Báo Đồng Nai điện tử
En

Sử dụng giáo viên người Philippines sao cho hiệu quả?

09:03, 02/03/2015

Việc Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty tiến bộ quốc tế (AIC) sử dụng giáo viên người Philippines để giảng dạy môn tiếng Anh tại các trường học trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến nay đã góp phần mang lại luồng gió mới cho môn học này.

Việc Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty tiến bộ quốc tế (AIC) sử dụng giáo viên người Philippines để giảng dạy môn tiếng Anh tại các trường học trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến nay đã góp phần mang lại luồng gió mới cho môn học này.

Học sinh tham gia trò chơi đố vui do thầy giáo người Philippines Tacio Caldo Swaggert tổ chức tại Trường tiểu học Kim Đồng, huyện Xuân Lộc. Ảnh: H. DUNG
Học sinh tham gia trò chơi đố vui do thầy giáo người Philippines Tacio Caldo Swaggert tổ chức tại Trường tiểu học Kim Đồng, huyện Xuân Lộc. Ảnh: H. DUNG

Học sinh hứng thú hơn khi học với người nước ngoài, giáo viên Việt Nam cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy mới… nhằm nâng cao chất lượng môn học. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để sử dụng có hiệu quả 30 giáo viên này, ngành giáo dục cần có những cách làm mang tính đột phá.

* Tháo gỡ khó khăn

Trong số 30 giáo viên người Philippines được hợp đồng, có 8 giáo viên đạt trình độ sau đại học, 21 người có trình độ đại học và 1 giáo viên trình độ cao đẳng. Theo ghi nhận, đa số các trường có giáo viên Philippines đều đánh giá cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng mềm, sử dụng trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ công tác giảng dạy tại trường. Tuy vậy, bên cạnh những giáo viên có ý thức kỷ luật lao động tốt, chấp hành nghiêm túc giờ giấc làm việc và thực hiện đầy đủ công việc mà nhà trường, phòng GD-ĐT giao phó, trong năm 2014 có trường hợp giáo viên người Philippines đã tự ý nghỉ việc mà không xin phép.

Rào cản ngôn ngữ cũng là một trong những khó khăn đối với các giáo viên và các trường học. Rào cản này đã hạn chế chất lượng các kỳ sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề ở cơ sở (hầu hết đều tiến hành bằng tiếng Việt), không tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên người Philippines tham gia, góp ý kiến với tập thể giáo viên tiếng Anh và lãnh đạo nhà trường. Trong hè năm 2014 và đầu năm học 2014-2015, nhiều giáo viên Philippines hoạt động đơn lẻ, thiếu sự tham gia phối hợp với các thành viên trong tổ bộ môn của nhà trường.

Để giáo viên Philippines tự tin hơn trong giao tiếp, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, đề nghị các trường cần mạnh dạn hơn nữa trong việc sử dụng giáo viên Philippines, nên tổ chức một khóa học giao tiếp cho giáo viên người Philippines. Hiện nay đã có định hướng về đổi mới sách giáo khoa, các trường cần tận dụng những sách tiếng Anh của người Anh biên soạn để giảng dạy cho học sinh, đảm bảo 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết. Trong công tác quản lý, các trường, phòng GD-ĐT cần giúp đỡ, hỗ trợ các giáo viên người Philippines để họ yên tâm công tác; tổ chức những hoạt động để các bên cùng tham gia; sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy, học tiếng Anh trong thời gian tới.

* Phát huy hiệu quả

Trong năm qua, có nhiều trường, phòng GD-ĐT đã phát huy được hiệu quả của giáo viên người nước ngoài trong công tác dạy - học. Cô Nguyễn Thị Đơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Dũng (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ), cho biết qua thời gian giáo viên người Philippines công tác tại trường, học sinh đã tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh, thao tác làm bài tập trên bảng tương tác nhanh và thành thạo hơn, vốn từ vựng, kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của các em tiến bộ rõ rệt, số lượng học sinh khá, giỏi môn tiếng Anh được nâng lên. Để giáo viên người Philippines an tâm công tác, nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về chỗ ăn, ở, sinh hoạt; giúp giáo viên hòa nhập với các phong trào hoạt động của nhà trường.

Ông Nguyễn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT):  Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 7 trường THPT, 6 trường THCS và 17 trường tiểu học có giáo viên người Philippines giảng dạy môn Tiếng Anh. Sở GD-ĐT sẽ làm việc với 30 đơn vị trên để bố trí công việc phù hợp với các giáo viên. Để đảm bảo chất lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy, với những giáo viên Philippines không đáp ứng yêu cầu, Sở GD-ĐT sẽ trả lại phía Công ty tiến bộ quốc tế AIC, đồng thời không tái hợp đồng với những giáo viên không đủ năng lực.

Cô Nguyễn Thị Bích Lài, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (huyện Trảng Bom), bày tỏ để sử dụng có hiệu quả giáo viên Philippines, nếu tiết học nào có thể rèn luyện kỹ năng nghe, nói nhà trường phân công cô Jehn giảng dạy. Giáo viên được phân công giảng dạy tiếng Anh của lớp đó sẽ hỗ trợ cô Jehn phiên dịch, giải thích bằng tiếng Việt, ổn định lớp, kịp thời can thiệp nếu có sự việc vi phạm nội quy. Trong những tiết chào cờ, buổi sinh hoạt câu lạc bộ, dã ngoại, cô Jehn đều được tạo điều kiện tham gia và đóng góp ý kiến, trao đổi kiến thức với học sinh, giáo viên nhà trường.

Cô Phan Thị Ngọc Tú, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Qua 2 năm có sự tham gia giảng dạy của giáo viên Philippines tại trường, giáo viên tổ ngoại ngữ chúng tôi cùng học sinh đã phần nào thu được những tiến bộ trong kỹ năng nghe, nói. Học sinh rất thích được học với cô giáo người nước ngoài, thường xuyên chia sẻ, thăm hỏi, tự tay làm những món quà nhỏ tặng cô giáo trong các dịp lễ, tết. Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong Sở và nhà trường bố trí giáo viên người Philippines hợp lý để các giáo viên này phát huy hiệu quả trong giảng dạy, đặc biệt là trong dịp hè”.

Hạnh Dung

 

 

 

 

Tin xem nhiều