Báo Đồng Nai điện tử
En

Sinh viên thiếu kỹ năng mềm

11:06, 05/06/2016

Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp thường khó tìm được việc làm vì thiếu kiến thức thực tế lẫn kỹ năng mềm, như: ngoại ngữ, tin học, giao tiếp… Do đó, nhiều sinh viên đã không thể vượt qua được khâu phỏng vấn xin việc ngay từ câu hỏi đầu tiên.

Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp thường khó tìm được việc làm vì thiếu kiến thức thực tế lẫn kỹ năng mềm, như: ngoại ngữ, tin học, giao tiếp… Do đó, nhiều sinh viên đã không thể vượt qua được khâu phỏng vấn xin việc ngay từ câu hỏi đầu tiên.

Sinh viên năm cuối Khoa Đông phương học Trường đại học Lạc Hồng trao đổi với doanh nghiệp Đài Loan trong Ngày hội việc làm được tổ chức tại trường.  Ảnh: C.NGHĨA
Sinh viên năm cuối Khoa Đông phương học Trường đại học Lạc Hồng trao đổi với doanh nghiệp Đài Loan trong Ngày hội việc làm được tổ chức tại trường. Ảnh: C.NGHĨA

Anh Hà Minh Trí (ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) tốt nghiệp đại học ngành tài chính ngân hàng được hơn một năm đã nhiều lần đi phỏng vấn xin việc nhưng đều rớt vì bị đánh giá thiếu kỹ năng mềm.

* Bối rối vì thiếu kỹ năng

Anh Trí cho hay, lần gần đây nhất anh tham gia thi tuyển thực tập sinh tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Đồng Nai. Tuy nhiên anh không đậu vì không thể nói được tiếng Anh ở mức nhà tuyển dụng có thể tạm chấp nhận được. Anh Trí nói: “Tiếng Anh là kỹ năng yếu nhất của tôi, dù đã học nhiều năm ở bậc phổ thông và một số học kỳ ở đại học. Thậm chí tôi có chứng chỉ tương đương trình độ B về ngoại ngữ nhưng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng”.

Trong khi đó anh Nguyễn Văn Trung, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học tại Biên Hòa, hiện đang làm nhân viên bán hàng tại showroom Kia Biên Hòa của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), cho biết công việc của anh hiện tại không yêu cầu nhiều về tiếng Anh, tin học nhưng lại đòi hỏi rất nhiều về kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng. “Thực sự cầm tấm bằng đại học trong tay mới “vỡ” ra mình còn hụt hẫng rất lớn về các kỹ năng, buộc phải xây dựng lại từ những đồng nghiệp trong cơ quan” - anh Trung bộc bạch.

Theo chị Bùi Thị Yến Phương, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành), hàng tháng công ty thường xuyên tuyển dụng tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cả lao động phổ thông lẫn lao động có trình độ đại học. Đối với lao động có trình độ đại học, chị Phương cho biết rất băn khoăn về khả năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng giao tiếp. Có những sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi, nhưng lại không đủ bản lĩnh tự tin để trình bày trước nhà tuyển dụng được hết khả năng của mình nên cũng không thể bước vào công ty.

* Chú trọng rèn kỹ năng

TS.Hà Bằng, Giám đốc Công ty TNHH huấn luyện Đỉnh Cao (TP.Biên Hòa) chuyên về đào tạo kỹ năng mềm, cho biết sinh viên khi còn học ở nhà trường chủ yếu coi trọng học các môn học về chuyên môn để đi thi hơn. Sinh viên càng ít coi trọng tới việc rèn luyện kỹ năng, nhất là ngoại ngữ; giao tiếp thì rụt rè nhút nhát, làm việc nhóm thì không nổi bật. Những sinh viên thiếu hụt về kỹ năng làm khi đi làm thường phải “trả giá”, đó là không chịu nổi áp lực công việc, khó tồn tại, khó thăng tiến trong sự nghiệp.

Để những sinh viên khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng ra trường đi làm không còn bị thụ động bởi thiếu hụt các kỹ năng mềm, một số trường đã và đang chủ động tìm giải pháp khắc phục, đó là việc tăng cường đào tạo thêm ngoại ngữ, mở rộng quan hệ đưa sinh viên đi thực tập sớm và thời gian dài hơn. Các trường như: đại học công nghệ Đồng Nai, đại học Lạc Hồng, cao đẳng nghề Đồng Nai còn chủ động mời doanh nghiệp tới tổ chức Ngày hội việc làm tạo cho sinh viên năm cuối tìm cơ hội thực tập, sinh viên mới tốt nghiệp có cơ hội việc làm.

Giáo sư Masashi Shimizu (người Nhật Bản, người sáng lập ra cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương) trong cuộc nói chuyện với sinh viên Trường đại học Lạc Hồng mới đây, chia sẻ: kỹ năng mềm là chìa khóa giúp sinh viên thành công với thực tế công việc sau khi tốt nghiệp đại học. Kỹ năng mềm được chuẩn bị tốt bao nhiêu thì thành công bấy nhiêu. Điểm yếu hiện nay là các trường chưa thực sự chú trọng đào tạo, trong khi sinh viên lại ít coi trọng nên đã yếu lại càng yếu.

Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, TS.Trần Minh Hùng cho biết trường đã và đang đào tạo đa ngành, trong đó có một số ngành liên quan tới kinh tế nên việc trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên rất được coi trọng. Bên cạnh chuẩn bị kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên đảm bảo nghe, nói, đọc, viết tốt  thì trường còn chủ động giao cho Đoàn - Hội Sinh viên tổ chức các hoạt động xã hội, các hội thi để thu hút sinh viên tham gia, tăng cường tính chủ động, gạt đi sự lo lắng rụt rè khi đứng trước đám đông. Tuy nhiên theo TS.Trần Minh Hùng, để có kỹ năng mềm tốt thì sinh viên phải là người chủ động đầu tiên, chủ động học ở trường, tìm hiểu và rèn luyện trong cuộc sống hàng ngày để ở đâu cũng có đủ tự tin.

TS.Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, chia sẻ trong thời buổi hội nhập quốc tế, ngoài chuyên môn ra thì kỹ năng ngoại ngữ, sử dụng thành thạo thiết bị tin học rất quan trọng. Đây được coi là yếu tố để lao động nước ta có thể cạnh tranh với các nước trong khối ASEAN. Trường đã và đang từng bước nâng cao không chỉ với đào tạo chuyên môn mà còn rất coi trọng đào tạo kỹ năng mềm, trong đó có chương trình tiếng Anh trực tuyến, khởi sự doanh nghiệp miễn phí cho sinh viên.

Công Nghĩa

 
 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích