Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với dịch bệnh mùa nắng nóng

10:05, 20/05/2015

Từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gia tăng nhiều loại dịch bệnh. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, số bệnh nhân nhập viện có chiều hướng gia tăng, nhiều nhất là nhiễm trùng tiêu hóa, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết. 

 

Từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gia tăng nhiều loại dịch bệnh. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, số bệnh nhân nhập viện có chiều hướng gia tăng, nhiều nhất là nhiễm trùng tiêu hóa, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết. 

Phần lớn bệnh nhân trong Khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai bị tiêu chảy cấp do virus Rota.
Phần lớn bệnh nhân trong Khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai bị tiêu chảy cấp do virus Rota.

Chiều 18-5, bà Thị Nhạn ngụ tại ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất trong tình trạng đau bụng dữ dội, tiêu chảy nhiều lần, sốt cao, tụt huyết áp. Bà Nhạn cho biết, buổi trưa bà có ăn dưa hấu đã được người nhà cắt sẵn trước đó 2-3 giờ nhưng không bảo quản trong tủ lạnh. Sau khi ăn khoảng 2 giờ, bà thấy đau bụng, ói và tiêu chảy liên tục suốt, đến khi bị sốt cao, người mệt lả, lúc đó bà mới chịu đi cấp cứu.

* Bệnh tiêu hóa tăng

Bác sĩ Lê Thế Dương ở Khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất), cho hay bà Nhạn bị nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy thận cấp, thậm chí có thể tử vong do bị sốc vì huyết áp tụt quá thấp. Từ đầu tháng 5 đến nay, số ca tiêu hóa nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất có xu hướng tăng hơn tháng 4, mỗi ngày trung bình có 4-5 ca nhập viện điều trị tại khoa bệnh nhiệt đới, trong đó có ca nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng dẫn đến nhiễm trùng đường huyết.

Tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, số bệnh tiêu hóa tuy không tăng cao nhưng số ca tiêu chảy cấp xuất hiện nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca tiêu chảy cấp nhập viện điều trị, chủ yếu trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Nguyên nhân do nhiễm virus rota qua đường ăn uống. Phần lớn trẻ có triệu chứng như sốt, ói, tiêu chảy. Thậm chí có trường hợp vừa điều trị dứt nhiễm trùng tiêu hóa lại chuyển sang tiêu chảy cấp như bé Phạm Bá Khánh, 7 tháng tuổi, nhà ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) vừa điều trị đại tiện ra máu xong lại bị tiêu chảy cấp, phải truyền nước biển liên tục 6 ngày để phòng mất nước. 

Tương tự, những ngày qua tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khoa tiêu hóa luôn đông nghẹt bệnh nhân khiến khoa phải gửi bệnh nhân tiêu hóa tại các khoa khác. Trung bình mỗi ngày có 20-25 ca bệnh tiêu hóa mới nhập viện, trong đó 50% là bệnh tiêu chảy cấp, nâng số bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày lên đến 60-70 bệnh nhân, tăng 20-30% so với những ngày thường của tháng trước. Bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa tiêu hóa của bệnh viện, cho biết phần lớn bệnh nhân bị tiêu chảy cấp đều do ăn uống thức ăn bị  nhiễm khuẩn vì để lâu nhưng không được bảo quản tốt, uống nước không hợp vệ sinh...

* Đề phòng sốt xuất huyết 

Bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, nhưng trong năm nay dù đang thời điểm nắng nóng nhưng số ca bệnh sốt xuất huyết vẫn xuất hiện nhiều. Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, cho biết từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,3 ngàn ca sốt xuất huyết, tăng trên 55% so với cùng kỳ năm trước.

Bác sĩ Hà Văn Thiệu, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết tiêu chảy cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ vì do cơ thể mất nước và điện giải; tiêu chảy cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ. Thời tiết nắng nóng, nhất là giai đoạn chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, thức ăn dễ ôi thiu và nhiễm khuẩn nên trẻ rất dễ bị tiêu chảy. Do đó, phụ huynh chú ý chọn thực phẩm an toàn, tự chế biến thức ăn cho trẻ, chọn thức ăn dễ tiêu hóa. Khi cho trẻ đi chơi xa vào mùa hè nên chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống cho trẻ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng hơn cùng kỳ năm 2014. Từ đầu tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày có 4-5 bệnh mới nhập viện. Điều đáng nói, bệnh nhân còn rất chủ quan với căn bệnh này. Cụ thể như trường hợp chị Trịnh Thị Linh ở KP.3, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bị sốt cao liên tục 3 ngày nhưng chỉ mua thuốc hạ sốt uống và vẫn đi làm bình thường, đến ngày sốt thứ 4 chị bị ngất xỉu khi đang làm việc. Sau khi nhập viện cấp cứu, chị mới biết mình bị sốt xuất huyết.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã ra quân mở chiến dịch diệt loăng quăng. Đặc biệt, những vùng có xuất hiện ổ dịch ở TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom đã cho phun hóa chất diệt muỗi. Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng cho biết theo chu kỳ, bệnh sốt xuất huyết sẽ bùng phát sau nhiều năm giảm liên tục và theo dự báo bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát trong mùa mưa năm nay. Do đó, các hộ gia đình cần có ý thức phát quang bụi rậm, không để vũng nước tồn đọng, ngủ mùng để phòng, chống bệnh.

Đặng Ngọc 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều