Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người truyền cảm hứng đọc

10:09, 24/09/2021

Không chỉ lưu trữ, sắp xếp, phân loại sách báo, hướng dẫn tra cứu thông tin mà những người làm công tác thư viện còn truyền cảm hứng đọc, làm cầu nối giữa sách và độc giả.

Không chỉ lưu trữ, sắp xếp, phân loại sách báo, hướng dẫn tra cứu thông tin mà những người làm công tác thư viện còn truyền cảm hứng đọc, làm cầu nối giữa sách và độc giả.

Cô Đào Thị Thanh cùng học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa)  đọc sách sau giờ ra chơi trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4-2021. Ảnh: L.Na
Cô Đào Thị Thanh cùng học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) đọc sách sau giờ ra chơi trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4-2021. Ảnh: L.Na

Tình yêu và đam mê với sách và văn hóa đọc đã và đang giúp những người làm thư viện giữ lửa với nghề, giữ gìn và đưa kho tàng tri thức, đưa sách đến gần hơn với cộng đồng, nhất là trên suốt hành trình mang sách về với bạn đọc vùng sâu, vùng xa.

1. Gần 30 năm công tác tại Thư viện Trường tiểu học Nguyễn Huệ (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa), ngoài những bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong các hội thi giáo viên thư viện giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, cô Đào Thị Thanh còn được đồng nghiệp, các thế hệ học trò yêu thương, kính trọng. Cô Thanh cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thư viện (năm 1993), cô bắt đầu về Trường tiểu học Nguyễn Huệ công tác và gắn bó với thư viện của trường cho đến hôm nay.

“Tôi luôn xem thư viện trường như là ngôi nhà thứ hai của mình. Tôi nhớ, thời gian đầu làm thư viện, số lượng sách còn ít và chưa có các phương tiện phục vụ nhu cầu đọc sách. Do đó, hằng năm tôi lên kế hoạch cùng nhà trường chủ động bổ sung sách mới, sách hay; đồng thời, tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc như: xây dựng tủ sách lớp học, trưng bày sách, giới thiệu sách, kể chuyện, vẽ tranh theo sách, thi rung chuông vàng… Ngoài ra, tôi cũng tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm đưa sách đến gần hơn với học sinh” - cô Thanh chia sẻ.

Mặc dù đã có quyết định nghỉ hưu từ đầu năm 2021 song bởi đam mê với nghề, cô Đào Thị Thanh vẫn đồng ý ở lại trường (không nhận thù lao), hỗ trợ các hoạt động phát triển văn hóa đọc của thư viện Trường tiểu học Nguyễn Huệ. Với cô, lan tỏa một cuốn sách hay đến với học sinh, nhất là đối tượng thanh thiếu nhi chính là cách giúp các em nắm bắt kiến thức, kỹ năng, hình thành nhiều thói quen tốt. Do đó, cô đã mạnh dạn kết nối với các trường học, các đơn vị liên quan để xây dựng và bổ sung thêm nguồn sách báo, tạo môi trường cho bạn đọc nhí tương tác, giao lưu và học hỏi lẫn nhau.

2. Gắn bó với Thư viện TP.Biên Hòa từ khi ra trường cho đến nay, chị Đỗ Thị Ngọc Dung đã có thâm niên hơn 20 năm công tác. Chị Dung cho hay, Thư viện thành phố hiện trực thuộc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa, nằm bên trong khuôn viên di tích Thành kèn Biên Hòa. Thư viện chỉ có một người phụ trách nên hầu hết các hoạt động, từ việc sắp xếp, bảo quản vốn tài liệu đến giới thiệu sách, tạo lập các cơ sở dữ liệu, trưng bày triển lãm, phục vụ lưu động bạn đọc ở cơ sở hằng năm…, chị đều tự tay thực hiện. Tuy công việc khá bận rộn song chị cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

Theo chị Dung, Thư viện thành phố hiện có hàng ngàn đầu sách, bao gồm nhiều thể loại. Trung bình mỗi tháng thư viện đón hơn 200 lượt người tới đọc và mượn sách. Bên cạnh phục vụ tại chỗ, chị thường xuyên tổ chức luân chuyển sách về thư viện các xã, phường, nhà văn hóa ấp, khu phố hay các khu nhà trọ văn hóa để phát động phong trào đọc sách trong toàn cộng đồng.

Chị Dung bộc bạch: “Với vốn tài liệu đa dạng và phong phú được bổ sung hằng năm, Thư viện thành phố đang nỗ lực phát huy hết công năng, giúp người dân trên địa bàn tiếp cận với sách, lan tỏa văn hóa đọc”.

Cũng như chị Dung, chị Lê Xuân Hoài Anh, Tổ trưởng Tổ Thư viện TP.Long Khánh có kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với nghề thủ thư bằng tình yêu và đam mê với sách. Khoảng thời gian đó đã mang đến cho chị nhiều kỷ niệm vui, buồn với nghề. Nhớ nhất là những lần tổ chức các chuyến xe lưu động của thư viện đi về vùng đồng bào dân tộc và trường học trên địa bàn TP.Long Khánh, chị được gặp gỡ, tiếp xúc và phục vụ sách, báo cho những người yêu thích đọc sách, nhất là lứa tuổi học sinh. Chị nói rằng, nhìn các em đọc sách say mê, đó là động lực để chị nỗ lực, cố gắng mỗi ngày.

Cũng theo chị Hoài Anh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động đọc sách tại thư viện ở Long Khánh đang được tạm hoãn. Tuy nhiên, Thư viện Long Khánh đã chủ động xây dựng kế hoạch luân chuyển sách; phát động phong trào đọc sách tại nhà cũng như phối hợp với các trường học tổ chức cho học sinh tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Đồng Nai năm 2021… Nhờ vậy, phong trào đọc sách tại Long Khánh trong mùa dịch được duy trì và diễn ra sôi nổi.

3.Trước thực trạng văn hóa đọc đang ngày càng mai một, việc duy trì và phát triển các mô hình đọc sách từ tỉnh đến cơ sở; số hóa sách, phục vụ bạn đọc trên 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến… là việc làm hết sức cần thiết. Để thực hiện được điều này rất cần sự chung tay của những người làm công tác thư viện tận tâm, yêu nghề.

Đặc biệt, những ngày giãn cách xã hội, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh tạm ngưng phục vụ bạn đọc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều cán bộ, nhân viên trong hệ thống thư viện đã tích cực cùng với cơ quan, đơn vị, trường học… tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, kết nối người dân có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng hàng ngàn phần quà và nhu yếu phẩm. Ai nấy đều kỳ vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi, cuộc sống trở lại với trạng thái bình thường mới để tiếp tục hành trình phát triển văn hóa đọc, đưa sách đến với bạn đọc gần xa…      

Ly Na

Tin xem nhiều