Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm sự sẻ chia

11:10, 09/10/2015

Không đầu hàng số phận, nhiều người khiếm thị bằng nghị lực của mình đang từng ngày nỗ lực vươn lên học nghề, có việc làm ổn định, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Không đầu hàng số phận, nhiều người khiếm thị bằng nghị lực của mình đang từng ngày nỗ lực vươn lên học nghề, có việc làm ổn định, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hội viên Hội Người mù huyện Long Thành đan thảm chùi chân.
Hội viên Hội Người mù huyện Long Thành đan thảm chùi chân.

Tính theo chuẩn nghèo mới, đến tháng 5-2015, toàn tỉnh còn 169 hội viên người mù thuộc hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 16,4% (giảm 7,8% so với năm 2010). Ông Cao Nguyễn Huy, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, khẳng định đây là kết quả nỗ lực của các cấp Hội Người mù trong việc chăm lo đời sống, dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên người mù.

* Vượt qua bóng tối

Chị Trần Thị Thanh Đào, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) sinh ra bình thường, thế nhưng năm 3 tuổi sau trận sốt định mệnh, chị trở thành người khiếm thị, vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Chị Thanh Đào chia sẻ những năm đầu khi mới bị mù, chị mặc cảm, tự ti vì không được đến trường, vui chơi chạy nhảy như bao bạn bè cùng trang lứa, chị tự giam mình trong nhà.

Nhận thấy mặc cảm, tự ti không làm mắt chị sáng trở lại nên chị đã bắt đầu giúp cha mẹ công việc nhà. Năm 2005, chị Đào tham gia khóa học xoa bóp, bấm huyệt cấp tốc (3 tháng) tại Trường cao đẳng y tế Đồng Nai với mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Sau nhiều năm làm việc tại các cơ sở xoa bóp, năm 2012 chị mạnh dạn vay vốn sang lại cơ sở xoa bóp của một người bạn. Sau 3 năm củng cố và đầu tư thêm, đến nay cơ sở xoa bóp của chị Thanh Đào có khoảng 1 ngàn lượt khách đến xoa bóp, bấm huyệt. “Với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng, tôi cảm thấy tự tin hơn khi có thể đảm bảo được cuộc sống của mình, không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội” - chị Đào bộc bạch.

Bên cạnh một số hội viên người mù ổn định với nghề xoa bóp, bấm huyệt, một số người mù hiện nay còn nỗ lực tham gia sản xuất góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Không chỉ được mọi người biết đến với vai trò là Chủ tịch Hội Người mù huyện Vĩnh Cửu, ông Ninh A Lềnh (thị trấn Vĩnh An) còn là điển hình người mù làm kinh tế giỏi. Theo gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông Lềnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, không có cơm trắng để ăn phải ăn cơm độn củ mì, củ chuối… lấy sức đi khai hoang đất trồng đậu, trồng bắp. Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện nay mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông có thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Ông Ninh A Lềnh chia sẻ, người khiếm thị thường gặp khó khăn khi đi làm và sinh hoạt hàng ngày. Để có thể tự mình đi lại, quán xuyến mọi việc nặng nhọc trong nhà, như: sửa chữa máy móc, vác bao phân từ nhà ra rẫy bón cho cây, thu hoạch cà phê… theo kinh nghiệm của ông Lềnh là phải sử dụng hết các giác quan để cảm nhận một cách kiên trì.

* Cần thêm sự chia sẻ

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Người mù huyện Long Thành, cho biết hàng năm ngoài việc tổ chức một đợt đóng gói tăm tre bán cho học sinh các trường học trong huyện, Huyện hội còn duy trì mô hình dạy nghề đan thảm chùi chân cho hội viên người mù có nhu cầu. Theo ông Điệp, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhu cầu của người mù hiện nay là được làm việc để có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, hiện nay ngoài nghề xoa bóp, bán vé số, số ít cán bộ, hội viên sản xuất, kinh doanh có thu nhập ổn định thì hầu hết người mù đang gặp phải khó khăn trong công việc và thu nhập.

Từ năm 2010 đến nay, thông qua 32 dự án và nguồn vốn hỗ trợ sinh kế của Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam, các cấp Hội trong tỉnh đã giải quyết cho gần 400 hội viên được vay với tổng số vốn trên 3,2 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những năm qua, các cấp Hội cơ sở đã gửi nhiều hội viên theo học các khóa đào tạo nhân viên xoa bóp và tổ chức 16 tổ nhóm dịch vụ xoa bóp, giải quyết việc làm cho 67 hội viên với mức thu nhập ổn định từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù các con đã lớn và hàng tháng được nhận tiền trợ cấp nhưng bà Đỗ Thị Mai, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) muốn được làm việc để có thêm thu nhập phụ giúp các con, nhất là từ khi người con trai của bà bị tai nạn giao thông mất sức lao động. Năm 2012 bà học nghề đan thảm chùi chân do Hội Người mù huyện Long Thành tổ chức. Mỗi ngày bà đan được từ 1-2 tấm thảm vuông (với giá bán khoảng 20 ngàn đồng/tấm). Bà Mai cho biết, công sức bỏ ra không ít, giá thành thấp nhưng vẫn không có đầu ra ổn định mà chủ yếu bán cho những người quen biết nên mỗi tháng bà cố gắng đan cũng chỉ kiếm được khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, người mù rất cần sự chia sẻ của cộng đồng. Sự chia sẻ ấy không dừng lại ở việc thăm hỏi, tặng quà hay ủng hộ xây dựng nhà nhân ái cho người mù có hoàn cảnh khó khăn mà còn là sự ủng hộ của xã hội đối với những sản phẩm do bàn tay người mù làm ra nhằm gián tiếp giúp họ vượt qua mặc cảm khiếm khuyết để hòa nhập cộng đồng.

Nga Sơn

 

 

Tin xem nhiều