Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã hội hóa tổ chức hoạt động lễ hội

07:11, 26/11/2022

Huy động cộng đồng cùng tham gia tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật… tại hệ thống di tích đã và đang trở thành việc làm thường xuyên và hiệu quả của Đồng Nai.

Huy động cộng đồng cùng tham gia tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật… tại hệ thống di tích đã và đang trở thành việc làm thường xuyên và hiệu quả của Đồng Nai.

Lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu năm 2022 được địa phương hỗ trợ để tổ chức. Ảnh: L.Na
Lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu năm 2022 được địa phương hỗ trợ để tổ chức. Ảnh: L.Na

Các lễ hội không chỉ mang đến sự đa dạng, phong phú trong sinh hoạt văn hóa tinh thần mà còn góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ người dân và du khách tham quan.

* Huy động từ sức dân…

TP.Biên Hòa có số lượng lễ hội được tổ chức hằng năm khá nhiều với hơn 70 lễ hội (dân gian, truyền thống, văn hóa thể thao…), trong đó phần lớn là các lễ hội truyền thống được tổ chức tại các đình, miếu. Trong điều kiện nguồn ngân sách thành phố còn hạn hẹp, sự đồng hành của cộng đồng dân cư huy động các nguồn lực tổ chức các hoạt động lễ hội có ý nghĩa rất lớn. Nguồn lực ấy không chỉ là kinh phí mà còn là công sức, trí tuệ, sự tham gia tích cực... một cách tự nguyện của nhân dân.

Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân Lâm Văn Lang cho biết: “Không chỉ năm nay mà hầu như các năm đình đều tổ chức lễ hội đình Tân Lân vào ngày 22 và 23-10 âm lịch. Trong lễ hội có nhiều hoạt động như: khai kinh cầu cho quốc thái dân an; tổ chức dâng hương, cung thỉnh sắc ông đi chu du, lễ thỉnh sanh, lễ tiên yết; biểu diễn lân sư rồng, biểu diễn hát bội… Ban quý tế đình và bà con địa phương thành tâm đóng góp công sức, tài vật để giữ gìn và phát huy giá trị hoạt động lễ hội theo đúng phong tục từ xưa đến nay. Mỗi người mỗi công việc, đảm bảo lễ hội diễn ra trang trọng, ý nghĩa và an toàn”.

Sở VH-TTDL đã ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội. Sở đề nghị phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân; đảm bảo an toàn, tiết kiệm, không phô trương; phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Thanh tra Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.

Vào mỗi dịp đầu Xuân (từ mùng 4 đến Rằm tháng Giêng âm lịch), tại TP.Biên Hòa diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Đồng Nai. Lễ hội đua thuyền thu hút khá đông các xã, phường trên địa bàn tỉnh như: Long Hưng, An Hòa, Long Bình Tân, Tân Mai (TP.Biên Hòa); Bình Hòa, Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) và một số địa phương của tỉnh Bình Dương… tham gia. Không chỉ tái hiện những nét văn hóa dân gian mà lễ hội còn mang tính nhân văn rất sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, thể thao. Kinh phí tổ chức lễ hội phần lớn được vận động từ nguồn xã hội hóa.

Ngoài TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch cũng là địa phương có nhiều lễ hội được tổ chức hằng năm (80 lễ hội/năm). Trong tháng 10, 11 và 12 âm lịch lần lượt các đình, miếu như: đình Phước Thọ (xã Long Thọ); đình Phú Mỹ (xã Phú Hội); đình Phước Thiền (xã Phước Thiền); đình Mỹ Khoan (xã Hiệp Phước); miếu Bà Trường (xã Phước An); miếu Rạch Bàng (xã Phước Khánh)… đều tổ chức lễ hội kỳ yên. Việc huy động các nguồn lực từ người dân được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác, tạo cơ hội cho tất cả mọi người cùng tham gia, làm sống lại các giá trị truyền thống của văn hóa lễ hội.

H.Trảng Bom mỗi năm có 6 lễ hội truyền thống tại các đình, miếu và 2 lễ hội văn hóa, thể thao được tổ chức. Ông Nguyễn Văn Tuấn, thành viên Ban Quý tế miếu Bà Chúa xứ (xã Hưng Thịnh) cho biết, để duy trì hoạt động của miếu Bà và tổ chức lễ hội kỳ yên hằng năm, Ban quý tế đi đầu đóng góp vật chất, công sức, đồng thời kêu gọi bà con cùng chung tay. Người dân ở địa phương hưởng ứng rất tích cực. Mọi hoạt động đóng góp được Ban quý tế công khai minh bạch nên tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao.

* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Tuy nhiên, không phải lễ hội nào trên địa bàn tỉnh cũng có thể dễ dàng huy động xã hội hóa, trong đó phải kể đến các lễ hội: Sayangva của đồng bào Chơro ở H.Vĩnh Cửu, TP.Long Khánh, H.Thống Nhất; Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng ở H.Định Quán…

Lễ hội đình Tân Lân, P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa được tổ chức ngày 23, 24-10 âm lịch hằng năm được thực hiện từ nguồn xã hội hóa
Lễ hội đình Tân Lân, P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa được tổ chức ngày 23, 24-10 âm lịch hằng năm được thực hiện từ nguồn xã hội hóa

Chính vì vậy, theo Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung, vài năm trở lại đây, huyện đã chủ động kết nối, hỗ trợ các địa phương, giúp đồng bào khôi phục, bảo tồn các giá trị truyền thống, tổ chức các hoạt động (phần lễ và phần hội) vừa lành mạnh, phát huy được bản sắc văn hóa, vừa an toàn, tiết kiệm.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, việc kêu gọi xã hội hóa và để người dân được tham gia vào tổ chức các hoạt động lễ hội cũng chính là cách đưa lễ hội trở về giá trị ban đầu của nó. Bởi các lễ hội được hình thành từ cộng đồng, nó phải sống trong cộng đồng, phục vụ cho chính lợi ích của cộng đồng, của người dân. Sự tham gia tự nguyện của các tầng lớp nhân dân vào tổ chức hoạt động lễ hội đã và đang góp phần phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục tốt đẹp của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

“Lễ hội nào cũng có tính thiêng, bởi không thiêng người dân không tổ chức lễ hội. Chính vì tính thiêng của lễ hội nên cộng đồng dân cư có ý thức chung tay, góp sức tổ chức. Đa phần các lễ hội đều được xã hội hóa. Thông thường, các lễ hội truyền thống diễn ra vào dịp đầu Xuân, do vậy chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội” - ông Ân nhấn mạnh.

Ly Na

Tin xem nhiều