Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

09:07, 07/07/2021

Với phương châm phòng hơn chống, việc xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả.

Với phương châm phòng hơn chống, việc xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả.

Các CLB tham gia phần thi ứng xử tại Liên hoan các CLB Nam giới nói không với bạo lực gia đình Đồng Nai năm 2020. Ảnh: L.Na
Các CLB tham gia phần thi ứng xử tại Liên hoan các CLB Nam giới nói không với bạo lực gia đình Đồng Nai năm 2020. Ảnh: L.Na

Hàng trăm mô hình như: CLB gia đình phát triển bền vững; Nhóm phòng, chống BLGĐ; CLB nam giới nói không với BLGĐ… được nhân rộng, tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động trong cộng đồng.

* Phát huy hiệu quả các mô hình

Xã An Phước (H.Long Thành) là một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống BLGĐ với mô hình Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới. Mô hình đã thành lập các địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cộng đồng, không chỉ là nơi gắn kết mối quan hệ gia đình cho các cặp vợ chồng có những bất hòa trong cuộc sống mà còn là địa chỉ cho nạn nhân bị bạo lực trú ẩn an toàn; là nơi tư vấn pháp luật, tâm lý để giúp phòng ngừa, can thiệp sớm khi có dấu hiệu bạo lực giới.

Từ năm 2014 đến nay, xã An Phước đã thành lập CLB Nam giới nói không với BLGĐ với 20 thành viên, 8 tổ phòng, chống BLGĐ tại 8 ấp, khu phố với 33 thành viên và 3 khu nhà trọ văn hóa. Đặc biệt, từ khi mô hình Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới ra đời, địa phương chưa nhận được thông tin vụ bạo hành nào. Ðây là tín hiệu đáng mừng cho thấy hiệu quả truyền thông và thực hiện mô hình của xã An Phước.

Anh Bùi Nhất Trọng, thành viên CLB Nam giới nói không với BLGĐ xã An Phước chia sẻ: “Tùy vào mức độ nặng, nhẹ khác nhau mà thành viên của CLB sẽ có phương pháp hỗ trợ các trường hợp bị BLGĐ. Với những mâu thuẫn nhỏ sẽ được tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về tác hại của hành vi bạo lực. Còn với những trường hợp ngoài ý muốn, CLB sẽ đưa về địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, giúp họ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc ban đầu về y tế, ổn định tâm lý. Sau đó sẽ vận động, tuyên truyền cho người thân trong gia đình, nhất là người chồng hiểu trách nhiệm của họ, ý nghĩa xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Nhận thấy hiệu quả của công tác phòng, chống BLGĐ qua thành lập và tổ chức hoạt động các mô hình, TP.Biên Hòa đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình gia đình trên địa bàn năm 2021. Trong đó, thành phố tiếp tục nhân rộng các mô hình gia đình, địa chỉ tin cậy cộng đồng, nhóm phòng, chống bạo lực. Vận động thành lập CLB nam giới nói không với BLGĐ tại các khu phố, ấp. Phấn đấu năm 2021, có 70% khu phố, ấp có mô hình CLB gia đình; 100% nhóm phòng, chống BLGĐ; trên 90% địa chỉ tin cậy cộng đồng ở ấp, khu phố hoạt động hiệu quả.

Bà Trần Thị Chung, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa cho biết, Biên Hòa là địa phương có địa bàn rộng, mật độ dân cư đông, dễ xảy ra các vấn đề phức tạp về xã hội. Những năm qua, việc xây dựng và tổ chức hoạt động tốt các mô hình gia đình phòng, chống BLGĐ đã góp phần không nhỏ vào công tác quản lý an ninh trật tự trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, TP.Biên Hòa đã và đang duy trì 400 tổ, nhóm phòng chống BLGĐ và địa chỉ tin cậy cộng đồng; 150 CLB gia đình với gần 4 ngàn hộ gia đình tham gia; 200 đường dây nóng với hơn 1,3 ngàn thành viên…

Tại H.Thống Nhất, hiện có 59 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; xây dựng được 28 CLB gia đình ở 10 xã với gần 600 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên nhằm chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm chăm sóc và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Chỉ tính riêng năm 2020, trên địa bàn huyện không có vụ BLGĐ nghiêm trọng nào xảy ra. Toàn huyện có trên 38.653/39.166 hộ gia đình đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 98,6%.

* Duy trì tính bền vững

Bên cạnh những thuận lợi, việc duy trì và phát triển các mô hình hiện nay cũng gặp một số khó khăn. Theo các địa phương, hầu hết thành viên tham gia các mô hình trên địa bàn tỉnh đều là cán bộ cấp ấp, khu phố và người dân nên công tác tập hợp thành viên có lúc, có nơi còn thiếu sự tập trung, một số mô hình hoạt động chưa có sự sáng tạo. Kinh phí thực hiện mô hình còn hạn hẹp. Một số địa phương, nhiều thành viên là công nhân lao động trong công ty, xí nghiệp nên việc tham gia hội họp, tuyên truyền còn hạn chế về mặt thời gian. Mặt khác, do tâm lý cam chịu và định kiến về giới còn nặng nề của không ít phụ nữ nên dẫn đến nhiều vụ bạo lực không được trình báo đến chính quyền.

Ngoài việc nhân rộng mô hình, đầu tư các bảng thông tin tại những địa chỉ tin cậy, điểm tạm lánh, số điện thoại đường dây nóng…, theo chị Kim Thị Mỵ, chuyên viên công tác gia đình H.Vĩnh Cửu, cần kịp thời tuyên dương, khen thưởng những người làm công tác gia đình, phòng chống bạo lực ở cơ sở. Việc duy trì và phát triển mô hình cần có sự thay đổi trong nội dung hoạt động mới thu hút được người tham gia và đạt hiệu quả trong hoạt động. Ngoài ra, việc triển khai các cơ chế hỗ trợ cho các đội, nhóm, CLB phòng, chống BLGĐ sẽ động viên những người tâm huyết tiếp tục gắn bó với nghề.

Hằng năm, Sở VH-TTDL đều có hỗ trợ về kinh phí và đầu tư trang thiết bị vật chất (trang bị tủ sách, đồng phục, cấp phát tài liệu…) cho các mô hình gia đình trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tổ chức các buổi kiểm tra, đánh giá và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong công tác gia đình ở cơ sở.

Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, ngành đang chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả, tập huấn và hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình. Tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu về gia đình, huy động thêm nguồn lực để duy trì và phát triển mô hình cả về chất và lượng.

Ly Na

 

Tin xem nhiều