Báo Đồng Nai điện tử
En

Việc nhiều vẫn... thất nghiệp

06:06, 14/06/2016

Dù các doanh nghiệp vẫn luôn trong tình trạng khó tuyển dụng lao động, nhưng nhiên số lượng người tới Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội) nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn không ngừng tăng.

Dù các doanh nghiệp vẫn luôn trong tình trạng khó tuyển dụng lao động, nhưng nhiên số lượng người tới Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội) nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn không ngừng tăng.

Người lao động tới Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đăng ký xin hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và được tư vấn giới thiệu việc làm, nhưng rất ít người muốn đi làm ngay.  Ảnh: C.NGHĨA
Người lao động tới Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đăng ký xin hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và được tư vấn giới thiệu việc làm, nhưng rất ít người muốn đi làm ngay. Ảnh: C.NGHĨA

Chỉ trong tháng 5-2016, toàn tỉnh đã có tới trên 4.700 người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm lên tới hơn 14,3 ngàn người. Tuy nhiên theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, đây chỉ là tình trạng “thất nghiệp ảo” để hưởng chế độ trợ cấp.

* Thất nghiệp ảo

Suốt từ thứ hai tới thứ sáu, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh luôn có đông người tới đăng ký và làm các thủ tục để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Phần lớn người lao động tới làm thủ tục không bị doanh nghiệp cho nghỉ việc, hay công ty không bị giải thể dẫn tới mất việc làm mà do chủ động nghỉ việc để tìm một công việc tốt hơn. Trong thời gian tìm việc mới, người lao động tranh thủ làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi mới đi tìm việc mới, cho dù tìm việc mới không quá khó khăn vì lúc nào cũng có doanh nghiệp tuyển dụng.

Chị Vũ Thị Hà Giang (công nhân may Công ty TNHH Fashion Garments, Khu công nghiệp Amata) cho hay chị đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp được gần 5 năm nên trong thời gian xin nghỉ tìm việc mới chị tới làm thủ tục để lãnh trợ cấp thất nghiệp. Nếu được giải quyết, chị Giang sẽ nhận được tổng cộng 6 tháng lương bằng 60% mức lương đã nhận khi còn đi làm, và được chia làm nhiều lần. Khi được hỏi việc làm ngành may mặc rất dễ tìm sao vẫn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Liên trả lời ngắn gọn: “Quyền lợi của mình thì mình hưởng thôi!”.

Còn anh Trương Văn Hán, công nhân da giày Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) mới tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hơn 1 năm, do công việc không phù hợp nên xin nghỉ để tìm một công việc mới. Dù được cán bộ Phòng Cung ứng lao động Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai tư vấn giới thiệu việc làm ngay nhưng anh Hán vẫn có ý muốn làm thủ tục để xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo anh Hán, nếu thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp của anh được giải quyết, anh sẽ có 3 tháng lương bằng 60% mức lương hàng tháng trước đó được công ty trả, tính ra khoảng gần 9 triệu động.

Trong khi đó, chị Hoàng Thị Lam, công nhân Công ty TNHH Anco (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) cho biết, khi “chán” công ty cũ chị làm đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, lãnh đủ số lần dựa trên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chị lại tìm công việc mới ở một công ty khác. Chị Lam nêu lý do: “Không cần đi làm vẫn có 3 hoặc 6 tháng trợ cấp thất nghiệp bằng với 60% lương cơ bản tùy theo thời gian đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì tội gì không làm hồ sơ mà hưởng chế độ”.

* Đừng tự làm mất quyền lợi

Do quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp còn khá “thoáng” nên không ngăn nổi tình trạng “thất nghiệp ảo”. Một cán bộ tư vấn việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cho hay nhiều người tới khai báo tình trạng thất nghiệp, được tư vấn giới thiệu việc làm ở công ty mới với mức lương cao hơn nhưng vẫn khăng khăng làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thậm chí, rất nhiều trường hợp làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhận đủ chế độ sau đó trở lại chính công ty cũ để làm việc.

Đừng vì trợ cấp thất nghiệp mà bỏ việc

Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, cho rằng bảo hiểm thất nghiệp là chế độ trợ cấp giúp người thất nghiệp bớt khó khăn trong lúc mất việc làm thực sự, rơi vào tình trạng bất khả kháng. Những lao động đã có việc làm ổn định, chế độ thâm niên cao thì không nên chỉ vì vài tháng tiền trợ cấp thất nghiệp mà bỏ việc để xin hưởng chế độ sẽ mất đi quyền lợi cả về trước mắt lẫn lâu dài của mình và của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, mỗi tháng trung bình có từ 2.800-3.000 người tới đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, trong đó 90% là lao động phổ thông. Độ tuổi người lao động xin nghỉ việc để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp phổ biến từ 25-40 tuổi. Đây được cho là độ tuổi dễ tìm được việc làm trở lại nếu như bị doanh nghiệp cho nghỉ việc hoặc do công ty phá sản, giải thể. Trong khi đó, độ tuổi ngoài 40 xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lại rất ít.

Tình trạng thất nghiệp ảo để xin hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp gây ra nhiều hệ lụy cho cả cơ quan bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp lẫn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, bảo hiểm xã hội sẽ phải chi nhiều tiền hơn, doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động. Trong khi đó, người lao động sẽ không bảo lưu được số tiền và thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp để sau này được lãnh với số tiền cao hơn. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phải chi số tiền lên tới trên 138,7 tỷ đồng cho trên 11,7 ngàn người đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trong khi đó trong 5 tháng đầu năm, nhờ việc tập trung rà soát đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của 479 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp có việc làm mới nhưng không khai báo mà vẫn tiếp tục “âm thầm” lãnh chế độ trợ cấp thất nghiệp. Đây được coi là hành vi trục lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có chế tài để ngăn chặn hữu hiệu.

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều