Báo Đồng Nai điện tử
En

Làn gió mới trong bảo tồn, quảng bá di sản

03:07, 05/07/2022

Hiện nay, công nghệ số đang là xu hướng nổi bật trên thế giới. Không đứng ngoài xu thế chung, thời gian qua, Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh số hóa hàng ngàn hiện vật, ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Hiện nay, công nghệ số đang là xu hướng nổi bật trên thế giới. Không đứng ngoài xu thế chung, thời gian qua, Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh số hóa hàng ngàn hiện vật, ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa) được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn sau khi ứng dụng công nghệ thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo
Di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa) được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn sau khi ứng dụng công nghệ thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo. Ảnh: L.NA

* Tăng cường ứng dụng công nghệ

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, hiện nay Bảo tàng Đồng Nai đã số hóa hơn 8,5 ngàn hiện vật trong tổng số hơn 20 ngàn hiện vật quý về khảo cổ học, dân tộc học, động thực vật, hiện vật cách mạng, băng đĩa về các loại hình lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng… Đặc biệt, Bảo tàng Đồng Nai đã số hóa 3D các bảo vật quốc gia năm 2021 gồm: tượng thần Vishnu Bình Hòa, bộ sưu tập Qua đồng Long Giao. Trong năm 2022, sẽ tiếp tục số hóa bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa và tượng Nam thần trước khi được công nhận bảo vật quốc gia năm 2022.

Phát huy những kết quả đạt được, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2030 có 100% di tích quốc gia đặc biệt, 70% di tích quốc gia và 50% di tích cấp tỉnh được số hóa, 100% bảo vật quốc gia, 50% hiện vật tại Bảo tàng Đồng Nai được số hóa; nâng cấp các di tích quốc gia và liên kết thành chuỗi phát triển du lịch văn hóa.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Bảo tàng Đồng Nai sẽ ứng dụng công nghệ vào thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo (360 Virtual Tour) tại di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên. Bên cạnh đó, bảo tàng còn phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai thực hiện nhiều phim tư liệu, phát trên sóng truyền hình như: phim văn nghệ dân gian dân tộc Tày ở Đồng Nai; phim giới thiệu di tích đình Phước Lư, TP.Biên Hòa; các phim về văn hóa phi vật thể (nghề làm võng mây của người Chơro; canh bồi trong đời sống của dân tộc Mạ); phim giới thiệu bảo vật quốc gia…

Hiện trên website của Bảo tàng Đồng Nai, ngoài giới thiệu đến người dân và du khách các phòng trưng bày, triển lãm, các thông tin khoa học nghiên cứu lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, còn tăng cường đưa các phim tài liệu về di sản Đồng Nai. Trong giai đoạn (2020-2025), bảo tàng thực hiện lấy bản đồ GIS các di tích khảo cổ học tại 11 huyện, thành phố, viết phần mềm quản lý và quy trình xuất, nhập dữ liệu cho bản đồ GIS khảo cổ học và đưa vào sử dụng.

Cũng trong năm 2022, bảo tàng lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích ở 2 huyện: Tân Phú và Định Quán (tổng cộng có 20 di tích khảo cổ lập hồ sơ thông tin, trong đó H.Định Quán có 16 di tích và H.Tân Phú có 4 di tích). Một số di tích có tên trong tư liệu lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai nhưng chưa được khảo sát hoặc không tìm được địa điểm như các di tích: Ba Cần, Cây Xăng, Đồng Bà Đỏ, Phú Cát, Phú Cường, Trung Hiệp, Suối Nhàn, Suối Lu, Suối Nho, Tân Lập, Cây số 18 ở H.Định Quán; Đồng Bái ở H.Tân Phú.

Tại các di tích lập hồ sơ thông tin, có 2 di tích đã khai quật và 7 di tích chưa được khai quật. Tuy nhiên, các di tích chưa đủ dữ liệu cần phải xác định thêm, bao gồm xác định tọa độ, niên đại, chủ nhân của di tích; đánh giá đặc điểm, loại hình đặc trưng của hiện vật thuộc di tích… Việc lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ học làm cơ sở để giúp những người làm công tác quản lý thu nhận và quản lý thông tin hiệu quả, chính xác. Qua đó, thực hiện tốt hơn quy hoạch khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

* Tăng khả năng kết nối điểm đến

Những năm gần đây, việc sử dụng công nghệ đang trở thành công cụ hữu hiệu trong việc gắn kết, đặc biệt với giới trẻ. Không chỉ Bảo tàng Đồng Nai mà nhiều trường học như: Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai, Trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân (TP.Biên Hòa)… đã ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng các video clip, các bản đồ về di tích (địa điểm di tích) cho học sinh trải nghiệm tham quan thực tế di tích trực tuyến. Các hoạt động đang tạo ra làn gió mới, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập.

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai Vũ Thị Ni Na cho hay, việc thực hiện các video clip về một số điểm đến của các di tích trên địa bàn tỉnh được nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua, thu hút đông đảo học sinh hưởng ứng. Việc làm này không chỉ góp phần làm tăng tính trực quan, giúp các em học sinh hiểu hơn về lịch sử, di sản văn hóa Đồng Nai mà qua đó còn quảng bá hình ảnh thông qua mạng xã hội mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ, kết nối gần hơn với học sinh.

Bên cạnh những ưu điểm, khó khăn hiện nay trong số hóa và ứng dụng công nghệ theo các chuyên gia là vấn đề bản quyền sau khi di sản được số hóa và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, nhờ ứng dụng công nghệ mà di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang ngày càng tăng khả năng kết nối, phát triển du lịch, bắt kịp xu thế, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng công nghệ, số hóa di sản không chỉ giải quyết vấn đề trải nghiệm từ xa cho người dân và du khách mà còn nâng cao giá trị của điểm đến.

Ly Na

Tin xem nhiều