Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình

03:11, 25/11/2022

Thống kê của 11 huyện, thành phố, giai đoạn 2018-2021, toàn tỉnh xảy ra 503 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ); đã xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó có 4 vụ đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra án mạng, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ từ 16-59 tuổi và trẻ em.

Thống kê của 11 huyện, thành phố, giai đoạn 2018-2021, toàn tỉnh xảy ra 503 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ); đã xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó có 4 vụ đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra án mạng, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ từ 16-59 tuổi và trẻ em.

TP.Long Khánh xây dựng tiểu phẩm phòng, chống bạo lực gia đình tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng năm 2022
TP.Long Khánh xây dựng tiểu phẩm phòng, chống bạo lực gia đình tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng năm 2022. Ảnh: L.NA

Bên cạnh xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ, Đồng Nai đã có nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống BLGĐ.

Vẫn còn tình trạng BLGĐ

Mặc dù số vụ BLGĐ đã giảm nhiều so với trước đây nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…, nhưng thời gian qua trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn xảy ra tình trạng BLGĐ. Theo Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa, đến cuối năm 2021, thành phố đã xảy ra 12 vụ BLGĐ; trong đó chủ yếu là nạn nhân nữ trong độ tuổi từ 16-59 (7 vụ bạo lực tinh thần và 5 vụ bạo lực thể chất). Có 7 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính, 5 vụ đưa ra góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư.

Đồng Nai hiện có khoảng 3,2 triệu người với 720 ngàn hộ gia đình. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có gần 1 triệu công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp. Thực tiễn ấy ít nhiều có những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình.

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa Trần Thị Chung cho biết: “Để thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ, thành phố đã duy trì hiệu quả hoạt động và nhân rộng các mô hình CLB gia đình. TP.Biên Hòa hiện có 155 CLB gia đình với gần 4 ngàn hộ gia đình tham gia; thành lập và duy trì 200 tổ, nhóm phòng, chống BLGĐ, hơn 200 đường dây nóng hoạt động liên tục với hơn 1,3 ngàn thành viên ở khu phố, ấp tham gia; 30 điểm tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ tại các trạm y tế xã, phường và 200 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với hơn 1 ngàn thành viên”.

Tại H.Vĩnh Cửu, tính đến cuối năm 2021, toàn huyện đã phát hiện 1 vụ BLGĐ về thân thể; người gây bạo lực đã được tư vấn góp ý và xử phạt hành chính theo quy định. Hiện nay, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, 63/63 ấp, khu phố thành lập nhóm phòng, chống BLGĐ và điểm tạm lánh là trạm y tế của 12 xã, thị trấn; duy trì hoạt động của 179 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, nhân rộng được 48 CLB gia đình (trong đó có 3 CLB Nam giới nói không với BLGĐ). Ngoài ra, xã Tân An thành lập được CLB Tư vấn tiền hôn nhân và tư vấn sức khỏe vị thành niên, thanh niên; thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình và các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho nhân dân.

Trong 5 năm (từ 2018-2022), toàn tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình; cấp phát hơn 10 ngàn tài liệu có nội dung phòng, chống bạo lực về cơ sở. Bên cạnh đó, Đồng Nai đã đưa vào sử dụng phần mềm thu thập số liệu gia đình và phòng, chống BLGĐ trực tuyến  http://giadinhdongnai.gov.vn. Tuy nhiên, theo TAND tỉnh và Công an tỉnh, từ năm 2017 đến tháng 6-2022, số vụ tòa án xử ly hôn xuất phát từ BLGĐ khá cao, toàn tỉnh có hơn 9,4 ngàn vụ. Hơn 1,6 ngàn vụ án liên quan đến gia đình và BLGĐ, trong đó đã xử lý hình sự 38 vụ (17 vụ giết người, 16 vụ cố ý gây thương tích và 5 vụ hiếp dâm).

Nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực

Tháng 9-2022, Sở VH-TTDL đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ. Về những quy định chung, tại Điều 3, Sở đề nghị bổ sung thêm các hành vi BLGĐ, cụ thể: Bạo lực trên không gian mạng, hành vi cưỡng ép hôn nhân cận huyết thống; hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo biến tướng để gây bạo lực. Về bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ, tại Điều 40 đề nghị nên tính tới các phương án khác nhau như việc tổ chức các trung tâm hỗ trợ, mô hình trợ giúp người bị BLGĐ gắn với các hội, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên… để không phải lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập.

H.Định Quán xây dựng tiểu phẩm phòng, chống bạo lực gia đình tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng năm 2022
H.Định Quán xây dựng tiểu phẩm phòng, chống bạo lực gia đình tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng năm 2022

Ngày 26-10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) và thông qua vào ngày 14-11. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023. Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) được dư luận xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm; được đánh giá mang tính nhân văn, bảo vệ các thành viên yếu thế và hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc.

Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, Ngày thế giới Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25-11 và Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, Sở phối hợp với Công đoàn Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai và Công ty TNHH Pousung Việt Nam tổ chức tọa đàm Trang bị kỹ năng và tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình cho công nhân. Đây cũng là điểm mới và ngành sẽ tiếp tục duy trì hình thức này để có thể trang bị cho công nhân những kiến thức cơ bản về tình yêu, hôn nhân - gia đình, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Ngoài ra, Sở đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan và qua các phương tiện thông tin từ tỉnh đến cơ sở.  

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích