Báo Đồng Nai điện tử
En

Đỏ mắt tìm sách Việt viết cho thiếu nhi

12:04, 25/04/2015

Mùa hè đang đến gần. Đây cũng là thời điểm mà nhu cầu giải trí bằng các ấn phẩm sách, báo đối với bạn đọc ở lứa tuổi thiếu nhi tăng cao.

Mùa hè đang đến gần. Đây cũng là thời điểm mà nhu cầu giải trí bằng các ấn phẩm sách, báo đối với bạn đọc ở lứa tuổi thiếu nhi tăng cao.

 Tuy nhiên, số lượng sách của các tác giả Việt Nam dành cho đối tượng này luôn trong tình trạng khan hiếm những đầu sách mới.

* Hiếm sách thiếu nhi mới

Bà Nguyễn Ngọc Anh (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) và con gái 10 tuổi của mình cho biết đã đi qua 2 nhà sách là Nhà sách Biên Hòa và Nhà sách Fahasa Biên Hòa nhưng vẫn chỉ mới tìm được một bộ sách thiếu nhi ưng ý gồm 15 cuốn Barbie - tuyển tập các nàng công chúa của Nhà xuất bản Mỹ Thuật. Bà Nguyễn Ngọc Anh nói: “Sách được trưng bày tại các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm nhiều vô kể, nhưng sách dành cho thiếu nhi thì ít quá. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những sách cũ được tái bản với bìa mới, thêm hình ảnh minh họa. Còn sách mới phát hành thì không thấy đâu”.

Các em học sinh tìm mua sách tại Nhà sách Fahasa Biên Hòa. Đa số các em đều chọn mua những loại sách ngoại văn được tác giả trong nước dịch lại vì sách thiếu nhi Việt mới hầu như không có.
Các em học sinh tìm mua sách tại Nhà sách Fahasa Biên Hòa. Đa số các em đều chọn mua những loại sách ngoại văn được tác giả trong nước dịch lại vì sách thiếu nhi Việt mới hầu như không có.

Trong khi đó, ông Hoàng Nguyên Phúc (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thắc mắc: “Thật khó để tìm sách mới của tác giả Việt viết cho bạn đọc nhỏ tuổi. Nếu có đầu sách mới thì đa phần cũng chỉ là sách ngoại văn được các tác giả trong nước dịch lại nhưng nội dung lại ít phù hợp, gần gũi với trẻ em người Việt”.

Đây không phải chỉ là thắc mắc của riêng các bậc làm cha làm mẹ, mà thực tế này còn được các hệ thống phát hành sách trong tỉnh đặc biệt lưu tâm. Ông Hà Ngọc Trai, Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Biên Hòa - một trong những đơn vị phát hành sách lớn trong tỉnh, cho hay lượng sách do tác giả Việt Nam sáng tác mới dành cho thiếu nhi về nhà sách rất ít, chủ yếu là những sách tái bản với cách làm mới là thay đổi ảnh bìa, thêm hình màu minh họa, còn nội dung được giữ nguyên. Do không có sách mới của tác giả Việt Nam nên phụ huynh thường chọn mua sách thiếu nhi nước ngoài được tác giả trong nước dịch lại.

* Nguyên nhân do đâu?

Nhìn nhận về thực tế có ít tác phẩm văn học của các nhà văn Việt Nam viết cho thiếu nhi trong thời gian qua, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng lượng tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn trong cả nước là không hề giảm mà vẫn rất dồi dào. Nhưng tác phẩm không đến được tay bạn đọc là do bản thảo viết xong, các nhà văn lại không biết in ấn ở đâu vì không có mấy  nhà xuất bản nhận in thành sách. Đây là vấn đề mấu chốt, lý giải vì sao dư luận cho rằng có quá ít đầu sách viết cho thiếu nhi trong thời gian vừa qua.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết để giải quyết thực tế có ít tác phẩm văn học của các nhà văn Việt Nam viết cho thiếu nhi thì phải giải được bài toán trong việc liên kết giữa tác giả, các Hội Văn học, nghệ thuật với các nhà xuất bản để tác phẩm không bị “ách” lại. Thêm vào đó, tác giả viết cho thiếu nhi cần không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm theo kịp với xu hướng, nhu cầu của người đọc.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam,  một cây bút Đồng Nai chuyên viết truyện cho lứa tuổi thiếu nhi, cho hay: “Theo tôi, không phải là các nhà văn ít quan tâm đến việc viết cho thiếu nhi, mà là bản thảo của họ bị dừng lại ở nhà xuất bản với lý do: sách thiếu nhi bán chậm. Bên cạnh đó, độc giả nhỏ tuổi cũng chưa tin chọn sách của tác giả trong nước, trừ trường hợp của Nguyễn Nhật Ánh”.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan kể trên, thì một nguyên nhân có phần chủ quan thuộc về phía các nhà văn, đó là sáng tác của các nhà văn trong nước đa phần còn chưa đáp ứng đúng nhu cầu đọc sách của thiếu nhi. Điều này khiến cho công tác xuất bản, phát hành, quảng bá tác phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để sách thiếu nhi Việt ngày càng có mặt nhiều hơn nữa trên các kệ sách thì không có gì khác hơn là phải có sự liên kết giữa tác giả - nhà xuất bản - truyền thông - bạn đọc.

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều