Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho phát triển bảo hiểm y tế

11:08, 22/08/2016

Đến nay Đồng Nai có hơn 2 triệu người tham gia BHYT, đạt khoảng 74% dân số thấp hơn so với bình quân chung của cả nước hiện đã đạt tỷ lệ 79% dân số, chưa tương xứng với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến nay Đồng Nai có hơn 2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt khoảng 74% dân số thấp hơn so với bình quân chung của cả nước hiện đã đạt tỷ lệ 79% dân số, chưa tương xứng với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm giảm thời gian chờ đợi, để người dân không còn ngại đi khám bệnh bảo hiểm y tế. Trong ảnh: Nhân viên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân.
Việc cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm giảm thời gian chờ đợi, để người dân không còn ngại đi khám bệnh bảo hiểm y tế. Trong ảnh: Nhân viên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Thư

Nhiều địa phương trong tỉnh có tỷ lệ người dân tham gia BHYT rất thấp, như: Tân Phú, Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Định Quán.

* Nhiều địa phương đạt thấp

Huyện Tân Phú là địa phương có số người dân tham gia BHYT thấp nhất tỉnh, mới đạt trên 55%. Một trong những nguyên nhân chính là do người dân huyện Tân Phú chủ yếu sống bằng nghề nông, không có điều kiện tham gia BHYT. Ngoài ra, nhiều người dân còn cho rằng chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú còn hạn chế nên chưa mặn mà với BHYT. Bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Phú Lộc, huyện Tân Phú cho biết bệnh viện huyện đến nay mới chữa được bệnh thông thường, chưa thể phẫu thuật, chưa triển khai kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nên người dân thích đăng ký khám, chữa bệnh ở Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán hơn.

Là huyện nông thôn mới nhưng tỷ lệ người dân Xuân Lộc tham gia BHYT cũng mới đạt tỷ lệ hơn 57%. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Xuân Lộc Trần Minh Hiền cho biết nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc tham gia BHYT còn hạn chế. Thông thường chỉ người có bệnh mới mua BHYT; thu nhập của một bộ phận người dân làm nông, lâm, ngư nghiệp còn khó khăn; tình trạng nhiều doanh nghiệp còn trốn đóng BHYT, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản... còn phổ biến.

Riêng tại huyện Thống Nhất (tỷ lệ hơn 58% người dân tham gia BHYT),  một trong những nguyên nhân người dân tham gia BHYT còn thấp là do công tác tuyên truyền gặp khó khăn khi nhiều người dân cho rằng công tác khám, chữa bệnh BHYT vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự tạo sự hấp dẫn cho người dân khi đi khám bệnh, nhất là tuyến cơ sở, tuyến huyện. Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thống Nhất Lê Thị Ngọc Oanh cho hay, người dân thắc mắc hiện nay còn chưa công bằng trong khám, chữa bệnh BHYT. Khi người dân ở thành phố được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở các bệnh viện lớn, còn ở các huyện chỉ được đăng ký ở tuyến huyện, không có nhiều sự lựa chọn.  

* Cải tiến bắt đầu từ chất lượng dịch vụ

Theo kế hoạch thực hiện chỉ tiêu BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ BHYT toàn dân năm 2016 là 75,9%, năm 2017 là 79,6%, năm 2018 là 83,3%, năm 2019 là 87,1%, năm 2020 là 90,7%. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đề nghị các địa phương phải nghiên cứu lộ trình phát triển BHYT toàn dân, cũng như chỉ tiêu giao về cho các địa phương để có giải pháp triển khai thực hiện. Vì đây là một nhiệm vụ quan trọng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới để đạt chỉ tiêu về BHYT toàn dân, là một trong những trụ cột của an sinh xã hội.

Làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng để thu hút người dân tham gia BHYT phải giải quyết được tận gốc 2 vấn đề là chất lượng khám chữa bệnh và cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT. Theo đó, ngành y tế phải tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến huyện; giảm thời gian chờ đợi, điều chỉnh lại thời gian cấp thuốc cho bệnh nhân bị các bệnh mãn tính xuống còn một tháng đi khám, lãnh thuốc một lần; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẻ BHYT. Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng phải rà soát, xem xét lại những thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế, gây khó khăn cho người có thẻ BHYT, như: thủ tục thanh toán BHYT, thủ tục chuyển tuyến.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực bác sĩ cho hệ thống y tế ở các huyện, tập trung cho các bệnh viện đa khoa khu vực và bệnh viện tuyến huyện; cải tiến hơn nữa các khâu đăng ký khám bệnh, thanh toán và phát thuốc BHYT hiện vẫn còn phản ánh của người dân phải chờ đợi lâu. Nguyên nhân là do dù các bệnh viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục phải viết tay theo quy định của Bộ Y tế và bảo hiểm xã hội. Song song đó, ngành sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, giám sát thái độ phục vụ của nhân viên y tế để có xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

“Ngành y tế hô hào đổi mới tinh thần thái độ phục vụ nhưng cũng cần phải rà soát, xem xét lại chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến cơ sở, tuyến huyện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa xem có gì khó khăn không thì đề xuất tỉnh. Nếu cần thiết thì tỉnh phải chi ngân sách để hỗ trợ những đối tượng này để đảm bảo thu nhập cơ bản cho họ tái tạo sức lao động, yên tâm công tác, phục vụ nhân dân tốt hơn nữa” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.

Tránh phân biệt giữa khám BHYT và khám dịch vụ

Tại kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế xem xét lại việc khám, chữa bệnh bằng BHYT, nếu có tình trạng coi thường người bệnh khi khám, chữa bệnh bằng BHYT thì dứt khoát ngành y tế phải chịu trách nhiệm. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế phải bố trí những chỗ đẹp, thuận lợi nhằm đảm bảo việc khám, chữa bệnh bằng BHYT cho nhân dân ngày càng thuận tiện hơn, chất lượng hơn. Tránh phân biệt khám, chữa bệnh theo kiểu trả tiền trước (khám dịch vụ) và trả tiền sau (khám BHYT).

Phương Hằng

Ngọc Thư

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích