Báo Đồng Nai điện tử
En

Bức tranh sống động về vùng đất, con người Đồng Nai

10:10, 29/10/2021

Hoàng Ngọc Điệp và Trâm Oanh là 2 "cây bút" của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được bạn đọc trong và ngoài tỉnh biết đến với nhiều sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Hoàng Ngọc Điệp và Trâm Oanh là 2 “cây bút” của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được bạn đọc trong và ngoài tỉnh biết đến với nhiều sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Tập tản văn Đến đây thì ở lại đây của tác giả Hoàng Ngọc Điệp và Trâm Oanh do NXB Đồng Nai ấn hành
Tập tản văn Đến đây thì ở lại đây của tác giả Hoàng Ngọc Điệp và Trâm Oanh do NXB Đồng Nai ấn hành

Mới đây nhất, 2 tác giả đã có sự kết hợp ăn ý để cùng ra mắt tập tản văn viết về vùng đất và con người Biên Hòa - Đồng Nai với tên gọi: Đến đây thì ở lại đây. Sách do NXB Đồng Nai ấn hành tháng 10-2021.

* “Lát cắt” sinh động về tình đất, tình người

Đến đây thì ở lại đây ngoài lời tựa thì có 22 bài viết (17 bài của tác giả Hoàng Ngọc Điệp; 5 bài của tác giả Trâm Oanh) với những tư liệu, cảm nhận, tình cảm… mà các tác giả gửi đến người đọc. Chỉ hơn 200 trang, người đọc có thể đọc bất cứ bài nào mà không cần theo trật tự từ đầu đến cuối. Mỗi một bài viết là một hoặc một vài câu chuyện được hai tác giả ghi lại một cách chân thực những nét tiêu biểu nhất tại các địa phương mình đặt chân đến. Tất cả mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống, của con người...

Câu chữ trong tập tản văn gọn gàng, ấm áp tình cảm, giọng văn giản dị, chân chất mà phóng khoáng. Đặc biệt, cái “tài nổi bật” của hai tác giả vẫn là kể chuyện. Đó là những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của con người Đồng Nai quê mình. Từ chuyện lần đầu đặt chân lên vùng đất Biên Hòa những năm 1980, chuyện thời bao cấp; chuyện cha, con và cây ca cao; những con người xóm nhà sàn ở La Ngà, H.Định Quán đến chuyện những ngọn núi và cánh đồng… Những chuyện thường ngày đó thôi, không có gì to tát thế nhưng lại đi vào tác phẩm tự nhiên và rất duyên.

Bởi sức nặng trong những câu chuyện kể là tình cảm, yêu thương trân trọng được thể hiện đúng lúc, đúng nơi nên trở thành đặc biệt. Nhiều bài viết còn bày tỏ quan điểm, cách nghĩ, cách cảm nhiều chiều cùng sự trân trọng và trăn trở về những cái đang còn và cả những cái đã mất. Chẳng hạn, tác giả Hoàng Ngọc Điệp viết về vùng đất cù lao Phố: “Bên sông, nhiều giá trị đã trôi vào dĩ vãng. Nhưng những địa danh thân thương với người Biên Hòa như Bình Qưới, bến đò Kho, rạch lò gốm… thì vẫn trường tồn. Những chủ nhân mới của cù lao Phố đến từ bốn phương tám hướng, sống quần tụ, hòa quyện làm nên sự đa sắc trong lối sống, văn hóa xứ cù lao”.

Kể câu chuyện cộng đồng người con đất Việt lưu lạc, tha hương rồi cùng về lại cố hương để làm ăn sinh sống, lập thành nhiều xóm Việt kiều ở H.Định Quán, H.Vĩnh Cửu, tác giả Trâm Oanh bày tỏ cảm xúc: “Tôi thương về những phận người tha hương, về tấm lòng bao dung của đất mẹ luôn dang tay, đón nhận và chở che những đứa con trở về”. Hay nhắc đến những cây cầu, tác giả Trâm Oanh dí dỏm nhưng rất thực tế: “Ở Đồng Nai, có những cây cầu tạo nên những “cơn sốt”, sốt cao và nóng hầm hập, đó là sốt đất”.

Trong mỗi bài viết, người đọc bắt gặp ở đó ngòi bút “khao khát” giới thiệu vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đến với bạn bè gần xa của hai tác giả. Bạn đọc có thể khám phá nhiều di tích, danh thắng, điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Nai như: Văn miếu Trấn Biên, Chiến khu Đ, Thành cổ Biên Hòa, rừng Sác, Vườn quốc gia Cát Tiên, Suối Mơ hay thưởng thức những đặc sản như: bưởi Tân Triều, sầu riêng Long Khánh… Ngay cả những món ăn với sự giao thoa văn hóa của ba miền như: bún bò, mì quảng, cà pháo, mắm tôm… cũng được các tác giả nhắc đến.

* Đến đây… thì ở lại đây

Không phải ngẫu nhiên mà hai tác giả Hoàng Ngọc Điệp và Trâm Oanh lại cùng nhau thực hiện tập tản văn về vùng đất và con người Đồng Nai. Những tư liệu trong cuốn sách được 2 tác giả ghi chép trong một thời gian dài đi thực tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2021, họ cùng lên ý tưởng, hoàn thành các bài viết trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và ra sách ngay sau khi Đồng Nai kết thúc đợt giãn cách xã hội gần 3 tháng.

Tác giả Hoàng Ngọc Điệp - Trâm Oanh chia sẻ: “Cuốn sách Đến đây thì ở lại đây là một trong những điều nhỏ nhoi mà chúng tôi có thể làm được để tri ân vùng đất đã nuôi nấng, bảo bọc những đứa con đến từ phương xa với bao điều bỡ ngỡ, vụng dại thuở ban đầu. Cảm ơn số phận đã đưa đẩy chúng tôi đến với quê hương thứ hai để chúng tôi có được hạnh phúc cùng với vùng đất trầm tích văn hóa mang tên Biên Hòa - Đồng Nai đi qua những thăng trầm của thời bao cấp và thời đổi mới, hội nhập”.

Như tác giả Hoàng Ngọc Điệp chia sẻ: “Tôi và Oanh là “bạn vong niên”, không sinh ra, lớn lên trên vùng đất này. Lý do để chúng tôi đặt chân đến đây cũng có đôi chút khác biệt. Nhưng có một điểm chung kết nối chúng tôi: yêu quý, tự hào và gắn bó máu thịt với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai tươi đẹp, hào phóng, nghĩa tình. Với dung lượng hạn chế của cuốn sách, thật khó để nói hết cảm nhận, tình yêu cũng như những ân nghĩa, thủy chung…, chỉ biết với tất cả trái tim mình, chúng tôi đã cố gắng ghi lại những dấu ấn, sự việc, hồi ức, cảnh đẹp, tâm hồn, nụ nười của những người mình đã gặp trong những năm tháng thanh xuân cũng như khi tóc đã ngả màu”.

Không chỉ có 2 tác giả đến Biên Hòa - Đồng Nai và ở lại với vùng đất này mà rất nhiều nhân vật, con người mà họ gặp gỡ, tiếp xúc và đi vào tập tản văn cũng đến từ nhiều miền, nhiều vùng đất khác nhau. Theo cách lý giải trong bài viết Vùng đất của những sắc màu, thời trước những nhân kiệt cống hiến tài năng, tâm huyết cho đất Đồng Nai cũng có gốc gác từ nhiều vùng như: Nguyễn Hữu Cảnh, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Tri Phương, Bùi Hữu Nghĩa, Trần Thượng Xuyên… Những bậc hiền tài ấy được người dân ghi nhớ công ơn, hiển nhiên coi là người Đồng Nai, bất kể họ đến từ miền nào.

Ly Na

Tin xem nhiều