Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng quê cần sách

09:04, 21/04/2014

Ngày nay, việc tiếp cận, sở hữu sách, báo, tạp chí là chuyện vô cùng đơn giản và dễ dàng với nhiều người.  Thế nhưng, đối với người dân và học sinh tại nhiều ấp thuộc xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), sách vẫn là một món quà quý giá.

 

Ngày nay, việc tiếp cận, sở hữu sách, báo, tạp chí là chuyện vô cùng đơn giản và dễ dàng với nhiều người.  Thế nhưng, đối với người dân và học sinh tại nhiều ấp thuộc xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), sách vẫn là một món quà quý giá.

Nhiều khu dân cư ở xã Mã Đà nằm tách biệt trong rừng, không có điện, thiếu các thiết bị nghe, nhìn. Việc đọc sách vẫn là một trong những nhu cầu giải trí rất lớn của người dân nơi đây, trong khi đó số lượng sách báo tại các tủ sách cộng đồng ở các ấp trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay.

* Nhu cầu đọc lớn

Có mặt đúng giờ ra chơi của các em học sinh thuộc Phân hiệu Cây Sung (Trường THCS Mã Đà) ở ấp 2, chúng tôi mới thật sự thấy được sự cần thiết của những cuốn sách đối với các em học sinh nơi đây. Giờ ra chơi, nhiều em di chuyển thật nhanh đến tủ sách cộng đồng đặt tại nhà của một hộ dân ngay trước cổng trường để đọc báo, truyện tranh, truyện cổ tích... Chỗ ngồi không có, các em phải ngồi tạm trên những chiếc ghế nhựa, chiếc võng đặt gần tủ sách; thậm chí lúc người đọc quá đông, các em tận dụng chỗ ngồi ở những gốc cây gần đó và đọc ngấu nghiến.

Thầy ngồi đất và trò ngồi võng nhưng vẫn luôn thích thú đọc sách.
Thầy ngồi đất và trò ngồi võng nhưng vẫn luôn thích thú đọc sách.

Không chỉ có học sinh mới tìm đến tủ sách cộng đồng để đọc sách, nhiều người dân trong ấp cũng xem đây là một địa điểm giải trí lý thú. Bởi, theo như lời ông Trần Văn Cù ở ấp 3, toàn ấp có hơn 200 hộ dân, do không có điện nên số nhà có ti vi, radio hoạt động bằng pin, bình ắc quy hay máy phát điện cũng không nhiều. Vì vậy, mỗi khi muốn tìm hiểu một thông tin về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hay muốn đọc truyện giải trí thì phải đi ra tận thư viện huyện cách đó hơn 30km (trong đó có gần chục km đường rừng). Nay có tủ sách đặt tại ấp, rất thuận lợi cho bà con khi đọc sách, đỡ phải đi xa.

Cũng tại các tủ sách cộng đồng ở Mã Đà, chúng tôi ghi nhận được sự trân trọng, nâng niu đối với sách. Nhiều em học sinh đọc chưa hết cuốn sách nhưng đã đến giờ vào lớp thì ghi lại số trang mà mình đang đọc để hôm sau quay lại đọc tiếp. Sau đó các em đặt sách ngăn nắp vào kệ trong tủ. Nhiều người vì không có điều kiện đến đọc tại tủ sách nên ghi nội dung sách mình muốn đọc rồi nhờ người thân, bạn bè đến tủ sách đăng ký mượn về đọc. Ông Quỳnh Văn Cẩn ở ấp 2, cho biết nhà ông cách tủ sách  gần 6 km nên mỗi khi đến mượn sách, ông tranh thủ mượn về nhà từ 4- 6 cuốn sách để cho mình và mấy người bạn hàng xóm cùng đọc. 

* Cần nhiều sách hay

Được biết, đầu năm 2012, 5/7 ấp của xã Mã Đà (là các ấp 2, 3, 4, 5 và 6) đã được Ban Dân tộc tỉnh trang bị tủ sách cộng đồng và cũng từ đó đến nay, đây là nơi sinh hoạt, giải trí và cung cấp sách duy nhất cho người dân tại các các ấp này. Ngoài sách về pháp luật, tủ sách có nhiều sách, báo, tạp chí về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, văn học, sách thiếu nhi. Ông Lê Mai Long, một người dân xã Mã Đà nói, nhờ những tủ sách này mà trẻ em có thêm tài liệu để học tập, giải trí; còn người lớn cũng hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thiết thực, bổ ích.

Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam đã được chính thức diễn ra vào 20 giờ ngày 19-4, tại Quảng trường Lý Thái Tổ (Hà Nội). Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam lấy ngày 21-4 là Ngày sách Việt Nam. Ngày hội nhằm khuyến khích và tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng, cũng như tinh thần hiếu học của dân tộc trong bối cảnh văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị chen lấn bởi các phương tiện nghe nhìn hiện đại.

Về việc lựa chọn ngày 21-4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết: Tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách Đường Cách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời gian diễn ra Ngày sách và bản quyền Thế giới (23-4).

 Theo thông tin từ thư viện huyện, mỗi năm 2 lần, thư viện huyện tổ chức luân chuyển sách mới đến các tủ sách trong xã. Tuy nhiên, mỗi lần luân chuyển chỉ có 250 cuốn/tủ sách, một số lượng quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế của bạn đọc nơi đây. Em Lê Thị Yến Nhi, học sinh lớp 8 Trường THCS Mã Đà, nói chỉ trong vòng 1 tháng,  em đã đọc hết số lượng sách thiếu nhi có trong tủ sách cộng đồng. Muốn mua sách mới để đọc nhưng thấy cha mẹ còn khó khăn nên em không dám nói, chỉ mong có đợt sách mới chuyển về để em tiếp tục được đọc sách.

Trước nhu cầu đọc sách của người dân, nhiều đoàn thể xã hội của xã cũng thường xuyên tổ chức các đợt quyên góp sách báo cũ để bổ sung cho các tủ sách. Có một số giáo viên của Trường THCS Mã Đà, hàng ngày trước khi đến dạy tại các phân hiệu của trường ở các ấp đều mang theo những cuốn sách mượn từ thư viện ở cơ sở chính của trường cho học sinh đọc lúc ra chơi. Thầy giáo Lê Ngọc Hùng, Trường THCS Mã Đà chia sẻ, đọc sách là một thói quen tốt, rất hữu ích với mọi người, nhất là các học sinh, cần được tiếp tục duy trì, phát huy. Vì vậy, mong muốn có nhiều sách mới, sách hay để đọc là mong muốn chính đáng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa như Mã Đà”.

Văn Truyên

 

 

Tin xem nhiều