Báo Đồng Nai điện tử
En

Gắn mã QR cho di tích

09:03, 25/03/2023

Nhằm giúp người dân và khách tham quan có thêm những trải nghiệm về các di tích văn hóa, lịch sử, đoàn viên thanh niên trên địa bàn TP.Biên Hòa đã và đang sử dụng bảng mã QR giới thiệu, quảng bá các địa chỉ đỏ.

Nhằm giúp người dân và khách tham quan có thêm những trải nghiệm về các di tích văn hóa, lịch sử, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn TP.Biên Hòa đã và đang sử dụng bảng mã QR giới thiệu, quảng bá các địa chỉ đỏ.

Đoàn viên thanh niên P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) quét mã QR tại di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức. Ảnh: L.NA
Đoàn viên thanh niên P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) quét mã QR tại di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức. Ảnh: L.NA

Cùng với gắn mã QR thông tin cho di tích của ĐVTN, một số di tích trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục được xây dựng kế hoạch thực hiện tour tham quan thực tế ảo 360.

* Trải nghiệm quét mã QR

Bảng mã QR giới thiệu về di tích mộ Trịnh Hoài Đức (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) là công trình đầu tiên được Đoàn P.Trung Dũng đưa vào sử dụng vào tháng 3-2023 nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về địa chỉ đỏ thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Người dân, du khách và các em học sinh chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR thì mọi thông tin cần tìm kiếm về di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức sẽ hiện ra nhanh chóng và đầy đủ nhất.

Bí thư Đoàn P.Trung Dũng Bùi Thị Khánh Linh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành đoàn Biên Hòa, UBND P.Trung Dũng cùng chung tay trong chiến dịch chuyển đổi số. Ngoài việc thực hiện các tuyến đường không sử dụng tiền mặt, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Biên Hòa SmartCity…, Đoàn phường đã thực hiện công trình thanh niên quét mã QR tại các di tích trên địa bàn phường. Trong đó, Đoàn phường đã thực hiện ở 2 điểm là: Lăng mộ Trịnh Hoài Đức và Tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa.

“Hiện nay, hầu hết người dân, học sinh, ĐVTN đều sử dụng smartphone. Do đó, mã QR rất hữu ích, khi người dân, du khách đến các “địa chỉ đỏ”, chỉ cần dùng điện thoại để quét mã. Khi quét mã, trên điện thoại sẽ xuất hiện đường link, nhấp vào đó sẽ hiện lên những infographic mà Đoàn phường đã thiết kế, rất chi tiết, rõ ràng. Trên infographic, ngoài thông tin, còn có những hình ảnh bắt mắt, sinh động để người dân, du khách có thể thấy bao quát di tích” - chị Khánh Linh nói.

Mặc dù đã đến tham quan, dâng hương tại di tích mộ Trịnh Hoài Đức vài lần song với em Phan Huỳnh Minh Trí (học sinh lớp 9/7 Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa), trải nghiệm quét mã QR rất thú vị và bổ ích. Em có thể dễ dàng tìm hiểu các thông tin di tích ngay trước cổng ra vào.

Minh Trí chia sẻ: “Trước đây, đến di tích em thường được cô giáo và bác bảo vệ giới thiệu về danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức. Tuy nhiên, hiện có mã QR tại di tích giúp em hiểu nhiều hơn về danh nhân Đồng Nai, hiểu thêm về văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng như tính chính xác về giá trị lịch sử, kiến trúc của di tích”.

Ngoài P.Trung Dũng, Đoàn P.Long Bình cũng đang xây dựng kế hoạch gắn mã QR tại di tích mộ, đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa Hội. Việc làm này nhằm giúp người dân, nhất là ĐVTN địa phương nắm thông tin một cách đầy đủ nhất về di tích cũng như nhân vật lịch sử Đoàn Văn Cự - thủ lĩnh hội kín Thiên Địa Hội và 16 nghĩa binh tử vong trong trận tấn công của Pháp vào Bưng Kiệu năm 1905.

* Thực hiện tour tham quan thực tế ảo

Ngoài tour tham quan thực tế ảo di tích Văn miếu Trấn Biên, hiện Bảo tàng Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thực hiện tour tham quan 360 tại di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh). Đây là di tích khảo cổ học được phát hiện và khai quật vào năm 1927, thuộc loại hình mộ táng Dolmen độc đáo trong hệ thống di chỉ khảo cổ ở Việt Nam.

Di tích sẽ được số hóa 3D bằng các thiết bị chuyên dụng không tiếp xúc, ứng dụng công nghệ ảnh cầu, quét laser giúp chuyển đổi vật thể thực sang mô hình số với độ chính xác cao. Dữ liệu được xây dựng, xuất bản trên mọi nền tảng và trình duyệt của thiết bị thông minh. Các nội dung thực hiện gồm: số hóa 3D trên không, số hóa 3D dưới đất, số hóa hiện vật tiêu biểu thuộc di tích, video thuyết minh tại thực địa, điểm tương tác thông tin, thu âm và thuyết minh bằng tiếng Việt, tiếng Anh. Dự kiến, tour tham quan thực tế ảo di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2023.

Theo Bảo tàng Đồng Nai, việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các tour thực tế ảo 360 nhằm bảo tồn, phát huy, nâng tầm giá trị di sản, hiện vật của di tích. Các tour tham quan thực tế ảo không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách khi tới tham quan di tích, khuyến khích họ tự khám phá, trải nghiệm, tạo sự gắn kết cộng đồng mà qua đó còn góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Ly Na

Tin xem nhiều