Báo Đồng Nai điện tử
En

Trang bị kỹ năng sống từ thực tế

11:07, 25/07/2016

Hiện nay, việc trang bị kỹ năng sống bằng các hoạt động trải nghiệm thực tế giúp các em thiếu nhi tự tin xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống trở thành vấn đề vô cùng cấp thiết.

Hiện nay, việc trang bị kỹ năng sống bằng các hoạt động trải nghiệm thực tế giúp các em thiếu nhi tự tin xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống trở thành vấn đề vô cùng cấp thiết.

Thời gian qua, nhất là trong dịp hè, Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động giúp các em thiếu nhi có cơ hội trải nghiệm, như: Học kỳ quân đội; Một ngày làm chiến sĩ; Trại hè rèn luyện kỹ năng sống... và mới nhất là Một ngày làm nông dân.

* Trải nghiệm thực tế

Có dịp đồng hành cùng các em trong chương trình ‘’Một ngày làm nông dân’’ tại nông trại Tree (TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) mới hiểu hết được sự lóng ngóng của những ‘’cậu ấm, cô chiêu’’ nơi phố thị khi hóa thân thành những nông dân chân lấm tay bùn.

Thành quả sau khi tham gia hoạt động bắt cá lóc dưới mương.  Ảnh: N.SƠN
Thành quả sau khi tham gia hoạt động bắt cá lóc dưới mương. Ảnh: N.SƠN

Sau khi được trang bị chiếc áo nâu và chiếc mũ vải thông qua trò chơi ‘’Chạy tiếp sức’’, điểm dừng chân đầu tiên của các ‘’nông dân nhí’’ là khu vực đúc heo đất. Tại đây các em vừa được nghe giới thiệu về 21 công đoạn để làm ra con heo đất, vừa được tự tay múc đất sét đã được đánh lỏng đổ vào khuôn đúc heo đất. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng với nhiều bạn nhỏ thì lại rất khó khăn. Em Đào Đông Nghi, học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP.Biên Hòa), cho biết ngoài việc múc đất sét cho khỏi dính vào tay, vương lên quần áo, hoạt động này đòi hỏi sự khéo léo trong quá trình đổ đất sét vào khuôn làm sao cho thật gọn và vừa đủ để không làm đất sét chảy tràn ra ngoài. Yêu cầu là thế nhưng không phải ‘’nông dân nhí’’ nào cũng làm được.

Nếu như ở hoạt động ‘’Đúc heo đất’’ nhiều bạn nhỏ còn e dè, sợ dơ thì ở hoạt động ‘’Cấy lúa’’ các ‘’nông dân nhí’’ tham gia nhiệt tình hơn. Sau phần giới thiệu, hướng dẫn về quy trình để làm ra hạt lúa, mỗi em được phát một nhúm lúa non (mạ) và tự mình xuống ruộng cấy lúa. Nói về cảm nhận của mình khi tham gia cấy lúa, em Nguyễn Minh Khôi, Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu (TP.Biên Hòa), hồn nhiên cho biết chỉ lội xuống bùn thôi đã khó, việc làm sao để cây lúa đứng được dưới bùn nước lại càng khó hơn, chưa kể mùi bùn tanh rất khó chịu. Tuy vậy, hoạt động này cho em hiểu thêm, để làm ra hạt gạo trắng mà hàng ngày em ăn rất khó khăn, vất vả, phải tốn rất nhiều mồ hôi công sức.

Ngoài ‘’Đúc heo đất’’, ‘’Cấy lúa’’, “Bắt cá lóc dưới mương’’, nướng cá làm bánh út ít là hoạt động được các bạn nhỏ mong đợi và hào hứng tham gia. Sau một buổi sáng lấm lem bùn đất, quần áo ướt vì bắt cá lóc, các em thiếu nhi lần đầu tiên được tắm tập thể (nam riêng, nữ riêng) và chuẩn bị chờ đón các trò chơi dân gian, trò chơi tập thể vào buổi chiều sau giờ ăn trưa.

* Phải được rèn luyện thường xuyên

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng sống cho các em thiếu nhi, giúp trẻ sớm có ý thức làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội, từ nhiều năm nay, bên cạnh việc dạy văn hóa, năng khiếu, Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã duy trì tổ chức nhiều hoạt động trang bị kỹ năng sống cho các em thiếu nhi trong dịp hè.

   Các em thiếu nhi được hướng dẫn cách làm bánh út ít trước khi tự tay làm bánh.
Các em thiếu nhi được hướng dẫn cách làm bánh út ít trước khi tự tay làm bánh.

 


Theo ông Dương Bá Thông, việc trải nghiệm mang đến cho trẻ môi trường học tập năng động, tích cực. Thông qua đó, trẻ sẽ phát triển trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, đồng thời phát huy sự nhanh nhạy, khéo léo, giúp trẻ sống hòa đồng. Với chương trình một ngày, 5-7 ngày của Nhà thiếu nhi Đồng Nai chỉ giúp hình thành thói quen, còn việc duy trì thói quen đó tùy thuộc vào bản thân các em, việc tạo điều kiện của phụ huynh tại gia đình.

Trong đó, có các hoạt động ‘’Học kỳ trong quân đội’’, ‘’Một ngày làm chiến sĩ’’... Bên cạnh việc trang bị kiến thức, hiểu biết về môi trường quân ngũ, điều quan trọng là khi tham gia các hoạt động này, các em thiếu nhi sẽ có thời gian sống xa gia đình từ 5-7 ngày nên dần hình thành thói quen tự lập, tự phục vụ bản thân, như: tự gấp mùng mền sau khi thức dậy, tự giặt quần áo, tự rửa chén sau khi ăn... Cũng trong chương trình, các em còn được tham quan, tìm hiểu về Khu di tích lịch sử chiến khu Đ, Văn miếu Trấn Biên.

Hè năm nay, Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức thí điểm chương trình ‘’Một ngày làm nông dân’’ cho các em thiếu nhi. Ông Dương Bá Thông, Trưởng khoa công tác Đội Nhà thiếu nhi Đồng Nai - phụ trách chương trình này, cho biết: ‘’Không đơn giản là được trải nghiệm, hiểu thêm về cuộc sống, lao động của người nông dân mà qua các hoạt động giúp các em dần hình thành các thói quen, sự khéo léo nhờ lao động. Và quan trọng hơn, qua trải nghiệm các em hiểu được giá trị của sức lao động mà người nông dân bỏ ra mới có được hạt lúa, hạt gạo trắng thơm...’’.

Nga Sơn

 

 

Tin xem nhiều