Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1-7: "Thoát hiểm" nhờ bảo hiểm

11:06, 30/06/2016

"Có những bệnh khi mắc phải, dù chưa nghèo rồi cũng phải nghèo nếu không có bảo hiểm y tế (BHYT)". Đó là câu nói của một bác sĩ chuyên điều trị một bệnh hiểm nghèo ở một bệnh viện tuyến tỉnh.

“Có những bệnh khi mắc phải, dù chưa nghèo rồi cũng phải nghèo nếu không có bảo hiểm y tế (BHYT)”. Đó là câu nói của một bác sĩ chuyên điều trị một bệnh hiểm nghèo ở một bệnh viện tuyến tỉnh.

Phần lớn những bệnh nhân ung thư, lọc thận nhân tạo, tan máu bẩm sinh... có hoàn cảnh hết sức khó khăn. BHYT chính là cứu cánh cho họ cũng như gia đình của họ để có đủ sức lực vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng sống.

* Sống được nhờ BHYT

Gần 4 năm qua, nhờ có BHYT hộ nghèo, anh Nguyễn Anh Tân ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) mới có điều kiện lọc máu để chữa căn bệnh suy thận mạn tại Khoa thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. “Do bị liệt 2 chân từ nhỏ nên cuộc sống của tôi phụ thuộc vào gia đình, trong khi gia đình tôi rất khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã. Không may tôi lại bị suy thận mạn, nếu không có BHYT chi trả 100% chi phí điều trị, tôi sẽ khó mà sống được đến bây giờ” - anh Tân bộc bạch.

Hiện nay, nhiều kỹ thuật cao được bảo hiểm y tế thanh toán. Trong ảnh: Các bác sĩ Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện một ca phẫu thuật u não.  Ảnh: Đ.Ngọc
Hiện nay, nhiều kỹ thuật cao được bảo hiểm y tế thanh toán. Trong ảnh: Các bác sĩ Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thực hiện một ca phẫu thuật u não. Ảnh: Đ.Ngọc

Cũng nhờ BHYT, gần 600 bệnh nhân đang phải lọc máu tại Khoa thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất có điều kiện chữa trị liên tục, kéo dài sự sống. Trong đó, có những người vẫn sống bình thường sau 10-20 năm lọc máu. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng khoa thận nhân tạo, cho biết chi phí lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn rất lớn. Thông thường một bệnh nhân phải lọc máu 12 lần/tháng, chi phí lọc máu là 500 ngàn hoặc 1,4 triệu đồng/lần
(tùy theo loại máy). Những người nhập viện lần đầu tiên nghe nói bị suy thận mạn phải lọc máu với chi phí như trên đều ngán ngẩm. Họ chỉ đăng ký lọc máu được 1-2 lần thì người nhà tìm cách thoái thác, không đến nữa. Bệnh suy thận mạn nếu không lọc máu điều trị thì nguy cơ tử vong rất cao.

Tương tự, các bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng thừa nhận họ vẫn sống được là nhờ tham gia BHYT. Ông Nguyễn Tấn Toại ở KP.7, phường Thống Nhất
(TP.Biên Hòa) là một trong số đó. Hoàn cảnh của ông neo đơn, sống từ nghề bán vé số. Nhờ có thẻ BHYT và sự giúp đỡ của người quen nên ông có điều kiện phẫu thuật và tham gia 6 lần hóa trị điều trị ung thư trực tràng. “Nếu không có BHYT, chi phí điều trị lên đến vài chục triệu đồng, sức lực của tôi sẽ không cáng đáng nổi” - ông Toại nói.

Bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết nếu không có BHYT, chi phí điều trị cho cả quá trình điều trị một căn bệnh ung thư được phát hiện sớm có thể lên đến cả trăm triệu đồng, đó là chưa kể thuốc men, chi phí ăn uống đi lại. Thậm chí, một số bệnh sau thời gian điều trị lại bị di chứng, tái phát nặng, nếu không có BHYT, chi phí điều trị có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.    

* Hưởng nhiều dịch vụ kỹ thuật cao

Hiện nay, cùng với việc tăng giá viện phí, nhiều danh mục dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn đang được BHYT thanh toán, như: chụp, can thiệp động mạch vành, xét nghiệm định lượng virus viêm gan B, C; phẫu thuật kết hợp xương trên màn hình tăng sáng, thay khớp; phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longo; mổ nội soi… Trong đó, có những kỹ thuật có mức hỗ trợ khá lớn, như: kỹ thuật can thiệp tim mạch được hưởng mức chi phí dịch vụ kỹ thuật từ 4-6 triệu đồng, vật tư y tế thay thế 40 -60 triệu đồng; thay khớp được hưởng chi phí dịch vụ kỹ thuật 3,5 triệu đồng, vật tư y tế thay thế 30-40 triệu đồng.


Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, đến ngày 31-5, toàn tỉnh có hơn 2 triệu người có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 71,9% (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Từ đầu năm đến nay có khoảng 2,3 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, với số tiền BHYT chi trả lên đến khoảng 698 tỷ đồng.

Hơn một năm đi vào hoạt động đến nay, Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã thực hiện hơn 400 ca tim mạch can thiệp, trong đó có hàng trăm ca bị bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Việc triển khai kỹ thuật cao tại bệnh viện tuyến tỉnh và chi phí thực hiện được BHYT thanh toán đã giúp nhiều bệnh nhân sau khi được cứu sống từ lưỡi hái tử thần, thở phào nhẹ nhõm khi phần lớn chi phí đã được BHYT thanh toán. Ông Bùi Văn Vui, ngụ tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cứu sống dù đã chết lâm sàng do bị nhồi máu cơ tim cấp, chia sẻ nhờ có BHYT chi trả 46/65 triệu đồng chi phí can thiệp tim mạch và điều trị mà gia đình ông thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất.

Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai Lê Ngọc Mai cho biết, chính sách BHYT đã góp phần quan trọng đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực sức khỏe, giúp người dân mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, chống lại bệnh tật, đói nghèo. Do vậy, tham gia BHYT chính là việc mỗi cá nhân, gia đình tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và tất cả các thành viên của gia đình mình. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình đối với xã hội, đảm bảo tính nhân văn, tương trợ cộng đồng, nguyên tắc chia sẻ rủi ro ngay từ trong gia đình...

Đặng Ngọc

 
 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích