Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghỉ đau ốm từ 14 ngày trở lên không phải đóng bảo hiểm y tế

12:01, 29/01/2015

Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung áp dụng từ đầu năm 2015.

Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung áp dụng từ đầu năm 2015.

Theo quy định mới, người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

* Quy định về mức đóng BHYT

Đối với người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản. Nếu trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác nước ngoài thì không phải đóng BHYT; thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi.

Học sinh khám bệnh tại phòng y tế học đường Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, TP.Biên Hòa.
Học sinh khám bệnh tại phòng y tế học đường Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, TP.Biên Hòa.

Riêng đối với người lao động, trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm, nếu không tham gia BHYT theo các nhóm khác, thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT. Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình thì mức đóng theo hình thức này sẽ được tính giảm dần. Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Trường hợp trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó mà không phải đóng BHYT.

* Thay đổi mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ

Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Theo đó, đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT trong thời gian 5 năm sau khi thoát nghèo. Trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 1-1-2015, nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 1-1-2015 chưa đủ 5 năm thì thời gian còn lại được hỗ trợ thấp nhất là 1 năm.

Những người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và học sinh, sinh viên được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT. 

Ngoài ra, mức hưởng BHYT được Nghị định 105 hướng dẫn thực hiện chi tiết, cụ thể về thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; trẻ em dưới 6 tuổi.

Việc thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh còn được áp  dụng đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia bảo hiểm đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến...

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều