Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm gì để "hút" học sinh đến trường nghề?

12:07, 21/07/2016

Hiện nay, việc vào các trường trung cấp và cao đẳng nghề ngày càng dễ dàng, cơ hội tìm việc thuận lợi, nhưng, tâm lý "chuộng" bằng đại học của người học, khiến các trường trung cấp, cao đẳng nghề càng gặp khó..

Điều kiện để trúng tuyển vào các trường trung cấp và cao đẳng nghề ngày càng dễ dàng, cơ hội tìm việc làm cũng thuận lợi hơn. Thế nhưng, tâm lý “chuộng” bằng đại học của chính người học đã khiến các trường trung cấp, cao đẳng nghề ngày càng khó khăn trong tuyển dụng.

Đào tạo nghề gắn với việc làm tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 .  Ảnh: C.NGHĨA
Đào tạo nghề gắn với việc làm tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 . Ảnh: C.NGHĨA

Câu hỏi làm gì để thu hút học sinh đến với các trường cao đẳng, trung cấp nghề sẽ ngày càng khó tìm câu trả lời. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với thực trạng thiếu thợ lành nghề.

* Hết sáp nhập lại đổi tên

Xu hướng các trường trung cấp tuyển sinh không được, phải sáp nhập vào một đơn vị khác là điều không còn xa lạ, và xu hướng này dự báo sẽ còn tiếp tục khi ngày càng có nhiều trường đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Điển hình nhất cho xu hướng này là việc 2 trường: Trường trung cấp kinh tế Đồng Nai và Trường trung cấp kỹ thuật - công nghiệp Đồng Nai sáp nhập với Trường đại học Đồng Nai năm 2015. Sau khi sáp nhập, cơ sở của 2 trường này không còn được duy trì để tiếp tục đào tạo các chuyên ngành vốn có mà được chủ sở hữu là Trường đại học Đồng Nai chuyển thành Trường sư phạm thực hành và Trung tâm tin học - ngoại ngữ.

Một trường trung cấp nghề khác là Trường trung cấp nghề 26-3 (trực thuộc Tỉnh đoàn) khánh thành tháng 5-2013, kinh phí xây dựng trên 115 tỷ đồng, nằm ở vị trí khá đắc địa mặt tiền quốc lộ 1, gần với nhiều khu công nghiệp lớn, như: Amata, Loteco, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 cũng đang chờ sáp nhập với Trường cao đẳng nghề Đồng Nai do những năm học gần đây nhất chỉ tuyển được rất ít học sinh vào học so với quy mô xây dựng.

Trong khi đó, Trường cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch đã được Bộ Lao động - thương binh và xã hội chấp thuận đổi tên thành Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai. Theo ban giám hiệu trường này, việc đổi tên trường nằm trong định hướng phát triển đạt chuẩn quốc tế, và đón đầu nhiều dự án “tỷ đô”, như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Khu công nghệ cao Long Thành… Ngoài đổi tên để đón các dự án lớn còn nhằm mục đích tránh bị “hiểu sai” về phạm vi hoạt động của trường.

* Gắn chất lượng với việc làm

Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, tới nay lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng nghề mới chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 4,5%. Con số này được cho là chưa chính xác, vì các trường chưa báo cáo đầy đủ, nhất là các trường trực thuộc các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn và lượng học sinh Đồng Nai học các trường trung cấp, cao đẳng nghề tại TP.Hồ Chí Minh.

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương bình và xã hội, cho biết sẽ rà soát lại con số thống kê để có tỷ lệ chính xác. Tuy nhiên theo ông Tịnh, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh chưa mặn mà với việc học ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề, vì thực tế qua các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, cho thấy doanh nghiệp thường tuyển 80-85% lao động phổ thông, số còn lại là lao động trung cấp tới cao đẳng và đại học. Mặt khác, thu nhập thực tế giữa một người có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề với một lao động phổ thông “chênh” không đáng kể. Theo ông Tịnh: “Tư tưởng “chuộng” bằng đại học của cả học sinh lẫn phụ huynh và việc các trường đại học đua nhau xét tuyển ở mức điểm rất thấp càng khiến học sinh muốn học đại học hơn là chọn trường nghề”.


Cần quy hoạch lại cơ sở dạy nghề

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề, giai đoạn 2016-2020 tỉnh sẽ có tới 81 cơ sở. Mục tiêu của tỉnh tới năm 2020, Trường cao đẳng nghề Lilama 2 sẽ đạt chuẩn quốc tế, Trường cao đẳng nghề Đồng Nai và Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai sẽ đạt chuẩn quốc gia ở một số nghề kỹ thuật trọng điểm.

Theo bà Trường Thị Mỹ Dung, Phó chánh Thanh tra tỉnh, đồng thời là đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP.Biên Hòa, cần tận dụng các cơ sở vật chất và nhân lực để nâng cao chất lượng dạy nghề. Vì qua công tác thanh, kiểm tra, việc đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo nghề rất lớn, nhưng lại lãng phí không hề nhỏ. Bà Dung cũng cho rằng, trường đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, do đó phải liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo đơn hàng của doanh nghiệp mới tồn tại được.

Các trường trung cấp, cao đẳng nghề đang phải cạnh tranh “một mất một còn” nguồn tuyển sinh với các trường đại học. Do đó, theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Huỳnh Ngọc Long, doanh nghiệp vẫn đang trong “cơn khát’ lao động kỹ thuật, nhưng thực tế nhiều trường chưa biết giành lấy cơ hội. Muốn giành cơ hội thì phải “sốc lại” đội hình đào tạo. Cụ thể, giáo viên nghề phải giỏi nghề, chịu khó gõ cửa doanh nghiệp tìm đơn hàng đào tạo, bám sát công nghệ của doanh nghiệp, thậm chí là liên kết với doanh nghiệp để đào tạo chứ không thể “ngồi mát ăn bát vàng”. Một điều tiên quyết để các trường nghề có thể phát triển là phải tìm được đầu ra, thu nhập ổn định cho người học.

Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều