Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp

09:05, 03/05/2015

40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành y tế Đồng Nai đã có sự phát triển vượt bậc cả về tổ chức mạng lưới y tế, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành y tế Đồng Nai đã có sự phát triển vượt bậc cả về tổ chức mạng lưới y tế, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

Theo Sở Y tế, năm 1975 trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 bệnh viện lớn tại Biên Hòa và Long Khánh với khoảng 800 giường bệnh nội trú. Tại các huyện chỉ có bệnh xá, mỗi bệnh xá có khoảng 20-50 giường bệnh. Đầu năm 1976, toàn tỉnh có khoảng gần 100 cơ sở y tế bao gồm cả y tế công lập và dân lập, chủ yếu tập trung tại đô thị lớn.

* Những ngày gian khó

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết, hệ thống y tế do chế độ cũ tổ chức trước đây chủ yếu tập trung tại các khu vực đô thị, chưa chú trọng vùng nông thôn; chủ yếu là hệ thống khám chữa bệnh, chưa chú trọng công tác y tế dự phòng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Anh, Trưởng trạm y tế xã Bình Lộc (TX.Long Khánh), khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Anh, Trưởng trạm y tế xã Bình Lộc (TX.Long Khánh), khám bệnh cho người dân.

Vào năm 1975, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ chỉ có 200 giường bệnh, đến năm 1978 sáp nhập với Bệnh viện Trung Cao và năm 1981 được cải tạo  nhưng chỉ có sức chứa khoảng 500 giường bệnh với các thiết bị y tế thiếu thốn. Qua nhiều năm hoạt động, bệnh viện đã từng bước được cải tạo và đầu tư các trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại. Tuy nhiên, do cơ sở chật chội, đã xuống cấp phải gánh sức chứa lên đến 1 ngàn giường bệnh khiến bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, không đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Đến nay toàn tỉnh có 84,8% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 97% trạm y tế có bác sĩ. Bà Lê Thị Xuân, ấp 5, xã Núi Tượng (huyện Tân Phú), cho biết: “Là một xã vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm thị trấn gần 20km nên khi đau bệnh nhẹ tôi thường ra trạm y tế xã khám bệnh, vừa gần vừa đỡ mất thời gian chờ đợi. Tại trạm y tế cũng có bác sĩ khám bệnh rất kỹ và tư vấn nhiệt tình, lại có thuốc cấp đầy đủ nên người dân rất yên tâm”.  

Hay như Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, trước đây chỉ có 150 giường bệnh chủ yếu phục vụ cho bệnh nhân ở TP.Biên Hòa, các huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, thời điểm đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cơ sở hạ tầng của bệnh viện là những ngôi nhà cấp 4 đã cũ, thiết bị chỉ làm được các xét nghiệm đơn giản; thiết bị hồi sức, phẫu thuật không có nên công tác khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn.

 Tương tự, tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai (tiền thân là Khoa nhi của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), được thành lập cách đây 29 năm, cũng có thời kỳ hoạt động gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà nhớ lại: “Từ khi thành lập đến năm 1994, máy móc, thiết bị y tế rất thô sơ, đến máy giúp thở cũng không có mà phải bóp bằng tay; không có máy truyền dịch, máy truyền máu. Thời điểm đó, bệnh nhi phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị rất nhiều, ngay cả một số bệnh đơn giản cũng phải chuyển viện”.

* Phát triển toàn diện

Từ 150 giường bệnh và khoảng 200 cán bộ, viên chức ban đầu, đến nay Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã có 1,4 ngàn giường bệnh và gần 1,2 ngàn cán bộ, viên chức; được xây dựng, nâng cấp và đầu tư các trang thiết bị hiện đại và phát triển nhiều chuyên khoa. Đặc biệt, bệnh viện sở hữu một trong những trung tâm thận nhân tạo lớn nhất miền Nam và trung tâm can thiệp tim mạch lớn nhất tỉnh. Tay nghề của các bác sĩ ngày càng nâng cao, có thể triển khai nhiều kỹ thuật khó, là một địa chỉ khám, chữa bệnh đáng tin cậy của người dân trong tỉnh.

Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cũng phát triển không ngừng, từ những ngày đầu thành lập có 30-40 bác sĩ, với 100 lượt bệnh nhân khám ngoại trú mỗi ngày, đến nay bệnh viện có 122 bác sĩ, với hơn 1,2 ngàn lượt bệnh khám ngoại trú/ngày. Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, như: phẫu thuật dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh (u nang ống mật chủ, bệnh phình đại tràng bẩm sinh, hở thành bụng sơ sinh); phẫu thuật thành công sọ não ở trẻ em. Đặc biệt, mới đây Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã chính thức khánh thành cơ sở mới với quy mô 1,4 ngàn giường bệnh và được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, xứng tầm với các bệnh viện lớn trong khu vực Đông Nam Á. Việc đưa công trình vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực phục vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ y tế chất lượng cao của ngành y tế Đồng Nai.

Bên cạnh đó, hiện nay mạng lưới y tế ở Đồng Nai đã được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở theo 3 tuyến tỉnh, huyện và xã. Mạng lưới y tế được chú trọng phát triển đến các vùng nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các trạm y tế xã được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở vật chất và trang thiết bị, trong đó ưu tiên đối với các trạm y tế thuộc khu vực nông thôn, miền núi.

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết, ngành y tế Đồng Nai đã và đang phát triển theo định hướng: công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Một số giải pháp trọng tâm để phát triển ngành y tế sẽ được triển khai trong thời gian tới là tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; đầu tư các trung tâm y tế chất lượng cao tại tuyến tỉnh. Đồng thời, tổ chức quy hoạch hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối nhằm phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng nguồn lực và cơ sở vật chất. Đẩy mạnh phát triển xã hội hóa y tế. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo và thu hút nhân tài. Tăng cường công tác giáo dục y đức, ứng xử của nhân viên y tế. Xây dựng chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế tuyến cơ sở và cán bộ y tế chất lượng cao.

 

Ngọc Thư

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích