Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu lao động: Ngồi nhìn cơ hội đi qua

10:07, 11/07/2016

Đi lao động ở nước ngoài được coi là cơ hội tốt thay đổi cuộc sống khó khăn với mức lương cao gấp 5-6 lần trong nước.

Đi lao động ở nước ngoài được coi là cơ hội tốt thay đổi cuộc sống khó khăn với mức lương cao gấp 5-6 lần trong nước. Tuy nhiên, do điều kiện của các doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu lao động đưa ra và yêu cầu của nước tiếp nhận lao động quá khắt khe nên người lao động chỉ biết ngồi… nhìn cơ hội đi qua.

Người lao động tìm hiểu về cơ hội đi lao động xuất khẩu tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai .  Ảnh: C.NGHĨA
Người lao động tìm hiểu về cơ hội đi lao động xuất khẩu tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai . Ảnh: C.NGHĨA

Theo Phòng Chính sách lao động thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội, năm 2015 chỉ có 32 người đi xuất khẩu lao động. 6 tháng đầu năm nay có thêm được 17 người được đưa sang thị trường lao động các nước Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

* Gian nan để được… “bay”

Hiện có khá nhiều doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đến Đồng Nai để tuyển người đi xuất khẩu lao động, trong đó tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản là nhiều nhất, kế đến là Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia… Mức lương được doanh nghiệp làm dịch vụ tuyển dụng lao động đưa đi nước ngoài đưa ra từ  20-30 triệu đồng/tháng, cao hơn gấp 5-6 lần làm việc trong nước.

Tuy nhiên, để có thể “bay” sang nước ngoài làm việc và có thu nhập như trên lại không dễ dàng. Theo nhân viên tư vấn đưa lao động xuất khẩu của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư giao thông vận tải (Bộ Giao thông - vận tải), nếu đúng “lộ trình” thì phải mất ít nhất 8 tháng với rất nhiều thủ tục, như: học nghề, học ngoại ngữ, thi tuyển tay nghề, lo chi phí xuất cảnh… người lao động mới có thể “bay” ra nước ngoài làm việc. Đa số người có nhu cầu đi lao động xuất khẩu mới chỉ học hết lớp 12, là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề. Thậm chí người lao động dù đã hoàn thành học nghề, ngoại ngữ xong nhưng phía doanh nghiệp nước ngoài qua kiểm tra tay nghề và ngoại ngữ không đạt thì coi như giấc mơ xuất cảnh… tan tành.

Một khó khăn mà người có nhu cầu đi lao động xuất khẩu phải đối mặt là chi phí xuất cảnh. Để được đi xuất khẩu lao động, mỗi người phải bỏ ra chi phí ban đầu từ 4-6 ngàn USD, tương đương với khoảng 90-130 triệu đồng, tùy theo thị trường lao động mỗi nước. Đó là chưa kể tới chi phí ăn ở, học nghề từ 5-6 tháng trước khi đi và nhiều khoản khác, như: khám sức khỏe, vé máy bay…

Gánh nặng chi phí xuất khẩu lao động khiến phần lớn người có nhu cầu chỉ còn biết lắc đầu ngồi nhìn cơ hội đổi đời đi qua. Sau khi tìm hiểu các thông tin và điều kiện đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản của Công ty cổ phần dệt may Sài Gòn (Texgamex), chị Nguyễn Hoài Phương (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Nghe nói lương cao thì mê lắm, nhưng chi phí làm thủ tục chính thức đã tới 130 triệu đồng rồi, lao động nghèo như chúng tôi thì lấy đâu ra số tiền đó. Hơn nữa còn phải mất cả hơn nửa năm để đi học nghề, học ngoại ngữ, chi phí ăn ở, đi lại cũng không hề nhỏ”.  

* Còn nhiều lo lắng

Anh Vũ Đức Đông (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) mới tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo tại Trường cao đẳng nghề Đồng Nai, đến Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai để tìm hiểu cơ hội đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Anh Đông cho biết: “Tôi còn trẻ lại có nghề nên muốn sang Nhật Bản làm việc vài năm để có vốn liếng lo cho tương lai sau này. Tuy nhiên, tôi khá lo lắng bởi không biết quá trình đi lao động có dễ dàng và thuận lợi như doanh nghiệp quảng cáo hay không, hay lại bị doanh nghiệp “ma” lừa đảo thì mất cả tiền lẫn thời gian chờ đợi”.


Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) cho biết: “Người có nhu cầu đi lao động xuất khẩu chỉ nên chọn những trung tâm đã được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cấp phép. Thông tin về các doanh nghiệp này người lao động có thể dễ dàng truy cập trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hoặc nhờ tư vấn của cán bộ Sở Lao động - thương binh xã hội các tỉnh, thành phố”.

Đã có không ít trường hợp người lao động đăng ký đi lao động xuất khẩu nhưng lại không có cơ hội đi. Khi được hỏi, có phải tất cả người đã học xong nghề, có chứng chỉ ngoại ngữ đều nắm chắc cơ hội được sang nước ngoài làm việc, một nhân viên tuyển dụng của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư giao thông vận tải cho biết: “Chúng tôi chỉ tuyển dụng, đào tạo để đối tác nước ngoài sang tuyển chọn. Người lao động có được đi hay không còn phụ thuộc vào nhà tuyển dụng nước ngoài có chọn hay không. Khi đó, chúng tôi sẽ làm thủ tục tiếp theo cho người lao động được “bay”.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cả nước có 262 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi xuất khẩu đang hoạt động, trong danh sách các doanh nghiệp được cấp phép không có bất kỳ doanh nghiệp nào của Đồng Nai. Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai Lâm Thanh Thu cho biết: “Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động xuất khẩu khi đến trung tâm đăng ký tuyển dụng chúng tôi đều kiểm tra rất kỹ, phải có giấy tờ chứng minh được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cấp phép chức năng đưa lao động đi xuất khẩu mới được phép hoạt động tuyển dụng tại trung tâm. Do đó, người lao động hoàn toàn có thể an tâm”.

Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai Huỳnh Ngọc Long cho rằng để kích thích người dân có nhu cầu đi lao động xuất khẩu nhiều hơn thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ vốn mạnh mẽ hơn, bởi chi phí xuất khẩu lao động như hiện nay với nhiều người không hề là nhỏ, trong khi đó nếu vay ưu đãi không cần thế chấp cũng chỉ được 30 triệu đồng, muốn vay thêm cần có tài sản thế chấp, thủ tục không hề dễ dàng.

Công Nghĩa

 
 

 

 

 

Tin xem nhiều