Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối phó với sốt xuất huyết

08:09, 01/09/2015

Tại Đồng Nai, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao và có diễn biến phức tạp. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 3,5 ngàn ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 2 ca tử vong.

Tại Đồng Nai, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao và có diễn biến phức tạp. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 3,5 ngàn ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 2 ca tử vong.

Nhiều tuần nay, tại Khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, do số ca sốt xuất huyết tăng đột biến nên bệnh nhân phải nằm tràn ra hành lang của khoa.
Nhiều tuần nay, tại Khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, do số ca sốt xuất huyết tăng đột biến nên bệnh nhân phải nằm tràn ra hành lang của khoa.

Riêng tại TP.Biên Hòa đã có hơn 1,9 ngàn ca, chiếm hơn 54% số ca mắc của toàn tỉnh, có 1 ca tử vong (tăng hơn 1,4 ngàn ca so với cả năm 2014).

* Tăng đột biến

Đến nay, đã có 29/30 phường, xã trong thành phố xuất hiện các ca sốt xuất huyết. Trong đó, có 10 phường, xã có số ca mắc cao là: Trảng Dài, Long Bình, Tân Hiệp, Tân Phong, Tân Biên, Hố Nai, Bửu Hòa, An Bình, Long Bình Tân, Hóa An. Đặc biệt, phường Trảng Dài có số ca mắc tăng cao đột biến, từ đầu năm 2015 đến nay đã có gần 600 ca (tương đương số ca mắc của huyện Trảng Bom, huyện có số ca mắc cao thứ 2 sau TP.Biên Hòa), tăng 500 ca so với cùng kỳ năm 2014.

Tại 5/5 khu phố của phường Trảng Dài đều xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết. Nhiều nhà có từ 2-3 người mắc bệnh, tuy nhiên người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Như trường hợp gia đình chị Văn Thị Ánh ở KP.4 có 2 người vừa bị sốt xuất huyết được xuất viện. Bản thân chị Ánh bị sốt xuất huyết khá nặng gây viêm gan. Thế nhưng gia đình chị Ánh vẫn còn chủ quan với bệnh sốt xuất huyết, như: không ngủ mùng, không cho trẻ mặc áo tay dài vào thời điểm nhiều muỗi...

Diệt loăng quăng để ngăn muỗi sinh sôi

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cao Trọng Ngưỡng cho biết cứ 3-5 năm là đến chu kỳ dịch sốt xuất huyết và 1 năm trước khi bùng phát dịch thì số ca sốt xuất huyết rất thấp. Năm nay là năm dịch sốt xuất huyết bùng phát, trong khi đó TP.Biên Hòa là nơi có mật độ dân cư đông đúc, nhiều khu dân cư, khu nhà trọ có điều kiện vệ sinh kém tạo môi trường cho muỗi sinh sôi, nảy nở nhanh. Tại Đồng Nai, có đến 71% ổ chứa loăng quăng là các vật phế thải ở trong nhà hoặc xung quanh nhà. Do đó, diệt loăng quăng là giải pháp bền vững để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Trưởng trạm y tế phường Trảng Dài Lại Đức Hạnh cho biết, mặc dù năm nay phường tăng số lượng hộ dân được phun thuốc diệt muỗi lên nhiều lần nhưng số ca mắc vẫn còn tăng. Nguyên nhân là do công tác diệt loăng quăng chưa được thực hiện triệt để. Trên địa bàn phường có nhiều khu nhà trọ không đảm bảo điều kiện vệ sinh, nhiều khu đất trống xen kẽ nhà dân bị biến thành các bãi rác tự phát. Tại đây, các vật phế thải, như: chai nhựa, lon bia, hộp sữa... bị vứt bừa bãi, cũng là đồ vật chứa loăng quăng, sản sinh ra muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

* Cần sự vào cuộc đồng bộ

Theo thông tin từ Trung tâm y tế TP.Biên Hòa, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tại một số địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể còn phó mặc cho ngành y tế; công tác vận động diệt loăng quăng tại một số nơi chỉ tập trung ở những vùng có dịch; nhân lực đi phun thuốc còn hạn chế số lượng và thiếu chuyên nghiệp vì các địa phương sử dụng dân quân hoặc thuê người đi phun thuốc; nhiều nhà trọ đóng cửa nên hiệu quả phun thuốc dập dịch chưa cao...  

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm y tế TP.Biên Hòa, nguyên nhân đáng lo ngại nhất hiện nay chính là ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chưa cao, chưa hiểu hết sự nguy hiểm của căn bệnh này có thể gây tử vong, nhất là đối với trẻ em. Dù trung tâm y tế đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, như: tuyên truyền lưu động, truyền thanh, tờ rơi, nhưng vẫn chưa tạo chuyển biến được ý thức của người dân, thậm chí có hộ dân trong vùng dịch không cho phun thuốc diệt muỗi vì sợ độc hại. Trong khi đó, kênh tuyên truyền gần gũi nhất là cộng tác viên gồm tổ trưởng, tổ phó ở các khu phố vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do địa bàn rộng, dân số đông, kinh phí hỗ trợ hạn chế...

Để ngăn chặn sự bùng phát và lan rộng của bệnh sốt xuất huyết, mới đây UBND TP.Biên Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là các phường, xã có nguy cơ cao. Trong đó nhấn mạnh việc huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, khu phố, ấp trong tuyên truyền đến từng hộ gia đình các biện pháp diệt loăng quăng, phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Đồng thời kết hợp vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng gắn với phong trào “Ngày thứ bảy xanh, sạch, đẹp” do UBND thành phố phát động.   

Ngọc Thư

 

 

 

 

Tin xem nhiều