Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoa học - công nghệ vùng Đông Nam bộ: Hợp tác cùng phát triển

09:03, 26/03/2015

Trong giai đoạn 2010-2015, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đã tiếp tục giữ vững được mức tăng trưởng cao. Góp phần vào sự thành công trên có vai trò to lớn của khoa học - công nghệ (KH-CN).

Trong giai đoạn 2010-2015, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đã tiếp tục giữ vững được mức tăng trưởng cao. Góp phần vào sự thành công trên có vai trò to lớn của khoa học - công nghệ (KH-CN).

Đó là nhận định vừa được đưa ra tại hội nghị giao ban KH-CN vùng Đông Nam bộ lần thứ XIII tổ chức tại Đồng Nai ngày 24-3. Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái; Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh cùng lãnh đạo 7 tỉnh vùng Đông Nam bộ, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã tham dự hội nghị này.

* Liên kết để phát triển

Giai đoạn 2011-2015, nếu như TP.Hồ Chí Minh sử dụng nguồn ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu cơ bản về công nghệ cao, công nghệ sinh học và tập trung đầu tư một số tổ chức KH-CN trọng điểm đủ năng lực giải quyết những vấn đề lớn của thành phố và hội nhập quốc tế như khu công nghệ cao… thì Đồng Nai lại rất thành công trong việc đầu tư xây dựng Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học nhằm đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển theo chiều sâu, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bình Thuận đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho Khu thực nghiệm công nghệ sinh học để thực hiện khảo nghiệm, trình diễn, giới thiệu mô hình cho người dân tham quan, học tập.

Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Việt Thanh phát biểu tại hội nghị giao ban khoa học - công nghệ vùng Đông Nam bộ. Ảnh: H.Dung
Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Việt Thanh phát biểu tại hội nghị giao ban khoa học - công nghệ vùng Đông Nam bộ. Ảnh: H.Dung

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, Bình Dương đã xây dựng được mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan và chuyển giao cho nông dân. Trong khi đó, Bình Phước đã chuyển giao quy trình trồng ca cao dưới tán điều; Tây Ninh nghiên cứu quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đối với sản xuất mãng cầu ta và được chứng nhận tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP…

Ở các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ, khoa học y - dược, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, từng địa phương đã phát huy được lợi thế và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Các sở KHCN đã tổ chức kiểm định, thử nghiệm hàng triệu mẫu thử nghiệm, phương tiện theo tiêu chuẩn đo lường chất lượng, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất, kinh doanh…

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh cho rằng, để hoạt động KH-CN đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới, ngoài nguồn lực nội, các sở KH-CN trong vùng cần tăng cường liên kết, hợp tác nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phục vụ chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế vùng.

* Phát triển nguồn lực KH-CN

“Để Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp, có nền tảng kinh tế - xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vào năm 2020, tỉnh đã xác định đẩy mạnh đầu tư phát triển tiềm lực KH-CN theo hướng tập trung nghiên cứu ứng dụng ở lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn và 2 mũi nhọn đột phá là hạ tầng KH-CN cùng đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực KH-CN có tính quyết định và đi trước một bước” - PGS. TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai, chia sẻ.

Theo đó, nguồn nhân lực KH-CN của Đồng Nai được đào tạo qua 4 chương trình: lao động kỹ thuật, sau đại học, năng khiếu và đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị. Từ 2011-2015, Đồng Nai có 1.303 học viên tham gia. Các học viên sau khi tốt nghiệp về công tác đều thể hiện được khả năng đáp ứng với công việc cao hơn, hiệu quả công việc tốt hơn.

Sở KH-CN tỉnh Bình Dương hiện có 95 người, trong đó có 2 tiến sĩ, 9 thạc sĩ, 5 người đang học cao học, 62 người có trình độ đại học. Sở KH-CN tỉnh Bình Phước hiện có 85 người, trong đó gồm 24 người có trình độ thạc sĩ, 56 cán bộ, nhân viên có trình độ cao đẳng, đại học.

“Do chỉ có 95 cán bộ (2 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, 5 người đang học cao học, 65 người trình độ đại học, cao đẳng), không đủ đáp ứng yêu cầu công việc nên đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết công việc. Các huyện không có cán bộ chuyên trách nên rất khó triển khai đầy đủ nhiệm vụ KH-CN ở huyện. Các đơn vị sự nghiệp KH-CN còn thiếu và yếu, hạn chế về năng lực nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác chuyên môn KH-CN của tỉnh” - ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ.

Trước thực trạng đội ngũ nguồn nhân lực của một số tỉnh, thành thiếu và yếu, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh, một trong những yếu tố cốt yếu quyết định sự phát triển của KH-CN chính là đội ngũ nguồn nhân lực. Do vậy, đầu tư để xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có tầm nhìn xa, trông rộng… là việc mà các tỉnh, thành cần đặc biệt quan tâm.

Hạnh Dung 

 

Tin xem nhiều