Lai), chỉ biết nhắc nhở cháu cố gắng học tập.

Tuy có cuộc sống kém may mắn, song nhờ sự cưu mang bao bọc của cô chú và bà nội cùng tinh thần tự học, được thầy cô hỗ trợ mà Hoàng Lai trở thành một học sinh có thành tích học tập rất ấn tượng với điểm trung bình môn là 9,3. Đặc biệt, năm học nào Hoàng Lai cũng đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện, giành thứ hạng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và quốc gia. “Em cố gắng học để không phụ sự quan tâm, lo lắng của thầy cô, bạn bè, người thân. Với em, chỉ có học mới mong có được một công việc làm ổn định sau này để mình không còn nghèo khó” - Hoàng Lai chia sẻ.

Ngoài tự học cho bản thân mình, Hoàng Lai còn là tấm gương sáng về đạo đức. Bà Phạm Thị Thủy (ngụ cùng ấp 1, xã Hiệp Phước) nhận xét về Hoàng Lai: “Cả xóm này ai cũng yêu mến Lai vì học giỏi lại hiền lành. Chúng tôi luôn nhắc nhở con cái lấy Lai làm gương mà noi theo. Những khi gặp bài khó, mấy học sinh đến hỏi đều được Lai chỉ giúp với thái độ vui vẻ nên người trong xóm rất mến”.

Chính tính tình hiền lành, học giỏi lại có hoàn cảnh kém may mắn nên không chỉ hàng xóm láng giềng mà ngay cả các giáo viên đều rất thương yêu, muốn giúp đỡ cho Hoàng Lai được đến trường. “Em rất cảm ơn các thầy cô đã không thu tiền học thêm vì biết hoàn cảnh em nghèo khó, ngoài ra còn vận động từ nhiều nguồn để mỗi tháng cho em 500 ngàn đồng. Những ân tình này em luôn ghi nhớ và chỉ biết đền đáp bằng cách cố gắng học thật tốt” - Hoàng Lai nói.

Để động viên những nỗ lực của cậu học trò nhỏ luôn cố gắng vượt lên số phận không may, vừa qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tuyên dương Hoàng Lai là gương người tốt, việc tốt của tỉnh.

Văn Truyên

 

Tin xem nhiều