Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn còn nhiều khó khăn (Bài cuối)

09:05, 28/05/2015

Nếu như ở vùng sâu, vùng xa, khi bị đau ốm, người dân thường đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh thì tại những khu dân cư ở gần bệnh viện, người dân không "mặn mà" khi đến khám, chữa bệnh ban đầu tại đây.

 

Nếu như ở vùng sâu, vùng xa, khi bị đau ốm, người dân thường đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh thì tại những khu dân cư ở gần bệnh viện, người dân không “mặn mà” khi đến khám, chữa bệnh ban đầu tại đây.

Bác sĩ, nhân viên tại trạm y tế ngoài công tác khám, chữa bệnh còn phụ trách rất nhiều chương trình y tế quốc gia nên công việc thường xuyên quá tải. Trong ảnh: Nhân viên y tế xã Núi Tượng, huyện Tân Phú tẩm hóa chất  vào mùng để phòng, chống muỗi, ngăn ngừa sốt rét cho người dân.
Bác sĩ, nhân viên tại trạm y tế ngoài công tác khám, chữa bệnh còn phụ trách rất nhiều chương trình y tế quốc gia nên công việc thường xuyên quá tải. Trong ảnh: Nhân viên y tế xã Núi Tượng, huyện Tân Phú tẩm hóa chất vào mùng để phòng, chống muỗi, ngăn ngừa sốt rét cho người dân.

Giám đốc Trung tâm y tế Biên Hòa Nguyễn Xuân Hùng cho biết, tại TP.Biên Hòa người dân thường lựa chọn đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa đóng chân trên địa bàn phường. Lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế phường, xã không nhiều, nhất là ở các phường nội ô. 

* Trạm y tế nội ô vắng vẻ

Nhiều trạm y tế xã ở nội ô thị trấn, thị xã, thành phố thưa thớt bệnh nhân, phần lớn hoạt động của các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) có dân số đông với hơn 72% dân số phường tham gia bảo hiểm y tế (tương đương với hơn 70 ngàn người), thế nhưng mỗi ngày trạm chỉ khám, chữa bệnh cho chưa đến 50 lượt người. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lợi, Trưởng trạm y tế phường Long Bình, cho biết: “Tâm lý của người dân vẫn thích khám ở các bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hơn trạm y tế vì ở đó có đầy đủ các trang thiết bị tốt hơn. Nay không được khám trái tuyến thì bệnh nhẹ họ cũng đến bệnh viện chữa để được hưởng quyền lợi”.

Trong năm 2015, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm hoàn thiện mạng lưới y tế, bảo đảm điều kiện thực hiện các kỹ thuật chuyên môn ngày càng cao tại các cơ sở y tế. Theo đó sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho các trạm y tế, ưu tiên các xã điểm xây dựng nông thôn mới và các xã khu vực miền núi. Năm 2015 sẽ khởi công xây dựng và nâng cấp, mở rộng 15 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Phấn đấu trong năm 2016, 100% trạm y tế có bác sĩ.

Thực tế quy định về khám trái tuyến của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cũng làm giảm đáng kể lượng người đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn. Trưởng trạm y tế phường Xuân Bình (TX.Long Khánh) Nguyễn Thanh Huệ cho biết, trước đây mỗi tháng trạm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến và trái tuyến cho 400-450 lượt bệnh nhân, nhưng từ khi có quy định không cho khám trái tuyến, số lượng bệnh nhân giảm khoảng 100 lượt/tháng. Mặc dù cơ sở vật chất được đầu tư tương đối đầy đủ, tại trạm có máy xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu đơn giản nhưng trạm ít khi thực hiện các kỹ thuật này do phần lớn các bệnh nhân xin chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh để được khám, chữa bệnh và làm các xét nghiệm.

Ngoài ra, hiện nay trung bình mỗi trạm y tế cấp xã chỉ có 1 bác sĩ. Tuy nhiên, các bác sĩ còn đi học, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề, đi họp nên không phải lúc nào cũng có mặt tại trạm y tế để khám, chữa bệnh cho người dân. Vẫn còn tình trạng “ủy thác” việc khám bệnh, kê toa cho các y sĩ tại trạm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trạm chưa có bác sĩ, đồng nghĩa với việc không được đầu tư các trang thiết bị y tế cần thiết. Vì vậy, chất lượng khám, chữa bệnh vẫn chưa đảm bảo và người dân chưa an tâm khi đến khám, chữa bệnh tại đây.

* Thiếu đồng bộ

Hiện nay ở Đồng Nai vẫn còn tới 40 trạm y tế xây dựng từ lâu trở nên chật hẹp hoặc xuống cấp, không đủ diện tích để triển khai các phòng chuyên môn theo quy định.

Nhiều năm nay, Trạm y tế xã Phú Bình (huyện Tân Phú) không có ai đến sinh do cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Nhiều năm nay, Trạm y tế xã Phú Bình (huyện Tân Phú) không có ai đến sinh do cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Cụ thể, huyện Tân Phú vẫn còn 8/18 trạm y tế đã xuống cấp, chật hẹp cần được nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới. Từ nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa là Trạm y tế xã Phú Bình hoạt động rất khó khăn. Nguyên nhân là do trạm được xây dựng cách đây 38 năm, dù được cải tạo, sửa chữa nhiều lần nhưng rất chật hẹp. Do các công trình xung quanh trạm y tế đều xây dựng cao nên trạm nằm lọt thỏm phía dưới. Khi trời mưa, nước ngập vào sân trạm, người dân rất ngại khi đến khám, chữa bệnh và tiêm ngừa. Chính vì cơ sở xuống cấp nên dù ở trạm có phòng sinh nhưng nhiều năm nay tại đây không có ai đến sinh.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có khoảng 70% các trạm y tế xã đều được đầu tư các trang thiết bị, như: máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa, nước tiểu. Tuy nhiên, trên thực tế không phải trạm y tế nào cũng có thể sử dụng hết các thiết bị này. Cụ thể, ở Trạm y tế xã Núi Tượng (huyện Tân Phú), máy đo điện tim ở đây đã tạm ngưng hoạt động từ năm 2014 do vướng quy định người sử dụng máy đo điện tim phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được bảo hiểm y tế thanh toán, còn nếu không thì bệnh nhân phải tự chi trả! 

Tại hội nghị ban chỉ đạo thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân của tỉnh được tổ chức mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho rằng hoạt động khám, chữa bệnh của các trạm y tế nội ô không phát huy được tác dụng, khó thu hút được bệnh nhân. Do đó, Bộ Y tế đang xem xét sáp nhập trạm y tế trong nội ô và trung tâm y tế vào bệnh viện huyện, thành phố.

Trong khi đó, một số xã dù có bác sĩ nhưng vẫn còn thiếu máy siêu âm nên khi chẩn đoán bệnh phải chuyển lên tuyến trên, như các trạm y tế: xã Núi Tượng, xã Phú Lộc (huyện Tân Phú). “Nếu có máy siêu âm sẽ xác định được bệnh rõ hơn, đỡ phải chuyển lên tuyến trên điều trị, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên” - Trưởng trạm y tế xã Phú Lộc Lương Hùng Linh đã nói. Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh phí nên việc đầu tư các trang thiết bị y tế cho các trạm y tế cấp xã cũng chưa đồng bộ. Một số trạm y tế xã đã được đầu tư xây mới, nhưng đến nay thiết bị y tế mới vẫn chưa được cấp về, như: Trạm y tế xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), Trạm y tế xã Bình Lộc (TX.Long Khánh)...

Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất. Vì vậy, việc khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên sẽ góp phần tăng niềm tin của người dân vào hệ thống y tế cơ sở. Qua đó, sẽ tăng số lượng người đăng ký bảo hiểm y tế vào các trạm y tế cấp xã, thúc đẩy phát triển bảo hiểm y tế toàn dân trong thời gian tới.  

 Ngọc Thư   

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều