Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọng lại một tấm lòng

10:10, 08/10/2021

Anh hùng lao động, GS Vũ Khiêu đã vĩnh biệt nhân thế vào ngày 30-9-2021, đại thọ 106 tuổi. Đương khi phải giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai không dự tang lễ được, viếng tang bằng vòng hoa thương tiếc.

Anh hùng lao động, GS Vũ Khiêu đã vĩnh biệt nhân thế vào ngày 30-9-2021, đại thọ 106 tuổi. Đương khi phải giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai không dự tang lễ được, viếng tang bằng vòng hoa thương tiếc.

GS Vũ Khiêu thăm lại Văn miếu Trấn Biên ngày 3-7-2012. Ảnh: Thanh Thúy
GS Vũ Khiêu thăm lại Văn miếu Trấn Biên ngày 3-7-2012. Ảnh: Thanh Thúy

Còn nhớ, ngày 3-7-2012, giáo sư ở tuổi 96 vào thăm lại Đồng Nai và Bình Dương, Báo Đồng Nai có đăng bài Anh hùng lao động, Giáo sư Vũ Khiêu: Tỏa sáng một nhân cách lớn (tác giả Hà Lam, số ra ngày 4-7-2012). Nay, người đã về với thế giới người hiền, nhân cách lớn ấy vẫn tỏa sáng, đọng lại, sâu nặng ân tình.

* Trí tuệ lớn, nhà văn hóa lớn

GS Vũ Khiêu thuộc dòng họ Đặng Vũ, sinh ngày 19-9-1916 ở làng Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Hồng, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945, là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, từng trải qua các nhiệm vụ: Phó giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam); đóng góp cho xã hội rất nhiều công trình khoa học đỉnh cao;  được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1996), Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2016), Công dân ưu tú Hà Nội (năm 2010). Đặc biệt là cặp câu đối do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng dịp mừng thọ năm 2011: “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng”.

GS Vũ Khiêu là tấm gương học tập, lao động, nghiên cứu, cống hiến, phụng sự đất nước, thực là hiền tài của nguyên khí quốc gia. Nhiều công trình quan trọng được hình thành trong những năm tháng giáo sư sống trong điều kiện kham khổ nhất tại ngôi nhà cấp 4 chỉ hơn 20m2, với sức lao động trung bình hơn 16 tiếng mỗi ngày. Thường nhật, ngày nào cũng đọc và viết, còn sức còn viết: miệt mài, cẩn trọng, khiêm cung.

Nhớ có lần, giáo sư nói: “Dẫu thế nào, lòng tôi vẫn đọng lại ở vùng đất gian lao mà anh dũng này”. Đúng vậy, GS Vũ Khiêu ơi! Thân về cát bụi, tấm lòng giáo sư vẫn đọng lại ở Đồng Nai, với người Đồng Nai!

Giáo sư đã biên soạn hơn 30 bộ sách, tham gia biên soạn hơn 30 công trình khác, trong đó nhiều tác phẩm khiến đồng nghiệp và học trò kính nể: Đẹp (năm 1963), Anh hùng và nghệ sĩ (năm 1972), Cách mạng và nghệ thuật (năm 1979), Bàn về văn hiến Việt Nam (3 tập, 1.500 trang). Ở tuổi trên 90, ông còn tham gia nòng cốt trong việc nghiên cứu xuất bản bộ sách đồ sộ Nghìn năm văn hiến Thăng Long, trong đó ông trực tiếp biên soạn tập 3 với hơn 600 trang.

Đặc biệt, GS Vũ Khiêu là bậc thầy kỳ tài về viết phú, văn tế, văn bia, liễn đối. Rất nhiều áng văn bất hủ được tạc bia ở các công trình lịch sử văn hóa truyền đời. Khởi đầu, cảm động nhất là bài văn tế Truy điệu những lương dân chết đói (tháng 5-1945) tưởng niệm đồng bào chết đói năm Ất Dậu.

Tiếp đến là Văn tế anh hùng liệt sĩ Cách mạng Tháng Tám, Chúc văn Lễ hội đền Hùng… Nhiều đền thờ anh hùng liệt sĩ như: Đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Đài liệt sĩ Tây Ninh, Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ (Hoa Lư), bài minh trên chuông xã Bát Tràng… Có lúc, giáo sư lao tâm kỳ công đến kiệt sức.

 Tại Đồng Nai và Bình Dương, văn bia của GS Vũ Khiêu được trân trọng khắc ghi ở bia đá Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa), Đền liệt sĩ Long Khánh, Di tích lịch sử cách mạng Mạch Máng (Bình Dương). Nhiều câu chữ, cặp đối là quà tặng được đồng nghiệp, học trò, người thân xem là bảo vật.

Các bài văn bia, thơ phú, liễn đối là thể cổ văn rất khó đã được giáo sư thực hiện theo phong cách truyền thống và hiện đại, có chiều sâu lịch sử và tầm cao văn hóa, khái quát và cụ thể, tiêu biểu và đặc sắc; kết tinh trí tuệ và tâm hồn của tác giả, có tính giáo dục cao, khai sáng tâm trí và lay động lòng người. Người ta có thể nhận thấy trong mỗi câu chữ ngắn dài của giáo sư đều đọng tấm lòng và tình yêu thương con người trong đó. Điều này, nghiệm thấy trong việc giáo sư viết các văn bia ở Đồng Nai và Bình Dương.

* Bao dung với người, tận tâm với việc

Khi nói về văn hóa, người ta thường nhắc câu của danh nhân người Pháp Edouard Herriot: Văn hóa là cái còn lại sau khi những thứ khác đã mất đi. Mọi người đều hiểu: mọi thứ qua đi, tình người đọng lại. Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp GS Vũ Khiêu với văn bia ở Văn miếu Trấn Biên.

Còn nhớ, khi Văn miếu Trấn Biên được phục dựng, cần có một văn bia xứng tầm. Nhiều phương án đã được nêu. Năm 2000, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Hoàng Quân cử các đồng chí Huỳnh Văn Tới (Phó chủ tịch UBND tỉnh) và Đinh Quốc Thái (lúc đó là Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa) đi Hà Nội nhờ GS Vũ Khiêu. Giáo sư tiếp đón niềm nở, trao lời cẩn trọng, cân nhắc nhiều điều, sau mới nhận lời, đề nghị có thời gian nghiên cứu.

Mấy tháng vắng tin, không ai dám nhắc, rất sợ “chìm xuồng”. Không ngờ, giáo sư đêm ngày tra cứu, trăn trở ý tứ. Đến khi có ý có tứ, giáo sư nhắn tin đón, đưa giáo sư đi khảo sát thực trạng. Tỉnh ủy Đồng Nai tiếp đón như thượng khách, GS Vũ Khiêu đến Đồng Nai như về nhà. Giáo sư đến Văn Miếu, lẳng lặng quan sát, trầm trầm câu hỏi. Lúc đó, các công trình Văn miếu đã xây, bia đá đang chờ văn bia, nội thất bái đường đang chờ chữ nghĩa. Rồi giáo sư trở về Hà Nội, chẳng nói gì về văn bia. Lại thêm sợ, thêm nóng lòng chờ.

Giữa năm 2000, lại đón giáo sư vào. Trở lại Văn miếu, GS Vũ Khiêu xem kỹ vân đá, lần tay đo thử mặt bia, yên lòng mọi thứ rồi mới cẩn trọng lấy trong túi áo bản thảo văn bia đã chuẩn bị. Mọi người thở phào. Giáo sư dặn kỹ, khoan vội khắc bia, cần lấy ý kiến nhân dân; tiếp thu ý kiến, thông qua tập thể lãnh đạo rồi mới dán decal, tiếp tục lấy ý kiến, sau cùng mới khắc vào đá.

Có nhiều ý kiến phản biện nặng lời, sợ giáo sư động lòng trắc ẩn. Nhưng, bằng lời trầm ấm, giáo sư ôn tồn: Lời của người ta góp ý thì ta phải trân trọng, hợp lý thì ta tiếp thu, không hợp thì ghi nhận, giải trình. Lời ấy, nếu không có lòng bao dung, vị tha thì không thốt ra được. Lần thứ ba, giáo sư lại đến, rà soát từng dấu chấm câu xem đã chuẩn chưa, đã tiếp thu sửa chữa chưa. Sau đó, bia mới được khánh thành vào dịp sinh nhật Bác Hồ 19-5-2002.

Các câu chữ, liễn đối ở bia Khổng Tử, bái đường đều như vậy. Vừa kiểm tra chi tiết, ông vừa giải thích ý nghĩa. Nhờ vậy mới hiểu chiều sâu và giá trị văn hóa của chữ VĂN và cặp đối 5 chữ mang tư tưởng Hồ Chí Minh ở nhà bia Khổng Tử (Học nhi thời tập chi. Bất học bất tri lý). Văn hóa là cốt lõi của cuộc sống. Sự học là thước đo, là mục đích, là động lực của con người.

Khi viết văn bia khắc ghi ở Di tích lịch sử cách mạng Mạch Máng/Suối Sọ tại Dĩ An, Bình Dương (năm 2008), ở Đền thờ liệt sĩ Long Khánh (năm 2015), GS Vũ Khiêu cũng thể hiện bằng tấm lòng và sự tận tụy như vậy. Khi tiếp xúc với nhà văn hóa lão thành Vũ Khiêu, ta thấy ấm áp tấm lòng của một hiền nhân tràn đầy lòng yêu thương con người, bao dung vị tha với người và việc lầm lỗi.

Năm 2012, giáo sư về thăm lại Văn miếu Trấn Biên, giáo sư vẫn trang trọng với từng câu chữ lưu bút tâm huyết của mình, run run tay bút tặng chữ cho đồng chí Đinh Quốc Thái, Nguyễn Thị Lệ Hồng, Trần Đăng Ninh. Thăm lại tỉnh Bình Dương, GS Vũ Khiêu rưng rưng trước di tích Suối Sọ như lắng lòng cùng các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đây. Trao đổi cùng đồng chí Nguyễn Minh Triết - nguyên Chủ tịch nước và cán bộ tỉnh Bình Dương, giáo sư mở lòng như người anh, người thầy mẫu mực.

Với vùng đất Đồng Nai, Bình Dương thuộc Biên Hòa xưa, ngoài việc chung, GS Vũ Khiêu còn có tình cảm gia đình nồng thắm. Đầu thế kỷ XX, người cha vợ tên là Nguyễn Xuân Sách (sinh năm 1890) và anh rể rời quê hương Nam Định vào Biên Hòa cũ làm phu đồn điền, biệt tăm. Hiếu tử Đặng Vũ Khiêu là người gồng gánh đại gia đình còn lại ở quê hương. Cha vợ bệnh mất năm 1940, mộ được GS Vũ Khiêu tìm ra ở Bình Dương. Anh rể cả là đồng chí Nguyễn Văn Khương tham gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh ở Tân Uyên. Con cháu thuộc họ Đặng Vũ còn ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu rất nhiều. Mỗi lần vào Nam, giáo sư thăm mộ người thân, sum vầy con cháu, ấm tình gia đình. Có một nhà thờ họ Vũ Võ phương Nam đặt tại H.Long Thành - Đồng Nai xem GS Vũ Khiêu là thành viên danh giá. Từ đường này, ắt có hình thức truy điệu và thờ cúng GS Vũ Khiêu.

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều