Báo Đồng Nai điện tử
En

Qua 3 ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Không có thí sinh vi phạm

10:07, 03/07/2016

Trải qua 3 ngày thi với 6 môn thi, gồm: Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Vật lý, Địa lý và Hóa học, nhiều thí sinh trong tỉnh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016.

Trải qua 3 ngày thi với 6 môn thi, gồm: Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Vật lý, Địa lý và Hóa học, nhiều thí sinh trong tỉnh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016.

Thí sinh trao đổi về đề thi sau buổi thi tại điểm thi Trường đại học Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Thí sinh trao đổi về đề thi sau buổi thi tại điểm thi Trường đại học Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

So với ngày thi đầu tiên, ngày thi thứ hai và thứ ba được đa số thí sinh đánh giá là thuận lợi hơn vì đề thi “dễ thở” hơn. Nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi khi mới hết 2/3 thời gian với 2 môn tự luận.

ĐỀ THI MANG TÍNH THỜI SỰ

Trong buổi sáng ngày 3-7, thí sinh dự thi môn Địa lý bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi. Nhiều thí sinh cho biết “trúng tủ” vì đề thi có đề cập đến vấn đề xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế biển miền Trung. Bên cạnh đó, lợi thế của thí sinh dự thi môn này là được mang Atlat vào phòng thi. Đây là “cứu cánh” rất hữu hiệu đối với nhiều thí sinh đọc tốt nội dung Atlat. Riêng câu hỏi liên quan đến vẽ biểu đồ hình tròn (3 điểm) yêu cầu khá rõ ràng nên cũng không làm khó thí sinh.

Trái ngược với đề thi Địa lý và dự đoán của nhiều người, đề thi môn Ngữ văn lại không đề cập đến vấn đề thời sự. Phần đọc hiểu (3 điểm) đề ra liên quan đến sự mượt mà, tinh tế của tiếng Việt; cảm nghĩ của thí sinh về tiếng Việt; về “cái tuyệt đối cá nhân”. Phần làm văn (7 điểm) yêu cầu thí sinh viết bài văn khoảng 600 chữ bàn luận về “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”; phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân để bình luận về ý kiến cho rằng nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người.

Trước thông tin cho rằng đề thi môn Ngữ văn có sai sót và bị lộ, Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia khẳng định không có chuyện đề thi sai hay bị lộ. Tin lộ đề thi đã được cơ quan công an vào cuộc điều tra và khẳng định đây chỉ là  tin thất thiệt.

Cụ thể, ở phần đọc hiểu, trích đoạn thơ trong bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); Nhà xuất bản Giáo dục - 1985 (sách được xuất bản trong thời gian nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống).

Nội dung trích dẫn:

“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.

(Nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, sách đã dẫn).

Trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi.

NHIỀU THÍ SINH HOÀN THÀNH KỲ THI

Đề thi môn Vật lý được nhận định không khó. Thí sinh tự do Nguyễn Hoàng Nam (huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “30 câu đầu tương đối dễ nên có lẽ nhiều bạn làm tốt. 10 câu tiếp theo ở mức trung bình khá, còn 10 câu cuối thì tương đối khó. Em chắc chắn làm được khoảng 7 điểm”.

Đánh giá về đề thi này, thầy Nguyễn Văn Cư, giáo viên Vật lý Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, cho rằng: “Đề thi có tính phân loại cao. Nếu thí sinh ôn tập chắc kiến thức trong sách giáo khoa sẽ dễ kiếm điểm 5, 6. Đề thi năm ngoái có 7 câu khó để thí sinh lấy điểm cao nhưng năm nay chỉ có 3 câu khó. Do đó, tôi nghĩ rằng phổ điểm 6, 7 năm nay sẽ giữ nguyên, còn điểm 9, 10 sẽ nhiều hơn năm ngoái”.

Trong khi đó, đề thi môn Hóa học được cho rằng dài và khó. Thí sinh Đặng Thị Ngọc Phượng (Trường THPT Long Khánh) cho biết: “Đề Hóa hơi dài. Em cũng chưa dám so đáp án, chờ đến khi thi xong hết tất cả các môn em mới xem lại”.

Thí sinh Nguyễn Thiện Thức (Trường cao đẳng nghề Đồng Nai) cũng có cùng chung suy nghĩ. “Em chỉ thi 4 môn Toán, Ngữ văn, Vật lý và Hóa học. Em hy vọng sẽ đủ điểm đậu tốt nghiệp để có bằng tốt nghiệp và học tiếp lên cao hoặc đi làm sau khi tốt nghiệp tại Trường cao đẳng nghề Đồng Nai”.

Trong cả 3 ngày thi, ở 2 cụm thi địa phương và đại học tiếp tục diễn ra an toàn, không có cán bộ, thí sinh nào vi phạm quy chế thi. Thời tiết cũng thuận lợi, không có mưa lớn, không làm ảnh hưởng đến thí sinh. Riêng buổi thi môn Vật lý, ở một số điểm thi có rất ít thí sinh dự thi.

Ngày 4-7, các thí sinh thi môn Lịch sử (buổi sáng) và Sinh học (buổi chiều).

Hạnh Dung

48 tuổi thi tốt nghiệp THPT

“Lần đầu tiên tôi dự thi tốt nghiệp THPT là vào năm 2014. Ở lần thi đó, khi có kết quả, tôi rất buồn vì bị rớt. Các con và vợ động viên nên tôi tiếp tục ôn tập để chờ kỳ thi lần sau. Nhờ vậy mà năm 2016, khi thấy kiến thức của mình đã khá vững, tôi tiếp tục đăng ký dự thi THPT quốc gia” - ông Lê Văn Tâm (48 tuổi, ngụ xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất), hiện đang là bảo vệ của Nông trường cao su Bình Lộc, chia sẻ. Ông Tâm cũng là thí sinh có tuổi đời cao nhất trong số  396 thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Dầu Giây (xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất).

Đã hoàn thành 3 trong 4 môn thi (Toán, Ngữ văn, Địa lý, môn Lịch sử sẽ thi sáng 4-7), ông Lê Văn Tâm cho hay: “3 môn thi vừa qua tôi làm bài cũng tạm ổn. Tôi sẽ cố gắng ôn bài để làm tốt môn thi cuối cùng. Tôi hy vọng sẽ đạt được nguyện vọng là đậu tốt nghiệp để có điều kiện theo học ngành kinh tế - luật do Trường đại học mở TP.Hồ Chí Minh tổ chức giảng dạy tại địa phương”.      

Văn Truyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích