Báo Đồng Nai điện tử
En

Di sản văn hóa qua… phim

10:07, 30/07/2021

Với cách thể hiện sinh động kết hợp hình ảnh chân thực, nhiều di sản văn hóa của Đồng Nai đã được ghi hình, dựng thành phim tư liệu giới thiệu đến với các tầng lớp nhân dân.

Với cách thể hiện sinh động kết hợp hình ảnh chân thực, nhiều di sản văn hóa của Đồng Nai đã được ghi hình, dựng thành phim tư liệu giới thiệu đến với các tầng lớp nhân dân.

Lễ hội vía ông Đá được tái hiện trong phim tư liệu di tích khảo cổ cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn của Bảo tàng Đồng Nai
Lễ hội vía ông Đá được tái hiện trong phim tư liệu di tích khảo cổ cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn của Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na

Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần tích cực khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

* Gìn giữ giá trị di sản văn hóa

Nếu dịch Covid-19 không bùng phát và diễn biến phức tạp, hằng năm các di tích trên địa bàn tỉnh đón khá đông người trẻ đến tham quan, học tập và tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, thời gian qua, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện nhiều phim tư liệu về các di tích nhằm giới thiệu đến nhân dân.

Nổi bật trong đó có các phim giới thiệu di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, di tích khảo cổ cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn, di tích cấp quốc gia Núi Chứa Chan… Ở mỗi phim, các di tích được giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành, phát triển, quá trình trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trong đời sống hôm nay. Ngoài những hình ảnh sống động, âm nhạc nhẹ nhàng, lời bình giới thiệu di tích trong các phim cô đọng, tạo ấn tượng cho người xem.

Theo TS Nguyễn Hồng Ân, Phó giám đốc Sở VH-TTDL, những năm tới ngành Văn hóa sẽ chú trọng chuyển đổi số, số hóa di tích. Trong đó, sẽ ưu tiên số hóa các di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, các bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể. Việc làm này sẽ tốn nhiều kinh phí nên ngành Văn hóa sẽ triển khai từ từ, có lộ trình theo từng giai đoạn. Cùng với ứng dụng công nghệ 4.0 vào bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngành Văn hóa kết hợp phát triển du lịch để tạo nên thế mạnh về vốn di sản chuyển sang vốn thực tế.

Trong phim Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được giới thiệu những “bước chân” kinh lược của vị Thượng đẳng thần Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh: “320 năm trước, có một vị tướng của triều đình nhà Nguyễn đã lĩnh ấn tiên phong, vượt ngàn dặm đường thiên lý xa xôi, cho thuyền rẽ sóng tiến vào phương Nam để xác lập chủ quyền cương giới quốc gia Đại Việt ở Đàng Trong. Và khi công cuộc an định biên cương mau chóng hoàn tất, ông đã được lịch sử ghi nhận là một bậc kiệt tướng có công đầu trong lớp người khai sơn ra phủ Gia Định, hoàn tất việc mở cõi mảnh đất phương Nam trù phú. Nhờ công lao của ông mà giang sơn Tổ quốc Việt Nam ngày nay mới liền một dãy từ lũng cú Hà Gang tới tận đất mũi Cà Mau…”.

Hay trong phim khảo cổ cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn, khán giả được nghe PGS-TS Phạm Đức Mạnh, giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nói về việc vận chuyển các trụ đá, tảng đá lớn của mộ: “Người nguyên thủy đã tổ chức các cuộc lao động đường trường để chuyển vận và phù hợp với địa hình nguyên thủy của đồi rừng nguyên sinh của Nam Tây nguyên và Nam bộ. Chúng tôi giả định phải chuyển bằng đường bộ xuyên rừng. Như vậy phải dùng sức kéo của voi. Hiện tượng dùng voi cũng là thói quen của nhiều dân tộc đã thuần dưỡng voi để phục vụ nhu cầu cuộc sống của mình. Qua đó, có thể hình dung việc tổ chức lao động của cư dân cổ để tập kết xây dựng các công trình”.

Hiện tại, Bảo tàng Đồng Nai đã có kế hoạch làm phim tư liệu phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai trong năm 2021. Các phim sẽ thực hiện gồm: Độc đáo nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ ở Đồng Nai; Tri thức khai thác thực vật của người Chơro ở Lý Lịch, Vĩnh Cửu; Hát Tămpơt của người Mạ ở Đồng Nai. Mỗi phim có thời lượng khoảng 15 phút, dự kiến sẽ sản xuất và phát sóng từ tháng 8 đến tháng 11.

* Lan tỏa trong cộng đồng

TS Nguyễn Hồng Ân, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, việc xây dựng phim tư liệu về di sản văn hóa và giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng là việc làm cần thiết. Hiện ngành đã giao Bảo tàng Đồng Nai có kế hoạch phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai để thực hiện tiếp các phim, quảng bá giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Đồng Nai. Ngoài thực hiện phim tư liệu, ngành đã và đang tổ chức nhiều hoạt động để phát huy giá trị di sản.

“Sở giao Bảo tàng Đồng Nai tổ chức các lớp tập huấn cho những người làm công tác di tích ở cơ sở và ở các đình, chùa, miếu… Đồng thời, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu giá trị văn hóa lịch sử ở cơ sở. Trong đó, các cuộc thi này đã tổ chức thành công tại H.Nhơn Trạch, H.Xuân Lộc… hướng tới đối tượng là học sinh THPT. Năm nay, Bảo tàng Đồng Nai có kế hoạch tiếp tục tổ chức cuộc thi tìm hiểu giá trị văn hóa ở H.Tân Phú, H.Định Quán và các lớp tập huấn nhưng do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên các hoạt động đã tạm hoãn” - TS Nguyễn Hồng Ân nói.

Những ngày giãn cách xã hội, xem lại các phim tư liệu giới thiệu về di sản của Đồng Nai, sinh viên Lê Phan Hiếu Anh (Trường đại học Văn hóa TP.HCM) cho biết, trước đây, Hiếu Anh muốn tìm hiểu di tích phải thông qua các tài liệu và hiện vật trưng bày trực tiếp ở mỗi di tích hay đọc các bài viết trên mạng xã hội. Nghỉ ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19, Hiếu Anh dành thời gian nhiều hơn xem lại các phim tư liệu nhằm bổ trợ thêm kiến thức lịch sử Đồng Nai cho bản thân.

“Một số phim di sản Đồng Nai kể chuyện rất sống động, ý nghĩa. Đây là cách học sử bổ ích, giúp giới trẻ có thể tham quan di tích qua phim, nắm được lịch sử hình thành, phát triển. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều phim về di sản được giới thiệu, giúp mọi người tiếp cận di tích khi không có điều kiện đi tham quan thực tế” - Hiếu Anh chia sẻ.

Ly Na

Tin xem nhiều