Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩa tình người dưng

11:07, 04/07/2016

Xuất phát từ tấm lòng nhân ái mà nhiều người dân tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc đã chung sức giúp đỡ những gia đình nghèo, người lang thang cơ nhỡ từ phương xa đến địa phương không may qua đời được yên nghỉ.

Xuất phát từ tấm lòng nhân ái mà nhiều người dân tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc đã chung sức giúp đỡ những gia đình nghèo, người lang thang cơ nhỡ từ phương xa đến địa phương không may qua đời được yên nghỉ.

Ông Nguyễn Đấu (ngụ ấp Trung Tín, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) chuẩn bị vật dụng dùng trong đám tang để giúp đỡ cho một hoàn cảnh vừa mới mất trong xã.  Ảnh: V.TRUYÊN
Ông Nguyễn Đấu (ngụ ấp Trung Tín, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) chuẩn bị vật dụng dùng trong đám tang để giúp đỡ cho một hoàn cảnh vừa mới mất trong xã. Ảnh: V.TRUYÊN

Theo thống kê của UBND xã Xuân Trường, tính từ năm 2011 đến nay đã có 48 trường hợp kém may mắn được nhận sự hỗ trợ này.

* Từ lòng nhân ái

Vừa nhìn thấy ông Phạm Đình Trung (63 tuổi, ngụ ấp Trung Nghĩa) sửa soạn lại đĩa trái cây để đặt lên bàn thờ của ông Nguyễn Thô, bà Đinh Thị Thanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Trường, quay sang nói với chúng tôi: “Người trên bàn thờ kia không phải là họ hàng của ông Trung đâu. Đó là một hoàn cảnh kém may mắn được ông Trung thờ phụng tại nhà”.

Đầu năm 2016 khi thấy ông Nguyễn Thô nằm liệt giường không thể tự lo cho bản thân, ông Phạm Đình Trung ngụ cùng xóm đã đón ông Thô về nhà chăm sóc từ thuốc men đến ăn uống, vệ sinh cá nhân. “Cách đây 23 ngày, khi ông Thô qua đời, ông Trung sẵn lòng dùng ngay nhà mình làm nơi tổ chức đám tang và sau đó là rước di ảnh của người quá cố về nhà phụng thờ như một người thân trong gia đình” - bà Đinh Thị Thanh, cho biết thêm.

Về phần mình, ông Phạm Đình Trung chia sẻ: “Chân tôi bị tật nên đi lại khá khó khăn, gia đình cũng ăn bữa nay lo bữa mai, song thấy ông Thô tội quá nên cũng không nỡ bỏ mặc. Vậy là tôi đón ông Thô về chăm sóc. Lúc đầu hàng xóm nói tôi điên, dại, khi không lại rước gánh nặng vào thân. Song vì tình yêu thương đồng loại, thương cho những số phận kém may mắn hơn mình nên tôi vẫn làm, các thành viên trong gia đình tôi cũng hỗ trợ dữ lắm. Đó cũng là cách tôi giáo dục con cháu phải sống lương thiện, quan tâm đến người xung quanh chứ không chỉ khư khư lo cho thân mình”.

Để ông Thô có nơi yên nghỉ và việc làm ma chay được tiến hành suôn sẻ không thể không nhắc đến sự chung tay của ông Nguyễn Đấu (63 tuổi, ở ấp Trung Tín), một mạnh thường quân trong các phong trào từ thiện ở Xuân Trường và ni sư Thích Quảng Nghĩa, trụ trì Tịnh thất Nghĩa Phương. Chính 2 nhân vật này đã hỗ trợ toàn bộ chi phí, đứng ra thực hiện các nghi lễ truyền thống của dân tộc trong việc tang để người ra đi được yên lòng.

* “Ở đâu cần tôi cũng gắng đến”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đấu và ni sư Thích Quảng Nghĩa, trụ trì Tịnh thất Nghĩa Phương khi nói về việc dùng thời gian, tiền bạc để giúp người, giúp đời.

Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, ông Nguyễn Đấu và ni sư Thích Quảng Nghĩa đã chung sức hỗ trợ 7 gia đình nghèo không may có người thân qua đời mà không tiền lo ma chay. Mỗi năm có từ 10-15 trường hợp được 2 mạnh thường quân này hỗ trợ.

“Mỗi khi xã nhận được tin ở đâu có người qua đời mà gia đình không thể tự mình lo lắng được là chúng tôi gọi điện ngay cho ông Nguyễn Đấu - người làm dịch vụ mai táng của xã và ni sư Thích Quảng Nghĩa. Những lúc như vậy, 2 người liền tìm đến gia đình người không may để trao áo quan cùng các vật dụng cần thiết khác, hướng dẫn con cháu thực hiện theo nghi thức truyền thống và quy ước trong việc tang của cộng đồng dân cư. Nhờ vậy mà người ra đi được thanh thản, người ở lại bớt được phần cơ cực” - ông Hồ Văn Điền, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Xuân Trường, cho hay.

Đinh Thị Thanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) cho biết bên cạnh sự đóng góp của các mạnh thường quân, đối với những trường hợp thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh người neo đơn hay từ phương xa đến mà không may qua đời, chính quyền xã cùng các đoàn thể còn thực hiện đóng góp để hỗ trợ thân nhân, miễn phí tiền huyệt chôn cất người chết. Việc làm “nghĩa tử là nghĩa tận” này thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời là cách tuyên truyền tốt nhất đối với người dân về tinh thần tương thân tương ái.

Không chỉ với những người trong xã, mà ngay đến những người từ phương xa đến và mất tại địa phương nhưng không tìm ra người thân thích, ông Nguyễn Đấu và ni sư Thích Quảng Nghĩa cũng sẵn sàng đứng ra lo liệu. “Năm vừa qua có một người không biết quê quán nơi đâu đến xã làm thuê một mình và mất tại địa phương. Thấy người ta không ai lo liệu, vậy là tôi cùng ni sư Thích Quảng Nghĩa cũng như chính quyền địa phương chung tay lo cho người đã khuất. Có người hỏi tôi: một cái áo quan giờ cũng từ 6-10 triệu đồng, rồi vật dụng liên quan, tiền thuê mướn người làm các công việc khác trong đám tang cũng tốn rất nhiều tiền, ông không xót sao? Tôi xót chứ, vì một trường hợp chẳng đáng là bao nhưng 10-15 gia đình cần giúp đỡ trong một năm thì nhiều lắm. Nhưng càng xót xa hơn khi thấy nhà họ nghèo đến nỗi người thân không mua nổi cái áo quan mà mình không giúp thì không đành lòng. May sao vợ và các con đồng tình với công việc tôi làm và hỗ trợ về mọi mặt” - ông Nguyễn Đấu phân trần.

Còn ni sư Thích Quảng Nghĩa thì cho biết thêm: “Là người tu hành nhưng không vì thế mà tôi xa lánh việc đời, ngược lại trong khả năng của mình tôi luôn mong muốn hỗ trợ người khó. Thông qua sự đóng góp của phật tử, tôi trở thành chiếc cầu nối giữa người có tâm với những hoàn cảnh bất hạnh”.

Văn Truyên

 
 

 

 

 

Tin xem nhiều