Báo Đồng Nai điện tử
En

Tràn ngập lời khen

10:05, 24/05/2015

"Có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Tiếng Việt", "hòa nhã, thân thiện trong giao tiếp" hay "tích cực trong các phong trào xây dựng sân trường xanh, sạch, đẹp" là ba trong số rất nhiều lời khen được ghi vào giấy khen cuối năm của học sinh bậc tiểu học thay vì các danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến như những năm học trước.

“Có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Tiếng Việt”, “hòa nhã, thân thiện trong giao tiếp” hay “tích cực trong các phong trào xây dựng sân trường xanh, sạch, đẹp” là ba trong số rất nhiều lời khen được ghi vào giấy khen cuối năm của học sinh bậc tiểu học thay vì các danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến như những năm học trước.

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) đang viết nhận xét vào sổ liên lạc, học bạ của học sinh dịp cuối năm học 2014-2015.
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) đang viết nhận xét vào sổ liên lạc, học bạ của học sinh dịp cuối năm học 2014-2015.

Sau một năm thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, nhiều trường, giáo viên, phụ huynh cho rằng đây là thông tư mang tính nhân văn cao. Nếu được thực hiện bài bản, có lộ trình sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực.

* Phát huy điểm mạnh

Em Nguyễn Văn Cương, học sinh lớp 3 một trường ngoài công lập trên địa bàn TP.Biên Hòa, chia sẻ trước đây khi còn chấm điểm, thi thoảng bị điểm thấp, về nhà bị mẹ mắng em rất sợ. Nay không còn chấm điểm, về nhà mẹ xem nhận xét của cô rồi dạy em học bài, không còn la mắng nữa. Suốt năm học qua do tâm lý thoải mái, không còn lo sợ mỗi khi bị điểm thấp, em đã tự tin hơn mỗi khi đến lớp hay về nhà. Do không phải làm quá nhiều bài tập nên em có nhiều thời gian để vui chơi, vận động, rèn luyện sức khỏe. Mới đây, khi lớp tiến hành bình bầu, mặc dù thành tích học tập không quá xuất sắc nhưng Cương được cô giáo và các bạn ghi nhận học rất tốt môn Tiếng Anh và được khen “Có thành tích nổi bật môn Tiếng Anh”.

Chia sẻ về việc viết lời khen sao cho mang tính động viên, khích lệ mà lại không trùng lắp, cô Nguyễn Xuân Tố Trinh (chủ nhiệm lớp 5/2 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, TP. Biên Hòa), cho biết: “Giáo viên phải theo sát sự tiến bộ của từng học sinh trong suốt năm học, đồng thời phối hợp với ý kiến của các giáo viên bộ môn, cho học sinh tự bình bầu, nhận xét, tham khảo ý kiến của phụ huynh để đưa ra những lời khen tặng khách quan, giúp học sinh, phụ huynh nắm được điểm mạnh, sở trường, từ đó phát huy tốt hơn nữa”.

Năm học này, lớp của cô Trinh có 18/33 học sinh được tặng giấy khen, trong đó có 5 em được khen cấp trường bởi đạt thành tích tốt toàn diện. Với những em này, trong giấy khen ghi là “hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học”. Những em còn lại được khen, như: có sáng tạo, say mê học tập môn Mỹ thuật; tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập…

* Vất vả viết lời khen

Bên cạnh những mặt tích cực, Thông tư 30 còn có những mặt hạn chế cần khắc phục trong những năm học tiếp theo, trong đó khó khăn lớn nhất đến từ phía các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Vì không còn cho điểm nên với những lớp có sĩ số học sinh đông, giáo viên phải “miệt mài” viết lời khen, nhận xét sao cho đúng với tinh thần thông tư. Việc làm này chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên.

Không chỉ riêng các trường tiểu học mà nhiều trường THCS khi được hỏi đã bày tỏ lo ngại, nếu suốt 5 năm học sinh quen với kiểu đánh giá, nhận xét bằng lời phê, lên lớp 6 khi được đánh giá bằng điểm số hàng ngày, hàng tuần tất cả các môn học, các em sẽ bỡ ngỡ, khó bắt nhịp. Do đó, muốn thực hiện thông tư một cách hiệu quả nhất, đòi hỏi phải có sự đổi mới, thực hiện đồng bộ từ cấp mầm non lên tiểu học và THCS, chứ không thể đổi mới nửa vời như hiện tại. Mặt khác, chương trình sách giáo khoa hiện nay còn rất nặng đối với học sinh, do đó, nên đổi mới chương trình, sách giáo khoa trước khi đổi mới phương pháp đánh giá, nhận xét học sinh sẽ thuận lợi hơn.

Đặc biệt vào dịp cuối năm, với cả chồng sổ sách, giáo viên phải dò điểm số cuối kỳ, xem lại những lời nhận xét trong năm học để đánh giá học sinh sao cho khách quan, chính xác. Những năm học trước, chỉ cần 3 ngày để ghi học bạ, xếp loại hạnh kiểm. Nhìn vào sổ điểm, giáo viên có thể xếp hạng học sinh là giỏi hay tiên tiến rồi trình lên ban giám hiệu. Giấy khen được in hàng loạt, chỉ cần điền tên các em theo đúng danh hiệu là xong. Nay, giáo viên phải mất một tuần để kiểm tra, đối chiếu, đề xuất khen thưởng lên ban giám hiệu. “Chúng tôi khá căng thẳng suy nghĩ và viết lời phê, nhận xét sao cho không được trùng lắp, không gây nhàm chán, khô khan, chung chung để học sinh và phụ huynh hiểu” - một giáo viên tiểu học ở huyện Định Quán chia sẻ.

Cũng theo nhiều giáo viên, mặc dù việc không cho điểm giảm được áp lực điểm số, mặc cảm khi đến trường cho những học sinh trung bình, yếu nhưng cũng không kích thích được những em này phấn đấu hơn. Do đó, việc theo dõi sự tiến bộ của các em đòi hỏi giáo viên phải thật sự yêu nghề, yêu trẻ, phát hiện những ưu điểm, mặt mạnh để động viên, khích lệ học sinh tiến bộ.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều