Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh nhân lao ngao ngán với bảo hiểm y tế

10:10, 26/10/2016

Theo quy định mới, bệnh nhân lao phổi đến khám tại Bệnh viện phổi Đồng Nai trái tuyến sẽ phải chi trả 100% chi phí dù có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo quy định mới, bệnh nhân lao phổi đến khám tại Bệnh viện phổi Đồng Nai trái tuyến sẽ phải chi trả 100% chi phí dù có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi đó, ngành lao đang nỗ lực kiểm soát và quản lý người bệnh với mục tiêu nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng…

Theo quy định mới, người bệnh lao điều trị nội trú tại Bệnh viện phổi Đồng Nai mới được thanh toán bảo hiểm y tế. Ảnh: P.Uyên
Theo quy định mới, người bệnh lao điều trị nội trú tại Bệnh viện phổi Đồng Nai mới được thanh toán bảo hiểm y tế. Ảnh: P.Uyên

Các bác sĩ nhận định, nếu người bệnh không được tạo điều kiện để được kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện điều trị sớm thì khả năng lây lan càng lớn, đặc biệt là người kháng thuốc.

Bỏ dở điều trị vì phải trả 100% chi phí

Thời gian gần đây, ông Nguyễn Thành An (54 tuổi, ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) hay ho khan, sút cân và sốt về chiều mà không rõ nguyên nhân. Đến điểm chẩn đoán lao tại Trung tâm y tế huyện nhằm xác định có bị lao không, ông An được hướng dẫn theo quy trình: khám sàng lọc tại trung tâm, sau đó qua bệnh viện huyện để chụp X.quang phổi. Từ kết quả X.quang, nếu bác sĩ xác định phổi của ông tổn thương thì ông phải trở lại trung tâm thử đờm và làm một số xét nghiệm khác. Một khi xác định đã mắc lao, ông An sẽ phải chuyển đến điều trị tại Bệnh viện phổi Đồng Nai. Qua thời gian điều trị dứt nguồn lây bệnh, ông An sẽ về các tổ chống lao ở xã để nhận thuốc tiếp tục điều trị theo phác đồ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quy, Trưởng phòng giám định BHYT (Bảo hiểm xã hội tỉnh), quy định người bệnh lao khám và điều trị trái tuyến phải đóng 100% chi phí là do Bộ Y tế ban hành, Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ là đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, để thuận lợi cho người dân, Sở Y tế đã phối hợp với BHXH tỉnh có văn bản kiến nghị UBND tỉnh cũng như Bộ Y tế về những bất cập của Thông tư 40 trong việc bệnh nhân không được khám trái tuyến tại những bệnh viện, trung tâm chuyên khoa. Để từng bước tháo gỡ những bất cập này, mới đây Bộ Y tế đã đồng ý cho những trường hợp khám bệnh y dược cổ truyền tuyến xã được chuyển thẳng lên Bệnh viện y dược cổ truyền tỉnh mà vẫn được công nhận đúng tuyến.

Chóng mặt với “quy trình” quy định, ông An liền đến thẳng Bệnh viện phổi Đồng Nai với mong muốn được làm các xét nghiệm một lần. Nhân viên bệnh viện yêu cầu ông đóng 100% chi phí với số tiền gần 500 ngàn đồng. Theo giải thích của nhân viên, từ ngày 1-1-2016 bệnh viện không được khám bệnh BHYT trái tuyến. Không đủ tiền, ông An đành ra về. “Cùng là thẻ BHYT sao nơi thanh toán, nơi không. Tôi nghi mình bệnh, muốn đi chuyên khoa để có kết luận chính xác và điều trị sớm nhưng phải nộp đủ 100%, trong khi người già như tôi tiền đâu mà đóng” - ông An phàn nàn.

Tương tự như ông An, bà Nguyễn Thị Nhạn (52 tuổi, ở xã Lang Minh, huyện  Xuân Lộc) bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mỗi tháng bà Nhạn đều phải đến bệnh viện huyện khám và lãnh thuốc uống. Gần đây, do thấy bệnh trở nặng nên bà Nhạn đến Bệnh viện phổi Đồng Nai để kiểm tra lại và cũng phải nộp 100% chi phí. Không có giấy chuyển viện nên bà Nhạn trả gần 500 ngàn đồng cho đợt khám và thuốc uống 20 ngày. Để được đi đúng tuyến theo quy trình, bà Nhạn xin giấy chuyển viện lên tuyến trên thì được trả lời bệnh viện điều trị được nên không cho chuyển. Chính vì vậy, gần nửa năm nay cứ 20 ngày bà Nhạn lại phải lo tiền đi lại, chi phí khám và thuốc khoảng 500 ngàn đồng/lần.

Cần tạo điều kiện cho bệnh đặc thù

Theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT, từ 1-1-2016 các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, như: Bệnh viện da liễu, Bệnh viện phổi, Trung tâm răng hàm mặt… không được khám BHYT trái tuyến.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khánh cho biết từ khi Thông tư 40 có hiệu lực thì cả bệnh viện lẫn bệnh nhân đều gặp khó khăn trong việc thanh toán BHYT, ngoại trừ bệnh nhân lao phổi có giấy chuyển tuyến hoặc đến khám tại bệnh viện và có chỉ định điều trị nội trú thì vẫn được thanh toán BHYT theo tỷ lệ chi trả của nhóm đối tượng. Thời gian qua, nhiều người nghi mắc lao hoặc các bệnh lý về phổi nên đến thẳng bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh là Bệnh viện phổi Đồng Nai khám thì coi như trái tuyến và phải đóng 100% viện phí, thay vì chỉ phải đóng 50% như trước đây.

Cũng theo bác sĩ Khánh, toàn tỉnh hiện có 3.500 bệnh nhân mắc lao, trong đó bệnh nhân điều trị nội trú là hơn 230 người, số còn lại điều trị ngoại trú nên thường xuyên phải đi khám định kỳ tại bệnh viện phổi. Mặc dù người bệnh lao được thanh toán BHYT các xét nghiệm, lấy mẫu bệnh phẩm, chụp X.quang phổi tại trung tâm y tế hoặc bệnh viện tuyến huyện, nhưng theo phản ảnh của đa số bệnh nhân, họ không tin tưởng kết quả chẩn đoán của tuyến dưới. Do đó, để thuận lợi cho mình, nhiều người lên thẳng bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh dù buộc phải chi trả toàn bộ tiền khám, điều trị. Song, không ít người nghèo chỉ vì không đủ tiền trả 100% chi phí đã bỏ khám, mặc bệnh tình diễn biến bất lợi cho bản thân…

Theo đánh giá của giới chuyên môn, lao là bệnh dễ lây, đặc biệt là người kháng thuốc vì khả năng lây nhiễm rất cao và rất nguy hiểm. Với chương trình phòng chống lao quốc gia, người nghi mắc lao đang được khuyến khích đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ để kịp thời điều trị, tránh lây lan. Tuy nhiên, nếu áp dụng Thông tư 40 một cách máy móc, thiếu cơ chế ưu ái cho bệnh nhân và bệnh viện đặc thù thì vô tình sẽ hạn chế người bệnh lao đến khám và chữa trị. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân lao không được quản lý chặt chẽ sẽ gieo rắc mầm bệnh trong cộng đồng. Điều đó có thể làm chương trình phòng chống lao quốc gia không đạt mục tiêu đề ra.

Phương Uyên

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích