Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vọng được làm việc

09:04, 16/04/2015

Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 1.400/23.200 người khuyết tật  có việc làm ổn định.

Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 1.400/23.200 người khuyết tật  có việc làm ổn định.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), cho biết đến nay công ty đã tiếp nhận trên 360 lao động khuyết tật. Điều đáng quý trọng  ở những người lao động khuyết tật là nghị lực và khát vọng được làm việc như những lao động bình thường.

* Niềm vui từ công việc

Chị Nguyễn Thị Phương bị liệt hai chân từ nhỏ nhưng vẫn khao khát được làm việc. Từ huyện Định Quán, chị Phương đến TP.Biên Hòa để tìm việc làm. Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đã rộng cửa đón chị vào làm việc, dù trước đó đã có không ít công ty từ chối. Đến nay, chị Phương đã có công việc ổn định tại Công ty Taekwang Vina gần 4 năm và từ đó mang đến cho chị niềm vui lớn, đó là tìm được người bạn đời cùng cảnh ngộ là anh Nguyễn Ngọc Tuấn.

Anh Hoàng Lê Anh Tú (đứng giữa) ngày đầu vào làm việc đã được nhân viên của Công ty San LimFurniture Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) hướng dẫn cách đóng nhám.
Anh Hoàng Lê Anh Tú (đứng giữa) ngày đầu vào làm việc đã được nhân viên của Công ty San LimFurniture Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) hướng dẫn cách đóng nhám.

Là cặp vợ chồng bị khuyết tật nhưng anh Lâm Văn Tâm và chị Trần Thị Trinh, công nhân Công ty Unipax (Khu công nghiệp Amata) được các đồng nghiệp trong công ty trìu mến gọi là “cặp đôi hoàn hảo”. Anh Tâm cho biết: “Vợ chồng tôi đã gắn bó với công ty được hơn 5 năm. Chúng tôi hạnh phúc không chỉ vì có việc ổn định, được là bạn đời của nhau mà còn được làm việc trong môi trường thân thiện, giúp chúng tôi không còn cảm giác mặc cảm về bản thân”.

Toàn tỉnh hiện có 1.400 người có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp với thu nhập từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng.

Còn anh Hoàng Lê Anh Tú, một người không may bị cụt hai chân nhưng cuộc đời vẫn mang lại cho anh một may mắn khác, đó là được làm việc. Anh Tú được giới thiệu vào làm việc tại Công ty San LimFurniture Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) thông qua dự án hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật của Tổ chức từ thiện quốc tế cho người khuyết tật  Handicap tại Đồng Nai. Anh Tú chia sẻ, tuy là người khuyết tật nhưng anh vẫn còn khả năng đi lại gần như bình thường bằng đôi chân giả. Ở công ty, anh được bố trí ở bộ phận đóng nhám sản phẩm gỗ, một công việc rất phù hợp. Anh luôn cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc, được bạn bè cổ vũ, hỗ trợ. “Cuộc đời thật ý nghĩa khi tôi còn được làm việc để tự nuôi sống bản thân. Thậm chí bây giờ tôi đã trở thành lao động chính của gia đình” - anh Tú vui mừng nói.

* Cần thêm nhiều việc làm

Toàn tỉnh hiện có trên 20 doanh nghiệp tiếp nhận lao động khuyết tật, trong đó có nhiều công ty sử dụng với số lượng tương đối lớn, từ khoảng 300-360 lao động, như: Taekwang Vina, Changshin Việt Nam, Watabe Wedding, Pousung Việt Nam... Các doanh nghiệp đều có chính sách ưu tiên cho công nhân khuyết tật nghỉ việc sớm từ 20 phút đến 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày nhưng vẫn hưởng lương đầy đủ như những công nhân bình thường.

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đã từng tổ chức thành công một số phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, đến nay việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho người khuyết tật có nhu cầu tìm việc làm đã không còn được duy trì thường xuyên. Nguyên nhân chính là có quá ít doanh nghiệp mặn mà với việc tuyển dụng lao động khuyết tật do lo ngại ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng lao động. Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, cho rằng không có chế tài nào buộc hay khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận lao động khuyết tật vào làm việc, nên việc duy trì các phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật là rất khó khăn. Mặt khác, nhiều người khuyết tật còn khả năng lao động, có nguyện vọng làm việc cũng chưa chuẩn bị hành trang sẵn sàng để vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết Đồng Nai là một trong số ít tỉnh được hưởng lợi từ dự án việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật của Tổ chức từ thiện quốc tế cho người tàn tật Handicap. Sở đang tiếp tục nỗ lực để giải quyết việc làm cho lao động khuyết tật, trong đó có việc định hướng nghề nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, Sở còn có chính sách phối hợp để người khuyết tật vay vốn sản xuất, tự tạo việc làm. Vấn đề khó khăn hiện nay là việc tiếp cận và làm thay đổi cách nhìn của doanh nghiệp với lao động là người khuyết tật. Bên cạnh đó, người lao động khuyết tật cũng cần chuẩn bị tốt hàng trang, tâm lý để có thể tiếp cận với doanh nghiệp, từ đó có thể khẳng định được mình với doanh nghiệp.

Công Nghĩa

 

 

 

 

Tin xem nhiều