Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân khấu hóa tuyên truyền công tác gia đình

10:10, 22/10/2021

Dịch Covid-19 bùng phát khiến cho nhiều hoạt động trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực đều tạm hoãn.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến cho nhiều hoạt động trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực đều tạm hoãn.

Nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trích đoạn kịch ngắn Mưu hèn kế bẩn. Ảnh: L.Na
Nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trích đoạn kịch ngắn Mưu hèn kế bẩn. Ảnh: L.Na

Để chủ động tuyên truyền các hoạt động trong công tác gia đình, Sở VH-TTDL đã phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thực hiện các kịch bản sân khấu đưa về phục vụ ở cơ sở. Hoạt động này vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật vừa nâng hiệu quả công tác gia đình trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

* Hình thức tuyên truyền sáng tạo

Sau khi Đồng Nai kết thúc giãn cách xã hội, trở về trạng thái bình thường mới, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã ghi hình các trích đoạn sân khấu đề tài về gia đình và phòng, chống bạo lực. Trong đó nổi bật có 2 kịch bản là: Mưu hèn kế bẩn Đừng nói lời cay đắng (tác giả Hoàng Tiến Điểm) mang đến những câu chuyện được xã hội quan tâm. Lồng ghép trong mỗi kịch bản là những chủ trương của Ðảng và pháp luật của Nhà nước vốn khô cứng nhưng được truyền tải đến người xem một cách sinh động. Đặc biệt, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời thoại dí dỏm với các hoạt cảnh giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ.

Ngoài xây dựng các trích đoạn kịch ngắn về đề tài gia đình, phòng chống bạo lực, Sở VH-TTDL đã phát động cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc (từ tháng 6-2021) cho các tác giả chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác phát động và triển khai cuộc thi, Ban tổ chức đã gia hạn thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 10-11.

Đặt thẳng những vấn đề ứng xử giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, trách nhiệm của từng thành viên trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cũng như luật phòng, chống bạo lực, kịch bản Đừng nói lời cay đắng kể về câu chuyện gia đình Bơm và Vá. Vì giúp đỡ người quen của chồng trong lúc say rượu té xỉu ở ngoài đường mà Vá bị những người xung quanh đồn thổi chuyện ngoại tình. Từ đây, gia đình Vá trở nên lục đục, vợ chồng bất hòa. Những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình cứ thế dần lớn lên, để rồi khi không thể chịu đựng được, Vá có ý định kết thúc bằng cách lao nhanh ra đường…

Kịch bản Mưu hèn kế bẩn kể câu chuyện về gia đình ông Kế - bà Hoạch, họ sống ở vùng nông thôn. Chỉ vì sinh con một bề (con gái) nên bà Hoạch (cán bộ văn hóa xã) chịu nhiều cười chê của hàng xóm. Trong một lần ông Mưu - hàng xóm ông Kế qua chơi đã “hiến kế” để gia đình ông Kế có thể sinh thêm con thứ ba bằng cách lách luật là vợ chồng ly hôn giả hoặc xin giấy chứng nhận giả một trong hai con gái của ông Kế bị bệnh tâm thần. Bi kịch của câu chuyện chỉ được giải quyết khi con gái lớn ông Kế biết kế hoạch của cha, lập mưu “giả vờ tự tử”.

Tác giả Hoàng Tiến Điểm cho biết: “Với Mưu hèn kế bẩn, tôi có ý tưởng từ những chuyến đi thực tế cách đây nhiều năm. Khi Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đặt vấn đề cho kịch bản đề tài gia đình và phòng, chống bạo lực ông đã viết liền mạch trong nhiều ngày. Những câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng xuất hiện nhiều trong cuộc sống đời thường. Lồng ghép trong các kịch bản là những bài học sâu sắc, đầy tính nhân văn nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay phòng, chống bạo lực, xây dựng gia đình văn hóa, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

* Góp phần phòng, chống bạo lực gia đình

Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc xây dựng các kịch bản sân khấu là cần thiết trong công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực nói riêng. Hầu hết những câu chuyện được sân khấu hóa phản ánh được những góc khuất trong đời sống hằng ngày mà các gia đình đã, đang gặp phải. Theo Sở VH-TTDL, các kịch bản sân khấu sau khi được ghi hình sẽ được chuyển về cơ sở để các địa phương trong tỉnh tuyên truyền đến người dân, giúp họ nắm bắt được kiến thức, pháp luật để thực hiện đúng.

Theo NSƯT Đồng Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, để ghi hình kịp thời các vở kịch, trong thời điểm dịch bùng phát, nghệ sĩ của nhà hát chia vai, tự luyện tập ở nhà. Sau khi hết giãn cách, nhà hát đã tổ chức ghi hình nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch an toàn. Nhà hát kỳ vọng thông qua những câu chuyện thực tế, các vở kịch không chỉ là món ăn tinh thần cho người dân mà qua đó lan tỏa thông điệp về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Cùng với hình thức sân khấu hóa, thời gian qua Sở VH-TTDL đã đẩy mạnh tuyên truyền công tác gia đình thông qua cổ động trực quan, treo pano, băng rôn, phát tờ rơi về tận các ấp khu phố, khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời duy trì chuyên mục Góc tư vấn gia đình trên website của Sở, hoạt động 24/24 giờ kịp thời cung cấp thông tin và hỗ trợ tư vấn pháp lý về phòng, chống bạo lực. Ngoài ra, Sở cũng trang bị 28 bảng nội quy khu nhà trọ văn hóa năm 2021 cho 28 khu nhà trọ tại các huyện, thành phố; trang bị 300 bộ đồng phục cho các nhóm phòng, chống bạo lực, 30 tủ sách và 570 đầu sách cho các câu lạc bộ gia đình trên địa bàn tỉnh…

Ly Na

Tin xem nhiều